Đích thân Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã có văn bản khẩn gửi các bộ liên quan để tìm hướng “giải cứu” dự án đường sắt đô thị (metro) số 1 tại TPHCM.
Đáng nói, vấn đề chậm tiến độ lại phụ thuộc phần nhiều vào khả năng thẩm định các thủ tục. Đặc biệt, liên quan đến việc thẩm định nội bộ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của 2 dự án xây dựng tuyến metro số 1 và số 2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có văn bản khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
PGS. TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế: Việc các dự án chậm tiến độ đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài việc lãng phí tài nguyên đất đai, tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thì tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội là không nhỏ. Nhưng thiệt hại lớn nhất về mặt tinh thần là làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước.Ngoài ra, dư luận trong và ngoài nước sẽ có nhận định, đánh giá không tốt vai trò trong công tác quản lý, điều hành thực hiện các dự án vốn vay nước ngoài trong lĩnh vực đường sắt đô thị. Vấn đề trên cũng dẫn đến việc sử dụng vốn vay không hiệu quả, lãng phí do phải trả phí cam kết và phí thu xếp cho các hiệp định vay, trong khi không giải ngân được vốn vay. TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông: Các dự án giao thông bị chậm tiến độ, đội vốn thời gian gần đây đã gây ra những hệ lụy xấu. Tôi cho rằng, trong thời gian tới, việc quản lý các dự án đầu tư công, dự án ODA cần phải xây dựng chi tiết cụ thể để khi xảy ra vấn đề đội vốn, chất lượng kém, thời hạn hoàn thành không đúng tiến độ phải quy được trách nhiệm cá nhân, tập thể. Đối với những nhà thầu trong và ngoài nước đã có những dự án chậm tiến độ, đội vốn thì cương quyết xếp vào danh sách những nhà thầu không cho tham gia các dự án tiếp theo của ngành giao thông. |
Lo nhà đầu tư… khởi kiện
Theo Hiệp định vay vốn số VN11-P7 ngày 30/3/2012, tổng giá trị khoản vay là 44.302 triệu yen. Việc TPHCM xin gia hạn là bởi Chính phủ đang triển khai các thủ tục thông qua cấp thẩm quyền về điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tuyến metro số 1 nên Bộ KHĐT chưa thể phân bổ vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương, dẫn đến chậm giải ngân so với tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ. Đến thời điểm hiện nay, số vốn chưa giải ngân của Hiệp định vay là 8.766 triệu yen, chiếm 20%, còn khá lớn trong khi Hiệp định vay sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2018.
Văn bản của UBND TPHCM cho biết TP đã thành lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh 2 dự án và hoàn thành đánh giá toàn bộ tình hình thực hiện dự án, bao gồm cả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. UBND TP HCM đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chinh xem xét, có ý kiến thẩm định.
Căn cứ theo kế hoạch thẩm định, phê duyệt điều chỉnh 2 dự án, thời hạn hoàn tất hồ sơ dự kiến phải kết thúc trước ngày 31/10/2019 nhằm đảm bảo kịp thời gian trình HĐND TP HCM trong kỳ họp cuối năm.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong cho biết tính đến ngày 7/10, TP HCM vẫn chưa nhận được ý kiến thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM cảnh báo nếu tiến độ thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh 2 dự án tiếp tục kéo dài, chậm trễ, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch cũng như tiến độ của những dự án này.
Đối với tuyến metro số 1 đang trong giai đoạn tập trung toàn bộ mọi nguồn lực nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành và đưa vào khai thác vào Quý IV năm 2021, nếu không thực hiện thủ tục điều chỉnh kịp trong tháng 11/2019, việc chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ ngừng, giãn tiến độ thi công, trong khi dự án đã đạt 67% khối lượng. Thậm chí, việc chậm thanh toán còn có nguy cơ dẫn tới các tranh chấp, kiện tụng của nhà thầu nước ngoài đang thi công dự án.
Dự án đường sắt đô thị (metro) số 1 tại TP HCM có nguy cơ bị các nhà thầu giãn tiến độ, dừng thi công và kiện ra tòa đòi bồi thường, trong khi tuyến metro số 2 có thể bị cắt vốn tài trợ ưu đãi.
Đối với tuyến metro số 2, ông Nguyễn Thành Phong cảnh báo: Nếu không thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh kịp thời trong tháng 11/2019, kế hoạch trao thầu, giải ngân các hiệp định vay của các nhà tài trợ sẽ không kịp thực hiện trước hạn cuối vào tháng 12/2020.
“Việc này dẫn đến nguy cơ các hiệp định vay không còn hiệu lực, dự án mất nguồn vốn và bị ngưng trệ", văn bản của UBND TPHCM nêu.
Theo Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Lê Nguyễn Minh Quang, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã bày tỏ quan ngại về tình hình dự án metro Bến Thành - Suối Tiên với lãnh đạo TPHCM cũng như Chính phủ Việt Nam.
“Khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, phía JICA nói thẳng trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán tiền cho các nhà thầu. Từ thực tế của tuyến metro này, JICA rất quan ngại trong việc bố trí vốn cho các dự án khác”, ông Quang cho hay.
Có thể bạn quan tâm
14:15, 08/10/2019
00:04, 14/09/2019
09:40, 10/09/2019
02:59, 04/09/2019
11:00, 21/08/2019
Cần quy trách nhiệm đến cùng
Nhưng không chỉ có tuyến metro của TP HCM, nhiều chuyên gia giao thông khi được hỏi đều có chung tâm trạng “sốt ruột”, “lo lắng” đối với các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch nhưng nhiều năm vẫn “nằm trên giấy”, hoặc thi công “ì ạch” do việc đội vốn và thủ tục ở nhiều dự án.
Tại cuộc họp mới đây của Ủy Ban thường vụ quốc hội, đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng lên tiếng về câu chuyện đội vốn, chậm tiến độ của các dự án đầu tư công trọng điểm. Theo ông Tuấn, chuyện này “nói mãi” nhưng việc khắc phục còn chuyển biến rất chậm. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư, sau đó là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án và giảm việc tăng mức đầu tư dự án, TS. Nguyễn Hữu Đức chuyên gia giao thông cho rằng, cần phải thay đổi cơ cấu quản lý dự án đảm bảo việc quy trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức thực hiện dự án chậm, đội vốn. Những cá nhân, tổ chức không hoàn thành nhiệm vụ phải kỷ luật.
Theo các chuyên gia kinh tế, các dự án giao thông được đầu tư bằng nguồn vốn ODA hay nguồn vốn ngân sách đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Vì vậy, các cơ quan hữu quan phải khẩn trương chỉ đạo, gấp rút đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án trọng điểm trên.
Riêng đối với các dự án metro, theo các chuyên gia, thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng còn khá chậm. Thời gian chuẩn bị các dự án mất khoảng 2-3 năm nên khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế. Chưa kể, các dự án metro với đặc thù vốn đầu tư lớn (hàng tỷ USD), thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên sẽ do Thủ tướng phê duyệt. Như vậy, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.
Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt đô thị của Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Một số quy định về đầu tư theo luật pháp Việt Nam có sự khác biệt so với các quy định của các nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian để xin ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ, làm ảnh hưởng tiến độ dự án.
Trở lại với văn bản “kêu cứu” của UBND TP HCM, ông Phong lưu ý, tiến độ thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cho 2 dự án nêu trên nếu tiếp tục kéo dài, chậm trễ, còn phát sinh hàng loạt hệ luỵ khác, như: ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia nước ngoài tài trợ cho dự án. Đặc biệt, vấn đề này còn ảnh hưởng đến khả năng tài trợ tiếp theo cho các dự án đầu tư nói chung và các dự án đường sắt đô thị nói riêng trong tương lai.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẩn thiết kiến nghị các bộ, ngành liên quan đặc biệt quan tâm, nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.