Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà ở thấp cùng với sự phục hồi của nguồn cung hỗ trợ cho tín dụng tiêu dùng nhà ở cải thiện.
Đến cuối tháng 6/2025 tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn khu vực Đông Nam Bộ (TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai mới) đạt khoảng 1.445 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,1% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tăng 6% so với cuối năm 2024 và tăng 13,4% so với cùng kỳ, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 vừa thông tin số liệu mới.
Đánh giá về hoạt động tín dụng tiêu dùng, đặt trong mối liên hệ với nhiệm vụ thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế và môi trường kinh tế xã hội, khi đổi mới mô hình hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khu vực và đổi mới sắp xếp tỉnh thành phố gắn với nhiều kết quả quan trọng đáng chú ý, ông Lệnh cho biết nếu phân tích theo địa bàn, dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng tại TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng cao nhất và vẫn là địa bàn, thị trường lớn của hoạt động cho vay tiêu dùng. Tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 1.343 nghìn tỷ đồng, chiếm 93%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng tại Đồng Nai đạt 102 nghìn tỷ đồng, chiếm 7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng khu vực Đông Nam Bộ.
Phân tích theo mục đích sử dụng vốn, tín dụng cho vay mua nhà ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở… (với mục đích để ở, để sử dụng) tiếp tục là bộ phận tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Theo đó, dư nợ tín dụng cho vay lĩnh vực này đạt 877,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc NHNN Khu vực, tín dụng tiêu dùng trên địa bàn khu vực Đông Nam Bộ trong 6 tháng đầu năm, tăng 6% phù hợp với tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn (tín dụng chung trên địa bàn tăng 6,3%) và tiếp tục phát huy vai trò tín dụng trong thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng, phát huy vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của 3 yếu tố: tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư. Trong đó, cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt 233,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8%. Đây là một trong các bộ phận tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ trọng cao, chiếm 16% trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng (chỉ sau cho vay mua nhà để ở) và có tác động trực tiếp đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh sản phẩm đồ dùng, trang thiết bị gia đình và sinh hoạt. Vì vậy, việc tăng trưởng tích cực của hoạt động tín dụng này, có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ông cũng cho biết cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Trung ương (NHTW), cùng với việc phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng tiêu dùng gắn với các hình thức thanh toán linh hoạt; lãi suất và kỳ hạn vay phù hợp, đã thúc đẩy tín dụng tiêu dùng nhà ở nói riêng và tín dụng tiêu dùng nói chung. "Đặc biệt, sự phát triển và ứng dụng công nghệ trong cho vay tiêu dùng của các TCTD, các công ty tài chính và định hướng phát triển tài chính toàn diện, cũng là giải pháp góp phần mở rộng và tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong thời gian tới an toàn, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tăng trưởng kinh tế", ông Lệnh nhấn mạnh.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, cấu phần gồm cho vay kinh doanh bất động sản và tín dụng tiêu dùng nhà ở, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam nói với DĐDN, theo ông Minh, yếu tố cải thiện thu nhập khả dụng của người dân là rất quan trọng. Nửa đầu năm, mặc dù tín dụng chung tăng trưởng rất mạnh nhưng các ngân hàng thương mại đều cho rằng có động lực lớn từ khách hàng doanh nghiệp. Cá nhân, đặc biệt cá nhân vay mua nhà ở phần nào có tâm lý thận trọng nhất là khi có thông tin có rủi ro thuế quan.
Theo vị chuyên gia, khi chính sách thuế quan giảm bớt biến động, ổn định trong một mức nhất định, cần thời gian để doanh nghiệp thích ứng. Doanh nghiệp khỏe mạnh và nền kinh tế hấp thu tốt các chính sách hỗ trợ, cơ hội cải thiện thu nhập, đảm bảo khả năng trả nợ của người dân nếu vay mua nhà; đặc biêt với lãi suất ngân hàng vẫn ở mức thấp thì ưu thế sẽ thuộc về người vay mua nhà ở.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) lưu ý mặc dù dự báo nửa cuối năm 2025 và cả năm, NHNN sẽ tiếp tục kiềm chế ổn định lạm phát trong mục tiêu, song các áp lực từ tỷ giá và tăng trưởng tín dụng đến lạm phát cần được theo dõi sát sao để có chính sách kiểm soát lạm phát phù hợp. Nhiều khả năng nguồn cung tiền sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa và gây sức ép lên giá cả thời gian tới.
Theo đó, các chuyên gia cũng cho rằng NHNN có thể giữ lãi suất tiếp tục ở mức thấp để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, và các NHTM cũng vẫn sẽ giữ các trọng tâm kích cầu cho vay mua nhà nhu cầu thực, nhưng áp lực lạm phát và lãi suất xa hơn sẽ khiến người mua nhà xem xét kĩ các nhu cầu tín dụng tiêu dùng nhà ở trước khi "xuống tiền".