Doanh nghiệp

Tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh

Hạnh Lê 22/08/2024 17:26

Hơn 96% doanh nghiệp Value 500 có định hướng rõ ràng trong việc tích hợp ESG vào các hoạt động chiến lược, thể hiện cam kết phát triển bền vững và quản trị minh bạch.

Chương trình nghiên cứu toàn quốc về các doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam do Viet Research phối hợp với các bên liên quan thực hiện cho thấy, trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn, không chắc chắn, phức tạp, các doanh nghiệp thành công trên thế giới và tại Việt Nam phải thực hiện những chuyển đổi chiến lược sâu rộng về kinh doanh và phát triển bền vững.

Theo đó, chiến lược kinh doanh từ mô hình tận thu giá trị được chuyển sang mô hình kiến tạo giá trị để mang lại các giá trị bền vững, dài hạn cho doanh nghiệp, cổ đông, người lao động và cho xã hội.

a logistics
Theo khảo sát, logistic là một trong những ngành có cam kết ESG cao nhất

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong Value500 tập trung chủ yếu vào 8 nhóm ngành chính là thực phẩm - đồ uống (13%), ngân hàng - tài chính (11,2%), logistics (8,8%), vật liệu xây dựng (7,4%), bất động sản (6,2%), bảo hiểm (5,4%), xây dựng (5,4%) và dược (5,2%).

Cụ thể, hơn 90% doanh nghiệp tạo giá trị hàng đầu Việt Nam trong danh sách Value500, Value10 năm 2024 đã cam kết về ESG trong 3-5 năm tới. Việc cam kết và áp dụng ESG không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, giảm thiểu rủi ro và tối ưu hoá hiệu quả hoạt động, mà còn thu hút vốn đầu tư, mở rộng thị trường và đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của quốc gia.

Ngoài ra, hơn 96% trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát của Viet Research đã định hướng rõ ràng về việc đưa các tiêu chí ESG vào các hoạt động chiến lược, thể hiện cam kết trong việc phát triển bền vững và quản trị minh bạch. Trong đó, 79,3% doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động giảm thiểu tác động môi trường như đánh giá và quản lý rủi ro tác động lên biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với cổ đông và các bên liên quan, minh bạch tài chính là một yếu tố được chú trọng hàng đầu. 96,5% doanh nghiệp đã thực hiện việc quản trị tài chính minh bạch và cung cấp thông tin kịp thời cho cổ đông, góp phần củng cố niềm tin và mối quan hệ hợp tác lâu dài. Bên cạnh đó, 93,1% doanh nghiệp đã cam kết liên tục đổi mới và phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi 86,2% doanh nghiệp đã thực hiện chi trả cổ tức ổn định và đảm bảo lợi ích tài chính lâu dài cho cổ đông.

Hiện thực hoá các cam kết trên, nhiều nhóm giải pháp, sáng kiến và chính sách để đạt được các mục tiêu liên quan đến ESG được các doanh nghiệp Value500 và Value10 thực hiện. Cụ thể, 96,5% doanh nghiệp đã thực hiện các chương trình trách nhiệm xã hội (CSR); 82,7% doanh nghiệp đang cải tiến sản phẩm và dịch vụ để thân thiện hơn với môi trường; 75,9% doanh nghiệp đã xây dựng các chiến lược tăng trưởng dài hạn để đảm bảo lợi nhuận bền vững cho cổ đông.

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển đòi hỏi nguồn lực tài chính, quyết tâm lớn. Tuy nhiên, đã có 68,9% các doanh nghiệp đã đầu tư R&D để phát triển các giải pháp công nghệ mới; 56,7% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại như AI, Big Data và IoT để tối ưu hoá quy trình sản xuất và quản lý. Đáng chú ý, 55,2%doanh nghiệp tham gia khảo sát đã thiết lập các quỹ dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp giúp duy trì sự ổn định và bền vững trong hoạt động kinh doanh.

Song song với chiến lược tích hợp ESG là những đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo. Trong khi 43,3% doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên ngân sách cho đổi mới thì có tới 26,7% có kế hoạch tăng ngân sách này. Các doanh nghiệp đã tích cực triển khai các công nghệ mới như bảo vệ dữ liệu, phần mềm quản trị doanh nghiệp (ERP), AI để cải thiện hiệu suất và khả năng cạnh tranh.

Kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị cà phê là một trong những mô hình tiêu biểu
Thực hiện phát triển bền vững thông qua bảo vệ môi trường và xã hội là một trong 6 ưu tiên của các doanh nghiệp Value500

Theo kết quả khảo sát có tới 82,8% doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ bảo vệ dữ liệu và tăng cường an ninh mạng; 79,3% doanh nghiệp đã triển khai các phần mềm quản trị doanh nghiệp cho thấy một xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ trong việc tận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả quản lý.

Về lâu dài, các doanh nghiệp Value500, Value10 xác định 6 ưu tiên là tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận bền vững; thực hiện phát triển bền vững thông qua bảo vệ môi trường và xã hội; ứng dụng công nghệ vào kinh doanh; nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; thu hút và giữ chân nhân tài; mở rộng thị trường và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.

Để tạo ra giá trị dài hạn cho cổ đông, người lao động và xã hội, lãnh đạo các doanh nghiệp buộc phải đối mặt với những sự đánh đổi, nên ưu tiên tạo ra giá trị dài hạn dựa trên lợi thế mà điều này mang lại cho việc phân bổ nguồn lực và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp mình.

Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành kinh tế Việt Nam, để cân bằng giữa việc tối đa hoá lợi nhuận và thực hiện trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp Value500 và Value10 cần xem việc cân bằng này không chỉ là xác định lại bài toán tối đa hoá lợi nhuận về mặt tài chính khi tính “thêm” các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị liên quan đến trách nhiệm xã hội. Sự cân bằng này cần có cách tiếp cận toàn diện hơn, đó là sự thay đổi nhận thức từ triết lý rất thông dụng của “kinh doanh truyền thống là vì lợi nhuận” sang “kinh doanh hài hoà lợi ích của các bên có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO