Cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB) tăng hết biên độ trong phiên giao dịch ngày 29/2.
>>Cổ phiếu ngân hàng hưởng lợi khi Luật các TCTD (sửa đổi) có hiệu lực
Cổ phiếu này tăng giá mạnh sau công bố nghị quyết HĐQT phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận năm 2022. Phiên giao dịch ngày 29/2, cổ phiếu VCB đóng cửa mới mức giá tiến sát đỉnh lịch sử. Dữ liệu ghi nhận khối ngoại cũng liên tiếp mua vào cổ phiếu VCB trong các phiên giao dịch gần đây và thông tin này hỗ trợ cho đà tăng giá của VCB.
Ngày 27/2, HĐQT của VCB thống nhất phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ năm 2022. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ kiểm toán năm 2022 của VCB đạt hơn 29.387 tỷ đồng. Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (1.469,5 tỷ đồng), quỹ dự phòng tài chính (2.939 tỷ đồng) và quỹ khen thưởng, phúc lợi (3.291 tỷ đồng), ngân hàng sẽ dùng toàn bộ hơn 21.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.
Như vậy, với vốn điều lệ hiện tại gần 55.891 tỷ đồng và giá trị chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn 21.680 tỷ đồng, ước tính tỷ lệ thực hiện quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu của VCB sẽ là 38,79%/vốn điều lệ, tương đương phát hành thêm khoảng 2,17 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Sau khi hoàn tất chia cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của VCB sẽ tăng thêm 21.680 tỷ đồng, lên mức hơn 77.571 tỷ đồng.
VCB có 2 cổ đông lớn là NHNN nắm giữ hơn 4,18 tỷ cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 74,8% vốn và Mizuho Bank nắm giữ gần 0,84 tỷ cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 15%.
Như vậy, sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông lớn vẫn giữ nguyên nhưng số cổ phần nắm giữ sẽ tăng thêm, gồm NHNN sẽ nắm giữ hơn 5,8 tỷ cổ phiếu VCB và Mizuho Bank nắm gần 1,2 tỷ cổ phiếu VCB.
Về kết quả kinh doanh, VCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 41.244 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% so với năm 2022. Với kết quả trên, VCB tiếp tục bỏ xa các "ông lớn" khác như BIDV (27.650 tỷ đồng), MB (26.306 tỷ đồng), Agribank (25.400 tỷ đồng), VietinBank (25.100 tỷ đồng), đồng thời xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản VCB đạt hơn 1,839 triệu tỷ đồng, tăng 1,4% so với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng là trên 1,270 triệu tỷ đồng, tăng 10,9%. Huy động tiền gửi khách hàng tăng 12,2% lên gần 1,396 triệu tỷ đồng, với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn ở mức 35,2%.
Đánh giá về cổ phiếu VCB, báo cáo của Công ty Chứng khoán KB cho thấy tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 10% cao gấp đôi năm 2023 nhờ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh và mặt bằng lãi suất huy động rẻ. KB cho rằng tiềm năng tăng trưởng tín dụng của VCB sẽ được thể hiện rõ nét hơn trong năm 2024 trong bối cảnh nền kinh tế đang có những dấu hiệu tích cực, kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ. NIM của VCB sẽ được duy trì ổn định trong tăng trưởng tín dụng sẽ giúp ngân hàng có sự phân bổ tài sản sinh lời một cách tối ưu hơn.
Bên cạnh đó chi phí vốn cải thiện do các khoản tiền gửi lãi suất cao đáo hạn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VCB vẫn đang ở mức cao nhất ngành (270%), theo KB điều này sẽ cho phép VCB linh hoạt trong việc giảm dự phòng và hỗ trợ lợi nhuận trong quý cuối năm và cả năm sau.
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KB đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2024 của cổ phiếu VCB là 109.600 VND/cp, cao hơn 28,6% so với giá tại ngày 07/12/2023. Do vậy, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu cho vùng giá mục tiêu và chốt lời khi VCB rơi khỏi vùng 98.000 đồng/cp.
Có thể bạn quan tâm