Ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam nhấn mạnh, trong hành trình ESG, điều quan trọng nhất là phải tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của mình.
Việt Nam hiện đang đối mặt với những tác động đáng kể từ biến đổi khí hậu, với tổn thất kinh tế dự kiến có thể lên tới 14,5% GDP vào năm 2050. Trước thực trạng này, Chính phủ đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ, thể hiện qua những tuyên bố quan trọng tại hội nghị COP26 và triển khai các chính sách trong nước nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường và chuyển đổi xanh.
- Sau một giai đoạn khởi động để thực hiện hành trình Net Zero vào 2050, theo quan sát của PwC Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị ra sao, thưa ông?
Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG năm 2022 của PwC tại Việt Nam cho thấy khoảng 80% doanh nghiệp đã thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện cam kết ESG trong tương lai gần. Đáng chú ý, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dẫn đầu với 57% đã đưa ra các cam kết rõ ràng, chủ yếu do phải tuân thủ chính sách của công ty mẹ ở nước ngoài. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết trong nước, chiếm 58%, đang áp dụng cách tiếp cận "chờ và xem" và dự định thực hiện cam kết ESG trong thời gian tới.
Đáng chú ý, 40% doanh nghiệp gia đình tư nhân đã đặt ra các cam kết ESG, phản ánh trách nhiệm mạnh mẽ của thế hệ kế thừa tại Việt Nam và khát vọng dẫn đầu trong các hoạt động kinh doanh bền vững. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới bắt đầu hành trình ESG của mình.
- Dù Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhưng theo ông, doanh nghiệp còn gặp những khó khăn, “rào cản” nào trong quá trình này?
Một rào cản lớn là thiếu các hướng dẫn cụ thể và rõ ràng cho từng ngành, khiến các doanh nghiệp khó biết bắt đầu từ đâu. Theo khảo sát của PwC, 67% người tham gia cho rằng sự thiếu hướng dẫn trong các quy định là một trong những thách thức chính.
Yếu tố chi phí cũng là một trở ngại đáng kể, vì việc triển khai các thực hành ESG thường đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng hoặc sẵn sàng đầu tư.
Ngoài ra, tư duy ngắn hạn cũng là một rào cản lớn. Nhiều doanh nghiệp vẫn ưu tiên lợi ích kinh doanh ngắn hạn nên ngần ngại khi đưa ra các cam kết ESG dài hạn. Để thúc đẩy sự phát triển bền vững, việc chuyển đổi tư duy từ ngắn hạn sang dài hạn là cần thiết.
- Còn về mức độ sẵn sàng để đầu tư và hoạt động theo tiêu chuẩn ESG của doanh nghiệp Việt thì sao, thưa ông?
Có một sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy khi các công ty bắt đầu nhìn nhận ESG không chỉ là một yêu cầu tuân thủ mà còn là một cơ hội chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và nâng cao khả năng cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đang tận dụng những cơ hội mà ESG mang lại, như đầu tư vào năng lượng tái tạo, tạo ra các sản phẩm bền vững và phát triển bao bì thân thiện với môi trường. Xu hướng này phần lớn được thúc đẩy bởi sự thay đổi kỳ vọng từ người tiêu dùng, nhân viên và nhà đầu tư, những đối tượng ngày càng ưu tiên trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.
- Là một trong những đơn vị tư vấn tiên phong hàng đầu về ESG, PwC khuyến nghị giải pháp phát triển, hiện thực hoá cam kết ESG tại Việt Nam cho các doanh nghiệp ra sao, thưa ông?
Trong hành trình ESG, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của mình, thay vì coi đó như một sáng kiến riêng biệt.
Ban lãnh đạo cần đặt ra các mục tiêu ESG rõ ràng, có thể đo lường, và thường xuyên theo dõi tiến trình thực hiện. Việc vận dụng công nghệ số hóa có thể giúp doanh nghiệp tự động hóa các quy trình phức tạp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên tích cực chia sẻ câu chuyện ESG với khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư và các đối tác khác trong hành trình ESG của mình.
Đặc biệt, đầu tư vào đào tạo và xây dựng chuyên môn cũng rất quan trọng. Ngoài ra, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hướng dẫn từ chuyên gia bên ngoài. Bởi vì, ESG là một lĩnh vực phức tạp, và việc có được chuyên môn phù hợp có thể nâng cao đáng kể hiệu quả nỗ lực của doanh nghiệp. Với chiến lược đúng đắn và sự hỗ trợ phù hợp, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển hóa những cam kết ESG thành động lực tăng trưởng bền vững và tạo nên tác động tích cực lâu dài.
- Trân trọng cảm ơn ông!