Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là một sự chuyển biến sâu sắc về tư duy và nhận thức, phù hợp với bối cảnh mới và yêu cầu của thời đại.
Cuộc cách mạng nhằm đạt được mục tiêu “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong chỉ đạo của mình. Đây kim chỉ nam cho việc tái cấu trúc hệ thống chính trị, nhằm tạo ra một bộ máy không chỉ tinh gọn về tổ chức mà còn mạnh mẽ, hiệu quả trong hoạt động.
Đúng vậy! Cuộc cách mạng tinh giản bộ máy hành chính nhà nước đang thay đổi sâu sắc tư duy xã hội về định hướng nghề nghiệp, đưa khái niệm cán bộ nhà nước trở về với bản chất là người "đầy tớ" phục vụ nhân dân đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tinh thần quyết tâm trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đây là bước đi cần thiết để loại bỏ yếu kém, tái cấu trúc bộ máy trở nên gọn nhẹ và hiệu quả, nơi chỉ còn những cán bộ có năng lực thực sự, phục vụ đất nước và nhân dân một cách xứng đáng.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội ngày 3/12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, mỗi cán bộ cần tự vấn liệu công việc mình làm có tương xứng với đồng lương từ ngân sách nhà nước – vốn là mồ hôi nước mắt của nhân dân – hay không. Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc về ý thức trách nhiệm của cán bộ đối với nguồn lực công, vốn được hình thành từ mồ hôi, công sức lao động của nhân dân.
Từ lời nhắc nhở này, người viết nhớ tới lời dạy của Bác Hồ năm 1967 tại khu mỏ Hồng Quảng, rằng “cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền là đầy tớ của nhân dân, không phải làm quan cách mạng”. Tư tưởng “đầy tớ của nhân dân” phản ánh vai trò của cán bộ không phải để hưởng thụ hay sử dụng quyền lực cho lợi ích cá nhân, mà để phục vụ nhân dân một cách tận tụy và công tâm nhất.
Thực tế cho thấy đã có thời kỳ một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái đạo đức, tư tưởng, biến những vị trí công tác thành "ghế quan" đầy lợi lộc cho bản thân và phe nhóm. Điều này dẫn đến những tiêu cực như chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, và biến cơ quan nhà nước thành nơi trú ẩn an toàn cho những người yếu kém hoặc lười biếng.
Vì thế, sự thay đổi mạnh mẽ lần này được kỳ vọng sẽ khép lại những tư tưởng sai lệch đó. Thông điệp rõ ràng từ cuộc cách mạng tinh giản bộ máy là: chỉ những ai có năng lực, phẩm chất và lý tưởng phù hợp mới có cơ hội làm việc trong cơ quan nhà nước. Cán bộ nhà nước không còn là biểu tượng quyền lực hay bổng lộc, mà là trách nhiệm và cống hiến.
Cuộc cách mạng này không chỉ tác động đến bộ máy hành chính mà còn thay đổi nhận thức xã hội. Người dân sẽ nhìn nhận lại vai trò của cán bộ nhà nước, coi đó là công việc phục vụ cộng đồng chứ không phải con đường hưởng thụ hay thăng tiến cá nhân.
Tuy nhiên, bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng đi kèm sự hy sinh. Ngoài những cán bộ yếu kém bị loại bỏ, có thể sẽ có những người tài đức nhưng vẫn bị ảnh hưởng do bộ máy tinh gọn. Nhưng với tài năng và tinh thần cống hiến, họ hoàn toàn có thể chuyển sang những lĩnh vực khác và tiếp tục đóng góp cho xã hội.
Có thể khẳng định, tinh giản bộ máy không chỉ là một chủ trương lớn mà còn là nhiệm vụ cấp bách, mang tính sống còn để cải cách hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Như lời Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Phải nhẹ đi mới bay được cao”, chiến dịch này không chỉ nhằm giảm thiểu gánh nặng cho ngân sách mà còn là động lực tái cấu trúc hệ thống, làm trong sạch đội ngũ, tạo nền tảng phát triển cho tương lai.
Sự quyết tâm và tốc độ trong việc thực hiện tinh giản bộ máy là minh chứng rõ ràng cho khát vọng đổi mới của đất nước. Nó không chỉ giúp loại bỏ những yếu kém, trì trệ đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm, mà còn thúc đẩy tư duy hiện đại về quản trị quốc gia. Đội ngũ cán bộ sau tinh giản không chỉ cần đáp ứng về năng lực mà còn phải thể hiện đạo đức và trách nhiệm trước nhân dân - những người trực tiếp đóng góp để vận hành bộ máy nhà nước.
Quan trọng hơn, cuộc cách mạng tinh giản bộ máy này không dừng lại ở hiệu quả trước mắt mà còn định hình lại tư duy xã hội về nghề công chức. Làm việc trong bộ máy nhà nước không còn là "vùng trú ẩn" hay nơi để hưởng quyền lợi, mà là môi trường đòi hỏi sự cống hiến, năng lực và tinh thần phục vụ thực sự. Tư duy này sẽ góp phần tạo nên một thế hệ cán bộ mới, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm, sẵn sàng đồng hành cùng đất nước trong công cuộc hội nhập và phát triển.
Tiến sĩ Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, việc tiến hành đòi hỏi chúng ta phải thay đổi về tư duy và nhận thức cho phù hợp với yêu cầu của thời đại như “Chính phủ nhỏ - xã hội lớn”, “Chính phủ lái thuyền mà không chèo thuyền”, tức là sẽ không đi làm những việc cụ thể mà điều hành, điều tiết mọi hoạt động của đời sống xã hội theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, chúng ta phải chuyển Chính phủ từ Chính phủ quản lý sang Chính phủ quản trị và phục vụ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để phát huy vai trò tự quản của chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Bên cạnh đó phải xác định rõ sự quản lý thống nhất của Chính phủ, có phải Chính phủ quản lý hết mọi việc không hay là tập trung vào chức năng thực hiện quyền hành pháp và các nhiệm vụ quan trọng tác động đến phạm vi của cả quốc gia, hoạch định chính sách, điều tiết vĩ mô, khắc phục các khiếm khuyết của thị trường…
Và để thành công, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có tinh thần mạnh mẽ hơn, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất về tư tưởng, hành động quyết liệt, tiến hành nhanh, gọn nhưng phải hiệu quả và không để kéo dài.
Qua tinh gọn tổ chức bộ máy, chúng ta phải thật sự dũng cảm rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, công chức một cách khách quan, công tâm, để làm sao giữ được những người có đủ phẩm chất, đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Đồng thời bố trí lại những người đang giữ các vị trí nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc đưa ra khỏi công vụ những người không đáp ứng về năng lực hoặc là về tư cách, phẩm chất.
Người viết tin rằng, sự thay đổi mang tính cách mạng này không chỉ đặt nền móng cho một bộ máy “tinh, gọn, mạnh” mà còn mở ra cơ hội để Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu. Một đất nước mạnh mẽ, bền vững sẽ không thể có chỗ cho sự trì trệ. Chỉ khi bộ máy thực sự nhẹ gánh, chúng ta mới có thể vươn mình, bay cao và tiến xa trên con đường hội nhập toàn cầu.