Năm 2020 thị trường vận tải hàng không hành khách của Việt Nam giảm 56% so với năm 2019. Tuy nhiên, năm 2021 tình hình xấu hơn khi giảm 80% so với năm 2019, giảm 60% so với năm 2020.
>>Doanh nghiệp hàng không mong mỏi mở đường bay quốc tế
Về giá trung bình vận tải hàng không nội địa, năm 2021 giảm 35% so với năm 2019, giảm 15% so với năm 2020. Riêng VNA chỉ khai thác được 25% năng lực hoạt động trong đội máy bay 106 chiếc. Điều này cho thấy năng lực thị trường vẫn còn rất yếu.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ngành hàng không Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ trong năm 2020 và 2021 bằng những chính sách như giảm thuế môi trường/xăng dầu, các loại thuế, phí liên quan đến cất, hạ cánh, điều hành bay giảm 50% trong năm 2020 và 2021.
Cùng với chính sách hỗ trợ của Quốc hội và Chính phủ, các hãng hàng không cũng đang tập trung cho các chương trình tái cấu trúc lại hoạt động của mình. Với VNA, các giải pháp chủ yếu tập trung vào tổ chức lại hoạt động sản xuất.
Đơn cử, VNA đã có 14 máy bay đã phải tháo toàn bộ ghế để từ vận chuyển hành khách sang khai thác hàng hóa. Thậm chí, những máy bay hiện đại nhất như Boeing 787 và A350 cũng phải bỏ ghế để khai thác hàng hóa. Đây là những giải pháp tình thế nhằm tìm cơ hội tăng doanh thu.
Cơ hội lớn nhất giúp VNA vượt qua khó khăn là mở đường bay thẳng Việt Nam-Hoa Kỳ. Đường bay này đã được lên phương án khai thác từ nhiều năm, nhưng bị vướng một số rào cản thủ tục với phía Mỹ. Điều này giúp VNA sử dụng thêm máy bay để cất cánh.
Bên cạnh đó, VNA đã tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh lại lực lượng lao động bằng việc căn cứ vào sản lượng để giúp VNA đảm bảo được công ăn việc làm cho người lao động, tổ chức lại hoạt động sản xuất, điều chỉnh, cắt giảm nhiều bộ phận trong tổ chức của mình để đẩy nhanh tốc độ ra quyết định.
Đồng thời, VNA cũng cơ cấu lại tất cả các khoản vay và khoản nợ đối với các bên chủ nợ. Đặc biệt với các nhà cung ứng đang cho thuê máy bay. Trong năm 2021, VNA cũng đã tiết giảm được 11.000 tỷ đồng, trong đó có gần 5.000 tỷ đồng là từ những chính sách hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ về giãn, hoãn các loại thuế cũng như chính sách khấu hao.
Về giải pháp tự thân, VNA đã giảm được 6.000 tỷ đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ giảm bớt khó khăn một phần, vì đối với ngành hàng không cũng như các hãng hàng không Việt Nam hiện nay vẫn trong tình trạng suy kiệt dòng tiền và yếu năng lực tài chính.
Từ những khó khăn trên, VNA có 3 kiến nghị nhằm giúp cho ngành hàng không có thể phục hồi và phát triển bền vững. Bởi trong tình huống đặc biệt thì cũng cần có những giải pháp đặc biệt.
Thứ nhất, đối với thị trường vận tải hàng không, cần có sự điều tiết của thị trường vận tải hàng không quốc tế cũng như thị trường vận tải hàng không quốc nội. Cụ thể, điều tiết tải cung ứng, số lượng máy bay, quản lý giá để sự điều tiết tải và cung ứng phù hợp với tốc độ và những giai đoạn phục hồi của thị trường. Việc này cũng nhằm đảm bảo và bảo vệ cho các hãng hàng không có thể đạt được những hiệu quả của mình trong giai đoạn khó khăn này, cũng như tránh những hệ lụy “tự mình làm suy yếu mình” ngay tại thị trường vận tải hàng không nội địa trước khi bước ra cạnh tranh với thế giới khi thị trường vận tải hàng không quốc tế được mở cửa.
Thứ hai, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho các hãng hàng không, như giảm thuế, phí, hỗ trợ vay ưu đãi. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ nên kéo dài đến năm 2024, khi thị trường vận tải hàng không nội địa và quốc tế quay trở về trước thời điểm năm 2019.
Thứ ba, trên cơ sở công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và thế giới, cần công bố một lộ trình mở cửa các đường bay quốc tế. Lộ trình tốt nhất là xác định và công bố được ngày cụ thể mở cửa cho đối tượng khách đủ điều kiện nhập cảnh và không phải cách ly.
Như vậy, chúng ta vừa công bố với các nước trên thế giới để khách hàng biết thời điểm nào có thể vào Việt Nam, vừa để các doanh nghiệp có sự chuẩn bị quay trở lại thị trường.
Với những hỗ trợ của Quốc hội, Chính phủ, từ các chương trình tái cơ cấu của các hãng, tiềm năng kinh tế Việt Nam và thị trường Việt Nam, tôi tin tưởng vận tải hàng không, các hãng hàng không Việt Nam sẽ sớm phục hồi và tiếp tục thực hiện vai trò kết nối giữa các địa phương, kết nối Việt Nam với thế giới để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Ngành hàng không: Thắt dây an toàn và chuẩn bị cất cánh
00:46, 05/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không
20:08, 09/11/2021
Khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không cần đi vào thực chất
03:50, 21/09/2021
Đòn bẩy phục hồi ngành hàng không
04:00, 11/09/2021
Điện khí hóa ngành hàng không
10:00, 18/08/2021