Tín dụng tiêu dùng sẽ nở rộ?

Diệp Chi 11/02/2018 05:45

Theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), cơ cấu tín dụng giữ xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn, và tập trung vào tín dụng tiêu dùng.

Theo NFSC, kết thúc năm 2017, hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng đã nhận được nhiều kết quả tích cực. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 19,1%, đây là năm thứ 3 liên tiếp tín dụng tăng khoảng 19%. Cơ cấu tài sản và dư nợ ổn định, các tổ chức tín dụng tích cực xử lý nợ xấu bằng nhiều biện pháp. Vốn huy động tăng chậm hơn năm 2016, tăng 14,6% (năm 2016 tăng 19,3%).

Trong tháng 1/2018, tăng trưởng tín dụng sẽ chững lại do yếu tố mùa vụ. Tín dụng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh bắt đầu từ cuối quý 1/2018. Vốn huy động cũng tăng chậm hơn trong tháng đầu năm 2018 và bắt đầu tăng nhanh từ tháng 2/2018.

Năm 2018, NFSC dự báo hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và kết quả như năm 2017. Tăng trưởng tín dụng duy trì trong khoảng 17% -18%, và sẽ được điều chỉnh linh hoạt nhằm cân bằng và ổn định các mục tiêu vĩ mô.

"Cơ cấu tín dụng giữ xu hướng tăng tỷ trọng tín dụng ngắn hạn, và tập trung vào tín dụng tiêu dùng. Ngay trong quý 1/2018, dự kiến tín dụng ngắn hạn sẽ tăng nhanh do tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2017, và phục vụ nhu cầu dịp Tết nguyên đán" - NFSC nhận định. 

Cơ cấu tín dụng theo loại tiền ổn định, tín dụng VND vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu. Dự kiến cả năm 2018, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng VND tăng khoảng 17,71% và tín dụng ngoại tệ tăng 7,39%.

Khảo sát trên cho thấy, giai đoạn giáp Tết, thị trường tài chính tiêu dùng càng trở nên sôi động với những chương trình khuyến mãi lớn của cả ngân hàng và công ty tài chính. Các ngân hàng cũng đang cạnh tranh thu hút khách hàng vay tiêu dùng như thủ tục vay dễ dàng hơn nhiều so với trước, hình thức cho vay đa dạng (tín chấp và thế chấp). Trong đó, với loại hình tín dụng cầm cố (tài sản, sổ tiết kiệm…), có nhà băng cho vay trên 100% tài sản đảm bảo, với lãi suất được tính bằng lãi suất trên sổ tiết kiệm cộng biên độ 2 - 2,5%/năm.

BIDV vừa triển khai gói tín dụng Tết Mậu Tuất với quy mô 10.000 tỷ đồng, kéo dài đến ngày 31/3/2018, lãi suất từ 6,5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn đến 5 tháng và 7,2%/năm đối với các khoản vay từ trên 5 tháng đến 11 tháng. DongA Bank có gói cho vay dịp Tết 2018, lãi suất từ 5,2%/năm; TPBank đang đẩy mạnh gói cho vay mua nhà, mua xe, với lãi suất 7,2%/năm cố định trong 6 tháng đầu, thời gian xét duyệt hồ sơ từ 8 - 24 giờ…

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), “thị trường tài chính tiêu dùng phát triển chính là cơ hội tăng trưởng cho các tổ chức tài chính”. Xét riêng hệ thống ngân hàng, thời gian qua, tỷ lệ lãi cận biên nhìn chung giảm và duy trì ở mức dưới 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thailand (3,07%), Indonesia (5,82%) và Philippines (3,58%). Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều ngân hàng và công ty tài chính đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, bán lẻ,…nhằm bù đắp nguồn lợi nhuận. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng và dự báo tăng trưởng cao.

Trong một lần phát biểu tại hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam 2017, ông Nguyễn Xuân Thành  - Giám đốc phát triển, Trường đại học Fulbright Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, xu thế tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là đúng quy luật. Vấn đề ở đây là làm thế nào để các ngân hàng có đủ năng lực kiểm soát rủi ro ở lĩnh vực này theo đúng sự chuyển dịch của nền kinh tế.

Gần đây nhất, NHNN vừa yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt nguồn vốn vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng. Trong đó, với lĩnh vực vay tiêu dùng, các ngân hàng phải kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh. Ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tín dụng tiêu dùng sẽ nở rộ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO