Tinh giản biên chế để tăng lương cán bộ: Ai sẽ ra khỏi bộ máy?

Diendandoanhnghiep.vn Muốn tăng lương cho công chức thì phải tinh giản biên chế để bộ máy bớt cồng kềnh và hoạt động hiệu quả hơn. Nói đơn giản nhưng thực hiện đâu dễ.

Điệp khúc tinh giản biên chế để tăng lương cho cán bộ, công chức đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng càng giải càng khó.

Hội nghị Trung ương lần thứ 7, Khóa XII đã thảo luận về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”. Đề án đã có những điểm mới, đột phá, nhưng muốn thành công phải thực hiện hiệu quả ngay việc cải cách thu chi ngân sách, tinh gọn bộ máy nhà nước để tạo nguồn phát triển bền vững cho Đề án.

Chính sách tiền lương ở Việt Nam xuất hiện từ năm 1953, tính đến nay đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003). Song hành với cải cách chính sách tiền lương trong những năm qua là 16 lần tăng của lương cơ sở. Từ tháng 12/1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 16 lần, từ 120 nghìn đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng vào năm 2018, tăng gần 11,6 lần, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần.

Riêng giai đoạn từ 2003 đến nay là thời gian có nhiều lần điều chỉnh tăng mức lương cơ bản nhất, với 11 lần từ mức lương chung từ 210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng (tăng 519%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cùng kỳ là 208,58%).

Qua hơn 60 năm, với 4 lần cải cách nhưng hoàn toàn thất bại. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng có 2 nguyên nhân chính: Một là, cải cách tiền lương đã không đi kèm với việc tinh gọn bộ máy và hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước. Hai là, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hiện nay có quá nhiều việc phải chi, không có nhiều nguồn tiền để chi cho cải cách. Đặc biệt tình trạng thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua đã làm thất thoát một lượng lớn ngân sách và tạo áp lực lên gánh nặng nợ công của Việt Nam.

Nguyên nhân thứ 2 có thể có hướng giải quyết, khắc phục được nếu có lộ trình rõ ràng. Tuy nhiên, nguyên nhân thứ 1 thì quản là nan giải.

Phải nói rằng, ý chí “tinh giản” bằng cách loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã có từ lâu, trở thành một thông điệp mạnh mẽ của nhiều diễn đàn, Nghị quyết nhưng lại là loại việc gặp không ít khó khăn, cản trở.

Trong nhiều năm qua, tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là tinh giản biên chế. Tinh giản biên chế để giảm sự cồng kềnh và hoạt động kém hiệu quả của Bộ máy nhà nước. Thế nhưng, trong khi cả dư luận luôn hướng sự quan tâm và cơ quan chức năng liên tục nói về vấn đề này, thì trên thực tế tình trạng này lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại.

Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17/4/2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người. Sau 2 năm thực hiện tinh giảm biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp lẽ ra phải tinh giảm là 140.000 người. Nhưng không những không tinh giảm mà số lượng biên chế còn tăng lên 96.000 người. Đây được xem là một mâu thuẫn lớn.

Hiện nay, cả nước có 42 tổng cục (tăng gấp 2 lần so với năm 2011); có 826 cục và vụ thuộc các tổng cục (tăng 4,7%); có 7.280 phòng thuộc tổng cục (tăng 4,7%); 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ (tăng 13,6%) và 3.970 phòng trực thuộc bộ (tăng 13%).

Những số liệu này chưa bao gồm số biên chế của quân đội và công an. Tính riêng cơ quan giúp việc của Trung ương cũng đã tăng 23 đầu mối, tăng 21,9%, 40 đầu mối làm việc cấp vụ, tăng 21% và đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4%. Còn về ở bộ máy cấp địa phương số lượng biên chế vượt quá mức lên tới 7.951 biên chế.

Rồi, tính đến ngày 1/3/2017, thì số người hưởng lương và phụ cấp ngân sách Nhà nước có khoảng 4 triệu người (chưa bao gồm quân đội và công an). Số công chức ở Trung ương là 279.143 người; cấp tỉnh, huyện là 2.080.000 người và cấp xã,thôn, tổ dân phố là 1.266.000 người.

Rõ ràng, chưa có cách nào đụng được đến cái khối công chức khổng lồ, lớn gấp 4 lần bộ máy hành chính của Mỹ, nếu xét về số lượng công chức cho mỗi 100 triệu dân (315 triệu dân của Mỹ có 2,1 triệu công chức).

Chính vì thế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Chính sách tiền lương là một bộ phận rất quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội… Nên, cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá”.

Muốn có được sự đột phá và cán bộ công chức được tăng lương, mà ngân sách không phải như “đu trên dây”, thì việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy là tối cần thiết.

Có điều, tinh giản biên chế chắc chắn là việc làm không hề dễ do những người phải thực thi nhiệm vụ tinh giản ngại va chạm, nể nang, thậm chí là có cả chuyện “lót tay” để được ở lại? Chúng ta có thể tinh giản cán bộ yếu kém không khi mà báo cáo của các đơn vị phần lớn đều thể hiện số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm số ít, số còn lại là hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ?

Chúng ta cứ hô hào tăng lương cho cán bộ, công chức, nhưng nếu không tinh giản được biên chế thì đừng nghĩ đến việc tăng lương, nâng cao phúc lợi cho người dân và cái vòng luẩn quẩn này sẽ còn đeo bám chúng ta dài dài.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Tinh giản biên chế để tăng lương cán bộ: Ai sẽ ra khỏi bộ máy? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714110908 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714110908 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10