Việc đầu tư bất động sản du lịch đã và đang là một xu hướng đầy hứa hẹn, nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để lĩnh vực này phát triển bền vững cần sự hòa hợp, thống nhất giữa các ngành.
>>Nhiều “điểm nghẽn” phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng
Cùng xây dựng tiêu chí
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, ngành bất động sản và ngành du lịch cần phải ngồi lại với nhau để thống nhất về các tiêu chí cho bất động sản du lịch. Có thể, ngành bất động sản sẽ thực hiện theo một số tiêu chí mà ngành du lịch đặt ra để cùng “bắt tay” phát triển.
Thông tin từ ông Bình, ngành du lịch đã bàn với Tổng hội xây dựng Việt Nam để tìm phương án cho bất động sản du lịch, bàn khó khăn, thách thức để gắn kết hai ngành này. "Theo quan điểm là phải ban hành tiêu chí bất động sản du lịch. Khi nào doanh nghiệp đầu tư bất động sản đạt được các tiêu chí của ngành du lịch ban hành thì sẽ gọi đó là bất động sản du lịch, nếu không thì không được sử dụng thương hiệu bất động sản du lịch để trang trí cho những nơi đầu tư bất động sản thuần túy, những nhà đầu cơ bất động sản".
“Năm 2019, có 18 triệu khách du lịch, đã có vấn đề khủng hoảng buồng phòng, có thể sau Covid-19, số lượng khách có thể lên 30-40 triệu khách liệu số lượng buồng, phòng, cơ sở du lịch có đáp ứng đủ hay không? Cho nên phải nhìn trước, các nhà đầu tư bất động sản phải cam kết đầu tư cho khách du lịch, người làm du lịch phải quan sát các điều ấy”, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nói thêm.
Hình thành các đô thị du lịch biển
Giai đoạn qua, các đô thị ven biển đều tích cực thu hút đầu tư xây dựng và phát triển nhiều khu, điểm du lịch ven biển mới và hiện đại, thu hút số lượng lớn khách du lịch trong nước, quốc tế. Khá nhiều dự án đầu tư khu du lịch biển, đảo cao cấp, khu du lịch thể thao, giải trí ven biển có số vốn từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Ven biển cả nước phát triển được chuỗi các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế (4 - 5 sao) ở hầu hết các địa phương ven biển. Việc hình thành các đô thị du lịch ven biển có được xem là phương án khả thi, tuy nhiên vẫn cần phải cẩn trọng hơn trong phương án xây dựng.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng các đô thị du lịch biển còn thiếu sự kết nối cảnh quan và các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch. Mặt khác, do tác động của đô thị hóa, các không gian mở trong đô thị đặc biệt các không gian xanh và không gian công cộng đô thị du lịch biển càng ngày càng bị thu hẹp và bị chia cắt, gây ảnh hưởng tới môi trường đô thị cũng như cuộc sống của người dân địa phương.
“Cần đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, tạo thành các trung tâm đô thị kinh tế biển mạnh, tạo tiền đề kết nối với các đô thị trong đất liền, đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ du lịch, dịch vụ kho cảng, dịch vụ xuất, nhập khẩu, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Việc phát triển đô thị biển sẽ kết nối và trở thành trung tâm của toàn bộ khu kinh tế ven biển để hình thành một hệ sinh thái đô thị - công nghiệp - dịch vụ cộng sinh”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất giải pháp.
Trong khi đó, Ths.KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia (Bộ Xây dựng) nhìn nhận đô thị du lịch phải đảm bảo cung cấp dịch vụ du lịch cho tối thiểu 1 triệu khách/năm đến tham quan vùng du lịch xung quanh nó, có tiềm năng du lịch như công trình văn hoá, di sản hay cảnh quan thiên nhiên đẹp. Cùng với đó là có các hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu tham quan, lưu trú của khách du lịch, có nguồn lực lao động trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ du lịch và có nền kinh tế du lịch đóng vai trò chủ đạo.
Theo vị này, hiện đang thiếu các cơ sở khoa học để xây dựng mô hình và các giải pháp cấu trúc đô thị sinh thái du lịch biển Việt Nam. Quy hoạch và quản lý phát triển đô thị du lịch ven biển còn nhiều lúng túng, nhất là việc cấp phép xây dựng các tổ hợp công trình cao tầng quy mô lớn. Ngoài ra, các đô thị du lịch biển còn thiếu sự kết nối cảnh quan, tầm nhìn,... Hình thức kiến trúc cũng thiếu tính liên kết đồng bộ và không gian xanh, không gian công cộng đô thị du lịch biển càng ngày càng bị thu hẹp và bị chia cắt.
“Do đó, cần lưu ý tới giải pháp kiến trúc nương tựa vào tự nhiên và không làm tổn hại đến các giá trị vốn có, các giá trị cảnh quan cần được bảo tồn, dành cho tự nhiên, không lấn át thiên nhiên. Tổ chức, phân bố có nhịp điệu công trình và tổ hợp công trình cao tầng, mật độ xây dựng phù hợp theo từng đoạn tuyến đường đô thị ven biển, thay vì dàn trải bê tông hóa trên suốt dọc dài bờ biển. Cân nhắc xác định những vị trí xây dựng công trình cao tầng bám sát không gian ven biển, đường đô thị ven biển”, Ths.KTS. Nguyễn Thị Hồng Diệp đề xuất.
Có thể bạn quan tâm