COVID-19 bùng phát, nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi sau khi bị “tổn thương”, khó khăn bủa vây từng nhà, từng người. Có thể nói, đây là thời điểm “vàng” để tín dụng đen vươn “vòi bạch tuộc”.
Mới đây, vào đêm ngày 23/3, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ bao vây, bắt, khám xét các địa điểm của băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích... do Ngô Thị Kim Cương cùng chồng là Trần Minh Sơn và Nguyễn Đức Thành (cùng ngụ xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) cầm đầu.
Vì sao vây bắt một ổ cho vay nặng lãi lại phải huy động gần 100 cảnh sát? Bởi vì đây là băng nhóm nguy hiểm, có trang bị vũ khí, hung khí. Bọn chúng là những tên tội phạm nguy hiểm, có thể chống trả cảnh sát.
Đáng nói ở chỗ, không chỉ băng nhóm này, mà thời gian qua có nhiều băng xã hội đen chuyên cho vay nặng lãi, đẩy người yếu thế đến đường cùng. Thậm chí chỉ còn nước tự tử để thoát khỏi “kiếp nạn” chỉ vì “vay nợ một triệu, trả nợ hết kiếp”, vì bị tính lãi suất 300%-600%, 800%.
Chẳng hạn, ngày 22/3 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Bỉnh Tuân và Nguyễn Bá Điệp về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Mức lãi suất cho vay từ 240% đến 810%/năm.
Trước đó, ngày 8/2, Công an tỉnh Đắk Lắk triệt xoá băng nhóm “tín dụng đen” cho vay lãi suất lên đến 970% một năm. Với mức lãi suất này thì người vay làm gì để có thể trả được lãi, nói chi đến nợ gốc.
Câu chuyện có thực ở Đà Nẵng, khi chúng tôi trong vai người cần tiền đi vay, lướt trên mạng Facebook thấy những thông tin quảng cáo cho vay tiền khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam. Những dòng quảng cáo: Cho vay tiêu dùng, thủ tục nhanh gọn, gặp mặt trực tiếp, giải ngân trong ngày…
Khi bốc máy gọi điện thoại hỏi về hình thức vay, đầu dây bên cho vay nói: "Bên em cho vay trả góp theo ngày, hồ sơ đơn giản vì gặp trực tiếp xem nhà cửa, giấy tờ, được thì giải ngân luôn. Có hai mức cho vay, giả sử như vay 10 triệu thì khách có lựa chọn như sau: Mức 1 là đóng 500 nghìn/ ngày/ 14 ngày. Mức 2 là đóng 400 nghìn/ngày/ 31 ngày".
Đáng nói ở chỗ, các nhân viên của công ty tài chính khi đến nhà gặp trực tiếp xử lý hồ sơ cho người đi vay thì thường là những người ở các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Định…). Người thì xăm trổ đầy mình, người thì cạo trọc đầu, “ăn to nói lớn”… đậm chất xã hội đen. Xin hỏi, mô hình hoạt động này có phải là băng nhóm “tín dụng đen” núp bóng công ty tài chính không?
Ngoài ra, một hình thức cho vay nặng lãi trá hình khác là các app vay trực tuyến qua điện thoại di động. Nhiều app bị phản ánh như: Vdong, Tamo, F668, CashVn… Các ứng dụng trên yêu cầu người vay thủ tục đơn giản, theo đó người vay tiền tạo một tài khoản bằng cách cung cấp các thông tin cá nhân (hình ảnh, số CMND, hình CMND, số tài khoản ngân hàng) và đồng ý các điều khoản trên hợp đồng điện tử do ứng dụng soạn sẵn (trong đó có điều khoản buộc người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ, tin nhắn, hình ảnh… trên điện thoại di động).
Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả đúng hạn. Đến hạn trả nợ mà người vay chưa trả nợ hoặc không trả nợ thì nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay để chửi bới, đe dọa và yêu cầu những người này phải nói người vay trả tiền cho công ty.
Thực tế, câu chuyện tín dụng đen trực tiếp hoặc trực tuyến nó đã phổ biến thời gian qua, trở thành những câu chuyện không còn mới mẻ gì. Mặc dù biết vay tín dụng đen phải trả lãi quá cao hơn quy định, nhưng người vay vẫn chấp nhận. Vì sao như vậy?
Với người vay: Nhu cầu của người đi vay rất đa dạng, trong đó phải kể đến một bộ phận khó khăn thật sự do làm ăn không tốt, cần tiền để giải quyết như cầu bức thiết trước mắt. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận người vay vay chỉ vì thấy dễ vay thì vay để sắm, để xài (nhiều khi chưa cần thiết) trong khi chưa tính được cách trả khoản nợ của mình.
Tưởng không cần thế chấp gì nhưng khi đã cầm tiền vay với thỏa thuận lãi suất cao ngất, người vay đang thế chấp cả hộ nhà mình, thế chấp sức khỏe, tính mạng, sự bình yên của gia đình mình.
Còn người cho vay: Mặc dù bị triệt phá nhiều, nhưng giống như “vòi bạch tuộc”, chặt cái này lại mọc cái khác, cứ cuốn chặt và vắt kiệt kinh tế những gia đình, cá nhân khó khăn, hạn chế về nhận thức. Do cho vay tiền với lãi suất “cắt cổ” đem lại nguồn thu nhập lớn nên các đối tượng không dễ dàng từ bỏ.
Có thể nói, với sự lọc lõi trong hoạt động “tín dụng đen”, các đối tượng cho vay nặng lãi luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết nhu cầu của những người cần tiền. Trong một số trường hợp, khi biết nạn nhân đang nợ tiền người khác, các đối tượng này xuất hiện cùng chủ nợ và gợi ý nạn nhân vay tiền của công ty họ để giải quyết món nợ hiện tại, tránh kiện tụng phiền phức.
Bước đường cùng, người đi vay đã phải chấp thuận phương án này để có tiền trả nợ. Vậy là món nợ của chủ cũ được chuyển sang chủ mới với tỉ lệ lãi suất cao ngất ngưởng.
Bên cạnh đó, với kiểu phát tờ rơi, dán quảng cáo, sử dụng sim điện thoại rác và mạng xã hội để tiếp thị, lôi kéo người vay, tín dụng đen đã “phủ sóng” rộng khắp, từ các đô thị lớn dần tràn về ruộng đồng, rẫy cà phê, hoành hành từ đồng bằng đến các bản làng dân tộc thiểu số.
Có thể nói, những người làm nghề cho vay đã chìa bàn tay ra mời gọi người khốn khó, cần tiền gấp với thủ tục rất đơn giản và linh động, mọi lúc mọi nơi. Một cuộc gọi cho họ tức là bước chân vào “cái bẫy” lãi suất trên trời và vòng xoáy nợ nần sau đó. Thay vì vay ngân hàng, người thân… giờ cầm tiền người lạ quá dễ dàng, nhanh gọn, lãi suất cũng cao hơn trước.
Đến hạn không trả tiền sẽ có người đến đúng địa chỉ trong hộ khẩu đòi nợ, xiết nợ bằng các cách từ chửi bới đến bắt giữ người, khủng bố cả người thân của “con nợ”.
Vấn đề chính ở đây là bên cho vay đã cho người vay với lãi suất “cắt cổ” phạm pháp. Hậu quả là nó gây bất an đến cuộc sống cộng đồng. Bao nhiêu gia đình tan nát do tự tử, ly hôn, bỏ xứ đi trốn nợ đòi, thanh thiếu niên phải bỏ học vì nợ nần. Tức là, những cảnh đời vụn vỡ vì nợ ngày càng nhiều.
Thực tế cho thấy, “tín dụng đen “lộng hành” khắp nơi, thế nhưng đến nay, việc xử lý những hành vi vi phạm của các đối tượng gặp nhiều khó khăn vì chúng có nhiều thủ đoạn lách luật. Khi vụ việc xảy ra, việc phân định trách nhiệm hình sự hay dân sự cũng không phải dễ dàng.
Để hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng cần có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện. Đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng.
Về phía cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an, cần kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, thuyết phục chủ của các đường dây tín dụng đen” hạn chế hoặc ngừng cung cấp dịch vụ này. Hơn nữa, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn tập trung trấn áp các tổ chức, băng nhóm “tín dụng đen”, sử dụng các chế tài pháp lý bảo vệ người vay tiền. Khi người vay không còn “chơi vơi” chống chọi, các băng nhóm tín dụng đen sẽ thu hẹp hoạt động.
Dẫu biết, mỗi công dân phải biết tự bảo vệ mình trước. Nhưng để cho tội phạm hoành hành, bức hiếp, cưỡng đoạt, hành hung dân lành là trách nhiệm của chính quyền.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 25/03/2021
05:00, 23/01/2021
11:00, 29/10/2020
04:00, 16/07/2020
06:00, 23/06/2020
14:30, 22/06/2020
04:30, 20/06/2020
05:00, 23/12/2019
14:13, 04/12/2019