Tiềm năng startup gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam

Theo Theleader 12/01/2021 05:08

Ở Việt Nam, gọi vốn cộng đồng mới manh nha từ năm 2013 và đến nay đã được phổ biến hơn.

Tuy nhiên, rào cản lớn đối với sự phát triển hoạt động gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam là nhận thức của xã hội còn chưa cao, người dân còn thiếu sự tin tưởng vào các dự án khởi nghiệp hay kinh doanh.

Tiềm năng startup gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam

Tiềm năng startup gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam

Gọi vốn cộng đồng là một hình thức nhận vốn từ công chúng, cụ thể là cộng đồng mạng chung tay góp vốn để hiện thực hóa một ý tưởng hoặc một sản phẩm mới.

Để khuyến khích đóng góp, chủ dự án tặng cho người ủng hộ những món quà lưu niệm hoặc ưu đãi khi mua sản phẩm. Phần tiền ủng hộ (pledge) thực chất có thể xem là tiền đặt mua sản phẩm trước khi sản phẩm ra đời. Vì mua trước và tồn tại rủi ro không nhận được sản phẩm, tiền đặt mua thường thấp hơn giá thị trường từ 30% – 50%.

Gọi vốn cộng đồng bắt nguồn từ hoạt động của website ArtistShare tại Mỹ vào 2003, của Brian Camelio - một nhà sản xuất âm nhạc.. Dự án đầu tiên của ArtistShare là gọi vốn cho việc sản xuất album "Concert in a Garden" của Maria Schneider.

Hình thức gọi vốn của dự án này như sau: Với gói tài trợ 9,95 USD, người tài trợ có thể trở thành một trong những khách hàng đầu tiên được tải xuống album vào năm 2004; với mức tài trợ từ 250 USD trở lên sẽ được in tên trên sản phẩm album với tư cách "người làm nên sản phẩm này"; với 10.000 USD thì được ghi tên là nhà sản xuất.

Nhờ sự thành công của ArtistShare, rất nhiều trang gọi vốn tiếp tục được thiết lập, điển hình như Indiegogo (năm 2008), Kickstarter (năm 2009). Các dự án này có thể thành công, có thể thất bại, nhưng ngày càng chứng tỏ rằng gọi vốn cộng đồng là một hình thức gọi vốn hiệu quả cho những dự án khởi nghiệp kinh doanh trên thế giới.

Ở Việt Nam, gọi vốn cộng đồng mới manh nha từ năm 2013 và đến nay đã được phổ biến hơn. Tuy nhiên, rào cản lớn đối với sự phát triển hoạt động gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam là nhận thức của xã hội còn chưa cao, người dân còn thiếu sự tin tưởng vào các dự án khởi nghiệp hay kinh doanh.

Bên cạnh đó, bản thân những nhà khởi nghiệp cũng còn ngại ngần khi công khai dự án, ý tưởng để kêu gọi sự giúp đỡ vốn từ xã hội, khi mà họ còn chưa thể chắc chắn về sự thành công hay thất bại của dự án đó.

Ngoài ra, sự thiếu hụt khung pháp lý cho hoạt động gọi vốn cộng đồng cũng là một lý do quan trọng khiến hoạt động này chưa có chỗ đứng và phát triển trong thị trường.

Câu chuyện về Misfit là minh chứng cho chiến dịch gọi vốn cộng đồng thành công khi tung ra Shine - thiết bị thông minh đeo trên người để theo dõi, đo đạc các chỉ số sức khỏe. Sau 10 giờ đăng tải trên Indiegogo, dự án đạt được con số là 100.000 USD. Kết thúc thời gian, Misfit Shine thu hút được nguồn vốn lên đến 846.000 USD.

Sau đó, Misfit thu hút được nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới, công ty huy động được 7,6 triệu USD ngay từ vòng gọi vốn Series A. Tính chung, qua 4 năm xây dựng và phát triển, Misfit gọi thành công 3 vòng tài trợ vốn với giá trị gần 63 triệu USD. Năm 2015, startup này bán lại cho Tập đoàn đồng hồ Fossil của Mỹ với giá 260 triệu USD.

Bà Trịnh Khánh Hạ - Đại diện startup Vulcan Augmetics cho biết, cho biết phương thức này hiệu quả khi áp dụng đối với các doanh nghiệp có một sản phẩm hữu hình, trong giai đoạn gần kết thúc dự án R&D và cần một nguồn vốn nhất định để sản xuất đại trà mà không cần phải gọi vốn từ các nhà đầu tư và các quĩ khác.

Phương thức gọi vốn cộng đồng phù hợp khi sản phẩm của doanh nghiệp có tệp khách hàng rất lớn, đa số khách hàng có thể tiếp cận đến, nếu đó là tệp khách hàng có tính toàn cầu thì đó sẽ tốt hơn cả, điều này có thể giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu cao hơn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư marketing ngay từ đầu, trích lập khoảng 10% tiền dùng cho marketing trên tổng số vốn muốn gọi để đầu tư vào các tài liệu, quảng cáo trong giai đoạn gọi vốn.

"Những ngày đầu tiên khi chạy chiến dịch marketing trên các kênh, các doanh nghiệp có thể tăng tốc quảng cáo, PR và tăng lượng truy cập vào các trang gọi vốn của mình nhiều nhất có thể", bà Hạ chia sẻ.

Một vấn đề các startup còn băn khoăn đó là thị trường có sẵn sàng đón nhận việc họ tham gia gọi vốn cộng đồng hay không. Với kinh nghiệm trên sàn gọi vốn cộng đồng của mình, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch hội đồng cố vấn của Saigon Innovation Hub (SIHUB), khẳng định rằng thị trường hoàn toàn sẵn sàng đón nhận điều này.

"Trước khi tham gia gọi vốn tại sàn, các startup cần tìm hiểu kĩ sàn đó có thực sự uy tín hay không. Sau khi đã quyết định lên sàn, doanh nghiệp phải đưa ra các thông tin có đủ tính minh bạch, hấp dẫn; những người đứng sau startup đã gặt hái được thành công gì trong quá khứ; và phải tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư về sản phẩm sau khi tiếp cận marketing chỉ trong vòng vài phút", bà Phi Vân cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiềm năng startup gọi vốn cộng đồng ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO