Việt Nam đặt mục tiêu sẽ hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc.
>>> Nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ hội vốn của doanh nghiệp
Tại cuối 2023, cả nước có gần 1.900 km đường cao tốc. Đây là một trong những hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng nhất mà Việt Nam đã tập trung đầu tư trong những năm qua.
Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2018, Việt Nam xếp hạng 75/140 về trụ cột cơ sở hạ tầng, tuy nhiên đến 2019, xếp hạng 77/141 quốc gia. Xét trong 4 trụ cột chính được xếp hạng, trụ cột Cơ sở hạ tầng và Ổn định môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam giữ nguyên thứ hạng thứ 6 trong 9 nước ASEAN có mặt trong bảng xếp hạng.
Đáng chú ý, ở trụ cột Cơ sở hạ tầng, cả 2 năm Việt Nam đều cao hơn Philippines, Campuchia và Lào. Từ 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid–19, nên các đánh giá và báo cáo xếp hạng GCI không được công bố chi tiết như các năm trước đây. Theo đó, có thể thấy các quyết tâm nỗ lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng của Việt Nam đang và tiếp tục là một trong động lực quan trọng, cần hiện thực hóa để nâng cao vị thứ quốc gia trong GCI.
Song song với việc cần tăng cường phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối với các quốc gia trong khu vực, việc thúc đẩy để tiến tới xây dựng cơ sở hạ tầng xanh cũng như song hành thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch và hiệu quả, nhất là năng lượng mặt trời và năng lượng gió để tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường hiệu quả hơn, cũng được các chuyên gia khuyến nghị như một định hướng chiến lược để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam ngày càng cao hơn.
>>>Đa dạng kênh vốn cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, một thách thức đặt ra không nhỏ, luôn là câu chuyện nguồn vốn. Như trong bài viết trước về vấn đề vốn cho cơ sở hạ tầng, theo ước tính của FiinRatings, trung bình hàng năm Việt Nam có khoảng cách tài trợ nợ từ 5,8 đến 6,8 tỷ USD, tức là tổng cộng nhu cầu tài chính lên đến 116 tỷ USD cho đến năm 2040.
Trong khi đó, phân vốn cho đầu tư kết cấu tầng nói chung - các dự án có nhu cầu vốn dài hạn, theo lý thuyết chung tính đến 4 kênh tài chính Nhà nước là thu NSNN, phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP), vay ODA và nguồn vốn của DNNN; ngoài ra là kênh đầu tư tư nhân; trên thực tế, đều đang có nguồn cung hạn hẹp.
Ở kênh vốn đầu tư Chính phủ và vay nguồn ODA, nền kinh tế ghi nhận dòng ODA ròng vào Việt Nam giảm mạnh từ sau năm 2015 do Việt Nam chuyển sang nhóm nước thu nhập trung bình, khiến mức hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế giảm sút. Đây là thực trạng và cũng là thách thức mà chúng ta đã tiếp nhận trong những năm qua, trên cơ sở đó cũng đã có những định hướng để xoay chuyển thoát phụ thuộc/ bị động khi vốn ODA không còn là "dòng sữa" dồi dào như trước.
Tuy nhiên với thâm hụt ngân sách của Việt Nam dù đang được cắt giảm nhưng vẫn cần phải tiếp tục tiết giảm để đảm bảo ổn định, bền vững tài khóa, việc mạnh tay đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ ngân sách cũng không thể "quá mức". Ngân sách cho cơ sở hạ tầng hiện chỉ đạt 11-13 tỷ USD/năm, không đủ đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của Việt Nam.
FiinRatings thống kê, với nguồn cung ứng vốn dài hạn cho các cơ sở hạ tầng nói riêng, có sự phụ thuộc lớn từ nguồn tài trợ các ngân hàng, thì thực tế tỷ trọng tín dụng không cao. Trong số 3 NHTMNN là Vietcombank, VietinBank, BIDV, tỷ lệ phân bổ tín dụng cho cơ sở hạ tầng lần lượt là 6,0%, 6,5% và 6,5% - trên danh mục vay là 42,7; 52,5 và 62,7 (tỷ USD). Ngoài ra, NHTM bán Nhà nước (MBB) và NHTMCP tư nhân SHB cũng tham gia trong bảng danh mục vay lần lượt 19,0 và 15,9 tỷ USD, với tỷ lệ phân bổ tín dụng cho cơ sở hạ tầng là 8,0% và 10,0%.
Bên cạnh đó, số liệu từ NHNN cho biết, tín dụng xanh, nguồn vốn tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, hiện chỉ chiếm chưa đến 5% (~22,3 tỷ USD) tổng dư nợ trong nền kinh tế. Với 43 tổ chức tín dụng hiện đang cung cấp các khoản vay xanh, NHNN đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng tín dụng xanh 25% vào năm 2025 và 30-35% vào cuối năm 2030. Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (45%), và nông nghiệp xanh (31%) là các lĩnh vực chính được tài trợ cho đến nay.
>>>Triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và giải pháp phát triển thị trường vốn
Cũng theo FiiRatings, trên thị trường vốn trong nước, các nguồn tài trợ cũng đang khiêm tốn. Trong đó, vốn cổ phần, bao gồm cả IPOđóng vai trò rất nhỏ do thị trường chứng khoán Việt Nam do nhà đầu tư cá nhân chi phối với khoảng 90% giá trị giao dịch hàng ngày. Kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu diễn ra bởi các ngân hàng và bất động sản.
Một trong những nguồn vốn lớn (đang giữ ở trạng thái "trú ẩn bảo toàn" thì chưa thể khơi thông vào kênh trái phiếu doanh nghiệp để tăng cường tài trợ vốn cho đầu tư tư nhân) là các đơn vị bảo hiểm - cụ thể hiện đang phân bổ tài sản chủ yếu vào tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.
Theo Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong những năm qua, phát triển hạ tầng là một trong các ưu tiêu của phân bổ NSNN tại Việt Nam mặc dù thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Riêng trong 2023, các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo … tiếp tục được cải thiện, đạt nhiều kết quả rõ nét, nhất là việc Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp đầu năm 2024; Đặc biệt, đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh; đưa vào khai thác nhiều dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng, như các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng… mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.
Nhiều khó khăn, vướng mắc, như pháp lý của doanh nghiệp, dự án đầu tư, đầu tư công, ngân sách nhà nước, xây dựng, đấu thầu… đã và đang được tập trung tháo gỡ, đạt kết quả rõ nét. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Đây được xem là những điều kiện quan trọng để đầu tư nói chung và đầu tư cho kết cấu/ cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng tốc trong 2024.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục xác định kết cấu hạ tầng là một trong các đột phá chiến lược. Để thực hiện được các mục tiêu và đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng hiệu quả, cần có những giải pháp huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam trong thời gian tới. Chuyên gia nhấn mạnh, thị trường tài chính phát triển sẽ là "nền tảng lớn" để thúc đẩy huy động nguồn lực đầu tư dài hạn quan trọng nhất. Chẳng hạn, với vốn của các quỹ bảo hiểm vẫn còn "tạm ngủ" hoặc đi tìm kênh bảo toàn, thì sự phát triển ổn định, minh bạch, hấp dẫn của thị trường vốn trong nước - bao gồm thị trường vốn cổ phần và thị trường nợ trái phiếu doanh nghiệp, với sức hút cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước để tạo sôi động mạnh mẽ, sẽ "đánh thức", khơi thông, tăng hiệu lực nhiều lần của nguồn này.
Có thể bạn quan tâm