Dòng tiền rẻ đã khá nhiều nhưng chưa chảy đáng kể vào thị tường chứng khoán. Chúng ta có thể kỳ vọng từ tháng 9 trở đi, thị trường sẽ có đủ thời gian thẩm thấu và hỗ trợ đà tăng trưởng nhiều hơn.
>>Doanh nghiệp được hưởng vốn vay với lãi suất chỉ từ 6,79%/năm
Hiện nay, lãi suất của Việt Nam đang ở mức rất thấp gần với mức thấp trong lịch sử trong bối cảnh toàn thế giới vẫn đang thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất điều hành. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Việt Nam 10 năm là 2,753%, còn của Mỹ là hơn 4,2%.
Điều này cho thấy cả trái phiếu Chính phủ cùng lãi suất thực tế ngoài thị trường đều giảm sâu và ở mức rẻ. Vẫn có nhiều ý kiến cho rằng lãi suất huy động thấp nhưng lãi suất cho vay còn neo cao. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang được vay ngân hàng với lãi suất bình quân khoảng 8-9% một năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt thì chỉ vay ở mức lãi suất 7,5% một năm.
Việc giảm lãi suất không phải đồng đều ở tất cả các ngân hàng, mà mỗi tổ chức có sự thận trọng với từng khách hàng, nhưng mặt bằng chung là đã thực sự giảm. Cách đây 6 tháng, lãi suất trung bình vay mua nhà khoảng 14% một năm và đến nay cũng giảm đáng kể về khoảng 9-12%.
Đáng chú ý, quy định mới về cho vay ngân hàng từ ngày 1/9 cho phép khách hàng vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng kia, chúng tôi đánh giá các thủ tục sẽ khá phức tạp và không dễ cho người đi vay, thậm chí không có nhiều người thực hiện. Vấn đề là nó có tác động rất tích cực khi các ngân hàng cho vay khoản cũ sẽ phải xem xét lại năng lực của người vay. Nếu người vay có năng lực tốt thì có thể ngân hàng sẽ giảm lãi suất khoản vay đó để khách hàng không chuyển món nợ. Từ đó dẫn đến việc trong thời gian tới lãi suất sẽ tiếp tục giảm thêm.
Từ tất cả những điều trên cho thấy, tiền đang rẻ và trong thời gian tới vẫn tiếp tục duy trì môi trường tiền rẻ.
Xét về cung tiền M2, tính đến tháng 6/2023 là 3,71% cho thấy cung tiền vẫn thấp. Trung bình trong hơn 10 năm trở lại đây, cung tiền khoảng 12 - 14% một năm, gần tương đương với tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, tín dụng 6 tháng đầu năm cũng chỉ tăng trưởng 4,73% - mức rất thấp so với 6 tháng đầu năm 2022 là 9,4%.
Như vậy, tiền trong nền kinh tế có ra thị trường nhưng chưa mạnh, tiền không quá nhiều dẫn đến tiền rẻ vào thị trường chứng khoán cũng chưa nhiều. Nguyên nhân là do tiền rẻ mới chỉ đến từ 2-3 tháng trở lại đây và thực sự phải đến tháng 9-10 hoặc tháng 11/2023 mới đủ thời gian để thẩm thấu; khi đó tiền sẽ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn từ quý 4 năm nay cũng như đầu năm 2024.
Cơ sở cho điều này là chỉ số mua hàng của nhà quản lý (PMI) từ tháng 8/2023 bắt đầu dương đạt 50,5 điểm, sau một thời gian dài ở mức bi quan dưới 50 điểm, cho thấy niềm tin vào việc mở rộng sản xuất kinh doanh, hành động của các doanh nghiệp đã tăng lên. Chúng ta có thể kỳ vọng từ tháng 9 trở đi, tăng trưởng tín dụng sẽ mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh đó, động lực cho tăng trưởng kinh tế còn đến từ hoạt động đầu tư trong 8 tháng đầu năm đã tăng 23,1% và xu hướng giải ngân đầu tư công rất mạnh trong tháng 7 tháng 8 vừa qua. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, việc giải ngân đầu tư công năm nay đạt 95% là hoàn toàn khả thi. Khi giải ngân đầu tư công tăng mạnh sẽ kích thích các thành phần kinh tế khác xung quanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cung tiền và tín dụng.
Riêng xuất nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm vẫn giảm mạnh, nhưng dấu hiệu giảm đã chậm lại. Chúng tôi đánh giá khoảng tháng 10 hoặc tháng 11/2023, tăng trưởng xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ trở lại so với cùng kỳ năm ngoái, bởi vì các đơn hàng đang gia tăng, lượng hàng tồn kho của Mỹ và các nước phát triển đã giảm về mức thấp.
Theo khảo sát của chúng tôi với các doanh nghiệp dệt may, gỗ, thủy sản,... cho thấy đơn hàng tại các doanh nghiệp đã tăng, họ bắt đầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh tốt hơn. Khi tiền rẻ còn dư nhiều và đồng thời chảy ra nền kinh tế, sẽ có một phần chảy vào thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm. Chúng tôi cũng tin từ tháng 9-12/2023, tăng trưởng tín dụng của 4 tháng sẽ nhiều hơn 6 tháng đầu năm.
>>Chiến lược đầu tư cổ phiếu cuối năm
Vậy yếu tố lo ngại nhất hiện nay của nhà đầu tư là gì? Thứ nhất, liên quan đến tỷ giá khi tỷ giá của Việt Nam đã tăng 2,3% trong 8 tháng qua. Thông thường Việt Nam đưa ra kỳ vọng mỗi năm tăng tỷ giá trong phạm vi 2%.
Nếu nhìn một cách độc lập thì mức tăng tỷ giá này là xấu và có xu hướng mất giá thêm, nhưng chúng ta cần xét trên bối cảnh chung, đó là tiền của các nước khác cũng mất giá tương đối mạnh. Đơn cử như Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá hơn 4%, hay đồng Yên của Nhật Bản mất giá rất mạnh. Điều này cho thấy Việt Nam là nước kiểm soát tỷ giá tốt nhất, là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào, đánh giá mức độ ổn định và sẽ không rút tiền quá nhiều khỏi Việt Nam.
Thứ hai, về tăng trưởng GDP, nhiều ý kiến nhận định GDP năm nay không đạt được 6,5% như Quốc hội đề ra. Chúng tôi cũng đồng quan điểm này khi trong 6 tháng đầu năm GDP của Việt Nam tăng trưởng rất thấp, khoảng 3 - 4%.
Tuy nhiên, nhìn vào xu hướng tới đây với việc giải ngân đầu tư công mạnh, dòng vốn FDI tốt, mọi thứ trở lại ổn định thì chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP quý 3 sẽ khá tốt, có thể đạt mức 6% và quý 4 là 8-9%, giúp tăng trưởng GDP cuối năm ở mức cao.
Khi xu hướng tăng trưởng GDP tốt, sẽ tác động tích cực đến mọi mặt. Theo đó, các quốc gia nhìn vào Việt Nam thấy động lực tăng trưởng mạnh, nền kinh tế tốt, họ sẽ đầu tư nhiều hơn; đồng thời tạo động lực vững chắc cho các nhà điều hành kinh tế, các doanh nghiệp tự tin để tăng trưởng phát triển.
Thông thường, tăng trưởng GDP cao trong cuối năm sẽ mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp niêm yết cũng tăng trưởng cao. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp quý 4/2023 có thể đạt từ 30-40% so với quý 4/2022.
Có thể thấy, dòng tiền rẻ đã khá nhiều nhưng chưa chảy đáng kể vào thị tường chứng khoán. Để xác định cơ hội có nhiều hơn so với rủi ro trên thị trường hay không, thì cần xét thêm định giá thị trường. Nhìn chung P/B và P/E trung bình vẫn thấp hơn so với lịch sử, cho thấy cơ hội còn khá cao.
Tuy nhiên, với một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có thể bị tác động bởi những yếu tố bất thường như chiến tranh, dịch bệnh,... nhà đầu tư cần phải bám sát vào các yếu tố vĩ mô công bố hàng tháng để đưa ra đánh giá và quyết định đầu tư của mình.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 11/09/2023
05:30, 06/09/2023
05:20, 05/09/2023
11:03, 28/08/2023