Kinh tế

Tiếp tục đánh giá, làm rõ các hạn chế để thúc đẩy kinh tế 2025 bứt phá

Gia Nguyễn 26/10/2024 12:21

Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các đại biểu đề nghị, cần tiếp tục đánh giá, làm rõ các hạn chế để thúc đẩy kinh tế 2025 bứt phá…

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, dự kiến kế hoạch đầu tư công...

to-8-cac-dai-bieu-thao-luan-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-26.10.1.1.jpg
Sáng 26/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tham gia thảo luận ở tổ - Ảnh: Media Quốc hội

Trong đó, các đại biểu đánh giá cao những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đáng chú ý là nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch của Quốc hội giao, nhiều ngành kinh tế đã phục hồi hoàn toàn và trở lại mức bằng hoặc cao hơn trước đại dịch COVID-19.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8 - 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6 - 6,5%). Tính chung 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất từ năm 2021 đến nay.

Bên cạnh đó, về du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đạt 12,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước; dự kiến cả năm có hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tương đương với trước đại dịch COVID-19.

to-8-cac-dai-bieu-thao-luan-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-26.10.1.2.jpg
Đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum phát biểu tại Tổ 8 - Ảnh: Media Quốc hội

Theo các đại biểu, kết quả này cho thấy, các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2021-2026.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các đại biểu cũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức, cần tiếp tục đánh giá, làm rõ các hạn chế cũng như các nguyên nhân để nền kinh tế năm 2025 và các năm tiếp theo có thể bứt phá.

Thảo luận tại Tổ 8, gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Kon Tum.

Quan tâm đến đầu tư công, đại biểu Phạm Đình Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng, tiến độ giải ngân còn chậm, 9 tháng đầu năm 2024 cả nước ước giải ngân đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Hiện vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước.

Đáng chú ý, tình trạng doanh nghiệp rút lui thị trường “diễn biến nhiều năm nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu”.

Theo đại biểu Phạm Đình Thanh, trong 9 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023.

Do đó đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn để làm rõ về nguyên nhân của hiện trạng này.

Đồng quan điểm về những vấn đề đã nêu, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhiều nơi đạt dưới mức trung bình chung của cả nước có thể gây ra lãng phí lớn về cơ hội phát triển và hiệu quả tổng hợp của dự án.

“Nếu nhìn lại những giai đoạn trước đây khi xi măng, sắt thép phải cân đối từng kg, nguồn vốn phải chắt chiu từng đồng thì mới thấy cái giá phải trả của việc “có tiền mà không tiêu được”, mà đây là tiền thuế của dân, tiền đi vay của Chính phủ, mới thấy thật sự lãng phí”, đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.

Về tỷ lệ doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, theo đại biểu Tạ Thị Yên, cũng cần được xem xét, đánh giá nghiêm khắc hơn về nguyên nhân chủ quan và khách quan để có hướng giải quyết.

“Ví dụ, việc cho thành lập doanh nghiệp liệu có dễ dãi quá và liệu đây có phải là nguyên nhân không? Hay là do năng lực quản lý, thị trường, công nghệ, sản phẩm? Nguồn vốn, đất đai? Rồi vai trò “bà đỡ” của nhà nước qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, tín dụng ưu đãi, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển...?”, đại biểu này bày tỏ.

Đồng thời cho hay, việc chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có thể gây ra những hệ lụy cho an ninh năng lượng. Nhiều dự án điện tái tạo vẫn đang vướng mắc về thủ tục, chưa đưa vào khai thác.

“Đây chính là sự lãng phí rất lớn nguồn lực tài chính của xã hội, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển cũng như quy mô của nền kinh tế cần được đánh giá xác đáng để có giải pháp giải quyết”, đại biểu Yên bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tiếp tục đánh giá, làm rõ các hạn chế để thúc đẩy kinh tế 2025 bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO