TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 1) Sức ép đè nặng

HẠNH LÊ 15/12/2022 05:00

Là ngành thâm dụng lao động nên việc thiếu đơn hàng xuất khẩu do tác động của suy thoái kinh tế đã khiến các doanh nghiệp dệt may rơi vào tình cảnh “khó chồng khó”

>>>Doanh nghiệp dệt may gặp khó vào cuối năm

LTS: Trái ngược với thời điểm giữa năm lượng đơn hàng dồi dào thì hiện nay, ở vào thời điểm cuối năm, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp sụt giảm mạnh. Doanh nghiệp cũng phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng tăng, mua nguyên phụ liệu và tỷ giá chênh lệch. Bên cạnh đó, dự báo xuất khẩu của ngành dệt may xấu đi trong nửa đầu 2023. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực tìm các giải pháp để trụ vững và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bức tranh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dệt may đang trở nên ảm đạm hơn bao giờ hết khi các doanh nghiệp, kể cả những “anh cả” đều bị sụt giảm đơn hàng. Tình trạng “đói” đơn hàng này dự kiến tiếp tục kéo dài đến hết quý II năm 2023. Tổng Giám đốc công ty May 10 Thân Đức Việt gọi đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn của ngành.

Còn theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh, với 30 năm gắn bó với ngành, đây là lần đầu tiên nhà máy may mặc thiếu đơn hàng và công nhân thiếu việc trên diện rộng. Trước tình hình lạm phát và suy thoái toàn cầu, các doanh nghiệp đã lường trước việc sụt giảm đơn hàng nhưng thực tế, đơn hàng giảm với tốc độ quá mạnh, vượt ngoài dự kiến của các doanh nghiệp

Các đơn hàng sụt giảm mạnh tập trung vào thị trường Mỹ, châu Âu do sức ép lạm phát lớn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Cụ thể, châu Âu giảm 60%, Mỹ giảm 30 - 40% trong khi lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%.

Không nhiều nhà máy may mặc có đơn hàng đến quý I năm 2023 (ảnh: Hằng Thu)

Không nhiều nhà máy may mặc có đơn hàng đến quý I năm 2023 (ảnh: Hằng Thu)

Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm hơn 20%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 40 - 50%. Khác với thông lệ nhiều năm, các doanh nghiệp thay vì lo lắng tuyển dụng lao động, sắp xếp tăng ca như hồi đầu năm thì nay phải tính toán giảm biên chế, bỏ tăng ca, giãn việc chỉ làm 5 ngày trong tuần. Một số doanh nghiệp do không cầm cự nổi đã phải giải thể, chấm dứt hợp đồng lao động với hàng ngàn người lao động.

Bước sang năm 2023, dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn, cạnh tranh gay gắt do có ít đơn hàng cho năm mới. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhận các đơn hàng giá thấp, thậm chí lỗ để duy trì việc làm cho công nhân nhưng cũng khó.

Từ tam giác công nghiệp ở phía Nam là TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Dương, việc sụt giảm đơn hàng lan ra các tỉnh phía Bắc. Bà Nguyễn Thị Tâm - Trưởng phòng nhân sự công ty May Tinh Lợi (tỉnh Hải Dương) cho biết: do hàng tồn trong kho còn nhiều nên các đối tác nước ngoài đã cắt giảm 30% đơn hàng và dự báo tình hình này tiếp tục trong năm 2023. Do vậy, đến thời điểm này, doanh nghiệp không tăng ca sản xuất và dừng tuyển dụng lao động đến hết năm 2023.

“Những năm trước, sản xuất ổn định, doanh nghiệp lúc nào cũng khát lao động và tuyển dụng liên tục để thay thế số lao động nghỉ tự nhiên cũng như đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, bây giờ bộ phận tuyển dụng của công ty nhàn lắm, chưa bao giờ như thế nhưng đó lại là vấn đề đau lòng” - bà Nguyễn Thị Tâm nói.

Công ty May Tinh Lợi chịu tác động của việc giảm đơn hàng từ tháng 10. Trước đó, tầm tháng 8, công ty đang có kế hoạch mở rộng thêm nhà máy ở huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương). Thời điểm đấy, theo bà Nguyễn Thị Tâm khách hàng vẫn giục đôn đáo lắm nhưng chỉ một hai tháng sau, tình hình thay đổi khác hẳn và đến tháng 10, với những diễn biến xấu, công ty phải dừng mở rộng sản xuất, dừng đầu tư xây dựng nhà máy mới.

Giãn việc là giải pháp ứng phó đang được nhiều doanh nghiệp dệt may áp dụng (ảnh minh hoạ)

Giãn việc là giải pháp ứng phó đang được nhiều doanh nghiệp dệt may áp dụng (ảnh minh hoạ)

>>>Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động

Tại Hà Nội, theo thông tin từ Công đoàn ngành dệt may, những doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý I/2023 là rất ít, chủ yếu các doanh nghiệp duy trì được đơn hàng đến hết tháng 12. Ngay cả những doanh nghiệp lớn cũng đang sản xuất theo đơn hàng đến hết tháng 12, còn sang quý 1 năm 2023 cũng chưa biết việc đặt hàng của đối tác sẽ ra sao. Phương án tổ chức sản xuất được đa phần các doanh nghiệp lựa chọn cho đến thời điểm này vẫn là giãn việc, không tăng ca làm thêm để giữ chân, đảm bảo thu nhập và cuộc sống cho người lao động, góp phần giữ ổn định quan hệ lao động trong thời điểm cuối năm.

Bộ Công Thương dự báo triển vọng đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan. Từ thực tế của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ thêm, việc đặt hàng của các đối tác nhập khẩu cũng đang thay đổi, không như thông lệ. Mới đây, ông Thân Đức Việt đã nhận được thông tin khá tiêu cực của khách hàng, kể cả khách hàng tiềm năng nằm ở nhóm khó cắt giảm đơn hàng cũng đã thông báo là bắt đầu giảm đơn hàng. Phía đối tác cho biết, thường dịp Giáng sinh và cuối năm sẽ bán được hàng nhưng Giáng sinh cận kề rồi mà tồn kho vẫn còn nhiều.

Vì vậy, phía đối tác phải rà soát hàng tồn kho và huỷ đơn hàng dù doanh nghiệp may mặc đã chuẩn bị nguyên phụ liệu. Việc có đặt hàng tiếp hay dừng còn phải tính, ít nhất cũng qua mùa Giáng sinh để xem tình hình kinh doanh.

Trong khi đó, trước đây, quy trình đặt và giao hàng thường diễn ra trong 6 tháng từ thiết kế mẫu mã, chuẩn bị nguyên vật liệu đến sản xuất. Chu trình này nếu bỏ qua khâu thiết kế, rút ngắn lại cũng phải trong 3 tháng. Tuy nhiên đến nay, đối tác đã không tuân theo chu trình này mà căn cứ theo thực tế thị trường. Do đó, doanh nghiệp may mặc trong nước khó có thể dự báo sớm tình hình đơn hàng, tổ chức sản xuất kinh doanh trước cả năm hoặc chí ít là nửa năm như trước đây.

Bài 2: Thích ứng với điều kiện kinh doanh mới

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp căn cơ nào hỗ trợ lao động bị giãn việc?

    Giải pháp căn cơ nào hỗ trợ lao động bị giãn việc?

    00:10, 12/12/2022

  • Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng

    Doanh nghiệp dệt may đang cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng

    00:06, 22/09/2022

  • Ngành dệt may nửa cuối năm 2022: Nhiều thách thức còn ở phía trước

    Ngành dệt may nửa cuối năm 2022: Nhiều thách thức còn ở phía trước

    10:00, 11/09/2022

  • Dệt may gặp khó vì

    Dệt may gặp khó vì "ăn đong' đơn hàng

    04:00, 25/08/2022

  • “Cánh cửa” giúp doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững

    “Cánh cửa” giúp doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững

    15:51, 16/08/2022

  • Nhiều thách thức với doanh nghiệp dệt may những tháng cuối năm

    Nhiều thách thức với doanh nghiệp dệt may những tháng cuối năm

    04:00, 08/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 1) Sức ép đè nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO