Chuyên đề

Tín dụng và giảm thuế, phí tiếp sức cho động lực tư nhân hướng đến tăng trưởng

Lê Mỹ 25/10/2024 04:48

Nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao của Chính phủ, theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Quỹ Dragon Capital.

Nhận định về bối cảnh vĩ mô, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Quỹ Dragon Capital cho biết, trong thời gian tới kinh tế toàn cầu sẽ tốt hơn, lãi suất các khu vực sẽ thấp hơn, điều này giúp các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam sẽ có những bước tăng trưởng kinh tế tốt.

Nhiều yếu tố hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng

Theo ông Tuấn, kinh tế Việt Nam đang có sự phục hồi tốt về mặt sản xuất, nhưng lĩnh vực tiêu dùng vẫn chưa rõ nét. Điều này ít nhiều sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Tang truong kinh te 1
Trong lịch sử, chưa bao giờ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ cho giai đoạn dài như vậy, theo chuyên gia Dragon Capital. Ảnh minh họa: ITN

"Tuy nhiên, chúng tôi đang nhìn thấy những quyết tâm cao độ của Chính phủ trong việc phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Chính phủ đã đặt các mục tiêu rất mạnh mẽ như tăng trưởng GDP từ 7,5-8% trong giai đoạn 2026-2030. Trong lịch sử, chưa bao giờ có mục tiêu cao như vậy.

Các chính sách và chuyển động hiện nay của Chính phủ đang phục vụ cho vấn đề này. Do đó, việc đặt mục tiêu cao sẽ tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế tốt hơn trong tương lai" - ông Lê Anh Tuấn chia sẻ tại hội thảo với chủ đề Scale Up Forum 2024 do Endeavor vừa tổ chức.

Đáng chú ý, chuyên gia nhận định, việc đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện các dự án trọng điểm, thay vì tính bằng hàng chục năm thì sẽ làm xong trong 5-10 năm, thực hiện và có tính lan tỏa luôn với tăng trưởng, ví dụ như sự thay đổi trong đề án đường sắt cao tốc, cho thấy tư duy mới và rất đáng kỳ vọng.

Trong năm 2024, nhiều yếu tố đang hỗ trợ cho việc hiện thực hóa quyết tâm đạt tăng trưởng cao. Nếu như trong tháng 6/2024, tín dụng có sự tăng trưởng đột biến gây bất ngờ nhưng chưa cho thấy khả năng hấp thụ vốn thực sự, thì đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng đã có sự hồi phục rất rõ ràng.

Bên cạnh đó, đầu tư công đang chậm, dự kiến sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong quý cuối năm. Lạm phát ổn định, vốn đầu tư FDI mạnh mẽ.

“Khác với trước đây, cách hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng để đạt con số cao hiện không bị mâu thuẫn nhau. Điều đáng lưu ý là vẫn thiếu phần động lực tăng trưởng, đó chính là khối đầu tư tư nhân”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cộng hưởng các ưu tiên tài khóa - tiền tệ

Theo Tổng cục Thống kê, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm 55-60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khu vực này phục hồi và phát triển sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế phục hồi. Trong quý đầu năm 2024, đầu tư tư nhân tăng trưởng chậm theo đà từ 2023, cùng với xu hướng kinh tế tư nhân suy yếu. Tuy nhiên trong quý III/2024, đầu tư tư nhân đã ghi nhận hồi phục tăng trưởng, lần đầu tiên đạt tốc độ tăng trưởng 8% sau 2 năm suy yếu.

Dau tu tu nhan
Đầu tư tư nhân đang phục hồi trở lại. Nguồn: FIDT

Trên thực tế, hàng loạt chủ trương, chính sách điều hành của Chính phủ thời gian qua liên tục hướng đến việc hỗ trợ kích thích sản xuất kinh doanh phục hồi, trong đó khối sản xuất kinh doanh tư nhân là động lực, hướng đến hỗ trợ tăng trưởng. Ngày 24/10 mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 188/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các cơ quan Bộ ngành trung ương, địa phương, trong đó, đặc biệt có nhiệm vụ triển khai tiếp tục miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN sẽ chủ trì phối hợp điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tỷ giá, lãi suất, phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra; thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện giải pháp đồng bộ tiết giảm chi phí hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình tín dụng nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 60 nghìn tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu.

Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu để thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát các quy định của pháp luật về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế khi áp dụng bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế.

Bộ Tài chính mới đây cho biết, để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, nhất là sau những ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về việc giảm tiền thuê đất năm 2024 với mức giảm đề xuất theo phương án 2 là 30%. Các chuyên gia cho rằng Nghị định càng sớm được ban hành, sẽ càng có ý nghĩa tiếp sức cho khối tư nhân trong thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng, đặc biệt khi vào giai đoạn cuối năm nay, quý IV có thể sẽ là điểm rơi mà các tác động / hậu quả của bão Yagi để lại sẽ bộc lộ đầy đủ.

Dù vậy, báo cáo mới nhất của các định chế quốc tế, vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt sau tăng trưởng GDP quý III bật mạnh. Ngân hàng Standard Chartered đã nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,8% (từ mức 6,0%).

Chuyên gia Standard Chartered cho rằng các động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam tương đối mạnh mẽ, với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Xa hơn, sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và kế tiếp.

Endeavor Vietnam là một phần của mạng lưới toàn cầu Endeavor, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nhân có khả năng quy mô hóa doanh nghiệp của mình nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững trên hơn 40 quốc gia. Đến tháng 6/2024, Endeavor đã tuyển chọn vào mạng lưới và đang hỗ trợ 35 công ty khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tín dụng và giảm thuế, phí tiếp sức cho động lực tư nhân hướng đến tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO