“Tiếp thêm” nguồn vốn giá rẻ

THUẬN HÓA 21/06/2024 03:40

Trái phiếu được xem là một kênh huy động vốn giá rẻ giúp các ngân hàng tăng tốc cho giai đoạn tăng trưởng cho vay mới.

>>> Ngân hàng cần huy động hàng trăm nghìn tỷ trái phiếu bổ sung nguồn vốn

Trong tháng 5, các ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong nhóm phát hành trái phiếu mới.

 Giá trị phát hành TPDN trong năm 2024 và tháng 5 các năm trước (Đvt: tỷ đồng; Nguồn: vietstock)

Giá trị phát hành TPDN trong năm 2024 và tháng 5 các năm trước (Đvt: tỷ đồng; Nguồn: vietstock)

Phát hành mới tăng mạnh

Thống kê của VIS Rating theo dữ liệu của HNX cho thấy trong tháng 5/2024, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới đạt 28 nghìn tỷ đồng, cao hơn so với 19,2 nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2024. Trước đó, từ tháng 1 đến tháng 3, thị trường ghi nhận lượng phát hành mới TPDN lần lượt đạt 15.710 tỷ đồng, 1.165 tỷ đồng, 7.250 tỷ đồng. Như vậy, tháng 5 là tháng thị trường TPDN ghi nhận lượng phát hành mới lên mức cao nhất.

Lũy kế từ đầu năm 2024, ước tính có hơn 67 nghìn tỷ đồng TPDN được phát hành mới, tăng 93% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các đợt phát hành được đón nhận tập trung TPDN riêng lẻ, không tài sản đảm bảo, bên cạnh số ít các đợt phát hành TPDN ra công chúng.

Một thống kê khác từ FiinRatings lại cho tỷ lệ phát hành mới với nhóm doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cũng tăng lên. Qua đó, có thể thấy các doanh nghiệp ngày càng có ý thức về giá trị xếp hạng tín nhiệm để cung cấp đến nhà đầu tư nhằm tăng cơ hội huy động vốn tốt hơn.

>>>Áp lực tất toán trái phiếu doanh nghiệp

Kênh hỗ trợ vốn giá rẻ

Trong tháng 5, các ngân hàng áp đảo trong nhóm phát hành trái phiếu mới với các tên tuổi như MB, BIDV, Shinhan, HDBank, TPBank, Techcombank, MSB… Các đợt phát hành có lãi suất khá thấp tùy trái phiếu nợ ưu tiên hay trái phiếu nợ ít quyền hơn (nợ thứ cấp): MSB (3,9%/năm), MB hay Techcombank (4,5%/năm), HDBank (4,8%/năm)... hay thả nổi từ 5,7%/năm + biên độ theo lãi tiền gửi.

Theo dự báo của MBS, khả năng từ nay đến cuối năm 2024, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng khoảng 70-100 điểm cơ bản - từ mức nền mà các NHTM đã điều chỉnh tăng tập trung trong 2 tháng vừa qua. Với mức lãi suất mà các ngân hàng đang huy động và tập trung vào trái phiếu nợ ưu tiên (70%), rõ ràng nhà băng đang phát huy tối đa thuận lợi của mình để hút vốn, bù đắp nguồn cho vay trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Nhật Hoàng, Trưởng Bộ phận Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, FiinRatings, cho biết hiện nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường TPDN vẫn là ngân hàng và các công ty chứng khoán. Trong khi đó vẫn còn những nguồn vốn lớn chưa được khơi thông.

Dù vậy, với thực tế các ngân hàng giữ vị thế làm chủ cung ứng tín dụng và chủ chốt kênh trái phiếu, thì việc nhà băng tăng tốc huy động vốn giá rẻ cũng đồng nghĩa kỳ vọng họ đang rốt ráo cân đối vốn để chủ động trước một giai đoạn tăng trưởng cho vay mới.

Các chuyên gia của S&P Global dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP thực 6,3% trong 2024, dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có việc tăng cường thị trường vốn lẫn các cơ sở hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu trở lại

    Doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu trở lại

    03:00, 17/05/2024

  • Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp

    Chu kỳ mới trái phiếu doanh nghiệp

    03:50, 02/06/2024

  • Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, tăng đầu tư công

    Phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, tăng đầu tư công

    04:00, 07/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Tiếp thêm” nguồn vốn giá rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO