Chính trị

Tinh gọn bộ máy: Giữ lại tinh hoa, mở lối phát triển

Trà My 14/12/2024 04:30

Tinh gọn bộ máy không phải là loại bỏ tất cả, mà là chọn lọc giữ lại những con người, bộ phận thực sự hiệu quả.

Đến giữa năm 2025, công cuộc tái cấu trúc để tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Báo chí sẽ phải hoàn tất.

Khi tinh giản bộ máy được triển khai, số lượng công chức, viên chức chắc chắn sẽ giảm đáng kể. Những người được giữ lại sẽ phải đảm nhận khối lượng công việc có thể gấp đôi, thậm chí gấp ba so với trước đây. Và tình trạng làm việc cầm chừng, hoặc kiểu "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" đợi ngày lĩnh lương, lên lương sẽ không còn tồn tại.

cchc.jpg
Tinh gọn bộ máy là sự cần thiết và cấp bách. Ảnh minh hoạ

Người đứng đầu Đảng ta khẳng định, “không tinh gọn sẽ không thể phát triển được”. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã có bài viết: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” nhằm chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về sự cần thiết và cấp bách của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.

Nói tinh gọn bộ máy là sự cần thiết và cấp bách không sai, bởi với hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã hiện tại, việc vận hành đã trở thành gánh nặng lớn cho ngân sách nhà nước. Ngoài chi phí trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, ngân sách còn phải gánh thêm khoản phụ cấp cho nhiều người hoạt động không chuyên trách.

Điều này lý giải vì sao 70% ngân sách nhà nước đang được sử dụng cho chi thường xuyên, trong đó phần lớn là chi lương và các hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hệ quả là, chỉ còn lại 30% ngân sách dành cho đầu tư phát triển, quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 1,75 triệu tỷ đồng, trong khi chi ngân sách đạt 1,73 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, chi thường xuyên lên tới 1,05 triệu tỷ đồng, chiếm 61% tổng chi ngân sách.

Điều này đồng nghĩa, chỉ còn khoảng một phần ba ngân sách dành cho phát triển kinh tế - xã hội, buộc Nhà nước phải vay thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm để đầu tư. Việc vay nợ liên tục không chỉ là gánh nặng tài chính mà còn là "quả bom nợ công" đe dọa 100 triệu dân.

Ở các địa phương, tình hình cũng không khả quan hơn. Đơn cử TP.HCM, năm 2022, ngân sách dành cho các hội đoàn tiêu tốn một khoản đáng kể: Hội Liên hiệp Phụ nữ (22 tỷ đồng), Hội Nhà văn (3,1 tỷ đồng), Hội Âm nhạc (6,6 tỷ đồng)... Chưa kể đến việc mỗi tỉnh thành trên cả nước cũng chi ngân sách cho hàng chục hội đoàn tương tự, chưa kể các hội cấp trung ương với mức cấp ngân sách lớn hơn.

Những con số kể trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cồng kềnh của bộ máy hành chính, không chỉ gây lãng phí nguồn lực mà còn cản trợ sự phát triển bền vững của quốc gia.

Một bộ máy hành chính quá lớn đòi hỏi chi phí duy trì khổng lồ, từ lương thưởng, phụ cấp đến cơ sở vật chất và các khoản chi khác. Những nguồn lực này, thay vì được đầu tư vào các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng như giáo dục, y tế, hạ tầng hay công nghệ, lại bị "chôn chân" trong các khoản chi thường xuyên, không tạo ra sự phát triển.

Hơn nữa, sự cồng kềnh đồng nghĩa với hiệu suất làm việc thấp, gia tăng quan liêu, chồng chéo chức năng và thiếu minh bạch trong quản lý. Đây là một môi trường lý tưởng để nảy sinh tham nhũng và lãng phí, khiến niềm tin của người dân vào chính phủ bị xói mòn.

Và, trong bối cảnh các quốc gia ngày càng cạnh tranh khốc liệt để thu hút nguồn lực và đầu tư quốc tế, một bộ máy hành chính tinh gọn và hiệu quả sẽ là nền tảng để nâng cao năng lực quản trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sự bền vững lâu dài.

Do đó, có thể khẳng định, tinh giản bộ máy hành chính không chỉ là nhu cầu cấp bách mà còn là yếu tố quyết định sự tồn vong và thịnh vượng của quốc gia.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Đây là cuộc cách mạng về tư duy và tổ chức bộ máy, nhằm định hướng xây dựng thể chế kinh tế hiệu quả hơn. Nếu không cải cách triệt để, chi phí khổng lồ cho bộ máy Nhà nước cuối cùng sẽ đè nặng lên vai người lao động. Ngân sách thiếu hụt chỉ có thể bù đắp bằng cách tăng thuế hoặc vay nợ thêm, điều này càng làm trầm trọng hóa gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu bật tính cấp thiết và ý nghĩa chiến lược của việc cải cách bộ máy Nhà nước. Đây không chỉ là vấn đề quản lý hành chính mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế, xã hội và đời sống người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ bản chất của cuộc cải cách lần này là một cuộc cách mạng tư duy và tổ chức, đòi hỏi không chỉ sự thay đổi về cơ cấu mà còn cả trong cách tiếp cận, vận hành. Điều này phản ánh rằng cải cách không chỉ nằm ở việc giảm số lượng biên chế hay sắp xếp lại các cơ quan, mà là sự thay đổi tận gốc rễ về phương pháp quản lý, nhằm tạo nên một thể chế kinh tế hiệu quả, minh bạch và bền vững hơn.

Cảnh báo về hệ quả nếu không cải cách triệt để, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến vấn đề chi phí khổng lồ cho bộ máy nhà nước. Khi bộ máy hành chính quá cồng kềnh, không chỉ lãng phí ngân sách mà còn tạo áp lực trực tiếp lên nguồn lực của quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng ngân sách thiếu hụt, buộc nhà nước phải tăng thuế hoặc vay nợ. Đây là những giải pháp ngắn hạn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro lâu dài.

Thông điệp từ phát biểu này không chỉ là lời kêu gọi cải cách, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm với tương lai đất nước. Nếu không hành động ngay, chính doanh nghiệp và người dân - những người đang lao động, đóng góp cho ngân sách - sẽ phải gánh chịu toàn bộ hệ quả từ sự trì trệ, lãng phí và bất cập trong quản lý Nhà nước.

Cần hiểu rõ, tinh gọn không phải là loại bỏ tất cả, mà là chọn lọc giữ lại những con người, bộ phận thực sự hiệu quả. Đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn đòi hỏi sự thích ứng từ mọi tầng lớp xã hội, bao gồm cả các đoàn thể chính trị, xã hội và truyền thông.

Như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã nói: "Cán bộ nghĩ đến lợi ích chung sẽ vượt qua nỗi lo tinh gọn bộ máy". Chính lợi ích chung này sẽ là động lực để chúng ta vượt qua nỗi đau và sự mất mát cá nhân, hướng đến một tương lai bền vững hơn.

Hãy tin tưởng rằng, đất nước đang tiến vào một mùa Xuân cải cách đầy hy vọng. Dù không quá ồn ào hay chấn động, nhưng đó sẽ là một bước ngoặt quan trọng, mang lại luồng sinh khí mới, giúp quốc gia vươn mình mạnh mẽ và đạt tới những tầm cao phát triển rực rỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tinh gọn bộ máy: Giữ lại tinh hoa, mở lối phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO