Với những cam kết đã ký ban đầu (năm 2015) giữa UBND tỉnh Nghệ An với nhà đầu tư về lộ trình giá bán nước thô các mốc cố định nhưng sau đó, văn bản này lại phải điều chỉnh, hủy bỏ.
Trong khi đó, nhà đầu tư là Công ty CP cấp nước sông Lam nay là Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam (Công ty cấp nước sông Lam) cũng đã có động thái “nhượng bộ” cho việc điều chỉnh nói trên nhưng nay lại gặp phải “ma trận” về thủ tục, cơ chế trái chiều nhau.
Trước đó, vào ngày 28/1/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ký thỏa thuận dịch vụ cung cấp nước thô là Công ty TNHH MTV cấp nước Sông Lam với thời hạn 14 năm, bắt đầu từ tháng 6/2016, với giá bán năm đầu tiên là 1.950 đồng/m3 nước thô. Theo bản cam kết này thì đơn vị cấp nước thô sẽ được phép điều chỉnh tăng giá bán 2 năm/lần và mỗi lần tăng thêm 12%.
UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 7206/QĐ.UBND-ĐTXD ngày 22/12/2014, mở rộng dự án tại Quyết định 3731/QĐ-UBND ngày 03/8/2016.
Dự án đầu tư hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại TP Vinh và vùng phụ cận của tỉnh Nghệ An cũng được triển khai đúng tiến độ và sớm chính thức đi vào hoạt động.
Vậy nhưng, sau một thời gian ngắn dự án đi vào vận hành, đến ngày 05/11/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ra văn bản số 8463 yêu cầu hủy bỏ một số điều khoản trong đó có nội dung ngừng việc tăng giá mua nước thô đầu vào như đã cam kết trước đó.
Nghĩa là, lộ trình điều chỉnh giá nước thô 2 năm một lần, mỗi lần tăng 12%, trong vòng 14 năm bắt đầu từ năm 2016 đến 2030 được hủy bỏ để giao các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An điều chỉnh lại.
Theo đó, Sở Tài chính là đơn vị trực tiếp được UBND tỉnh Nghệ An giao là cơ quan đầu mối để chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan giữa Công ty cấp nước sông Lam và Công ty CP cấp nước Nghệ An (đơn vị trước kia 100% vốn sở hữu nhà nước nay đã được cổ phần hóa) về giá nước.
Tuy nhiên, cũng từ thời điểm năm 2018 đến nay, câu chuyện về định giá bán nước thô đối với Công ty cấp nước sông Lam đến nay vẫn chưa đưa ra được phương án tối ưu, thuyết phục khiến dư luận nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều nhau.
Riêng UBND tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức không ít cuộc họp bàn giữa các bên liên quan để làm rõ vấn đề này nhưng sự việc đến nay vẫn kéo dài khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, gặp nhiều “điểm nghẽn” ngay từ khâu ban hành văn bản pháp lý của cấp có thẩm quyền.
Ngay như tại văn bản mà Sở Tài chính gửi trình UBND tỉnh Nghệ An ngày 09/10/2020 cũng đề nghị “…Trên cơ sở phương án giá nước thô do Công ty TNHH MTV cấp nước sông Lam xây dựng, giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng thẩm định báo cáo UBND tỉnh xem xét và quyết định, trong đó giá trị đầu tư dự án Hệ thống cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, công suất 200.000m3/ngày đêm được tính là 496 tỷ đồng”.
Nghĩa là, để áp dụng giá bán nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn thì Sở Tài chính chỉ “thắt” lại mức tính dựa trên giai đoạn I của dự án đã triển khai trước đó.
Như vậy, còn giai đoạn II của dự án mà chính UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận tại Quyết định 3731/QĐ-UBND ngày 03/8/2016 cho Công ty cấp nước sông Lam để làm gì thì Sở Tài chính vẫn chưa trả lời rõ ràng, thuyết phục cho nhà đầu tư?
Đây cũng là vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, chưa được tháo gỡ “điểm nghẽn” về mặt thủ tục pháp lý và các vấn đề liên quan đến xác định giá bán nước thô cung cấp cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn TP Vinh và vùng phụ cận của tỉnh Nghệ An trong suốt thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm