Thay vì đưa ra những mệnh lệnh hay tối hậu thư, các chuyên gia cho rằng nước Mỹ nên học cách chấp nhận một thế giới đa cực.
>>Điều gì ngăn cản Ấn Độ đứng về phía Mỹ?
Chiến lược an ninh mạng mới của Mỹ một lần nữa cho thấy nỗ lực của Washington trong việc tìm kiếm lại vị thế dẫn đầu của mình trong lĩnh vực công nghệ. Thế nhưng theo các chuyên gia phân tích, tầm nhìn này dường như đã trở nên lỗi thời trong một thế giới đang ngày càng trở nên đa cực hơn.
Ngoại trừ Mỹ, quan điểm ủng hộ một thế giới đa cực đã được chấp nhận từ lâu. Nga, Trung Quốc từ lâu đã lên tiếng về một thế giới mà các cường quốc có thể thực sự chia sẻ và hợp tác trên các vấn đề cốt lõi toàn cầu.
Đồng minh châu Âu của Washington cũng có suy nghĩ tương tự. Trong quá khứ, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroder từng cảnh báo về “mối nguy hiểm không thể phủ nhận” của chủ nghĩa đơn phương Hoa Kỳ; hay cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine từng tuyên bố rằng “toàn bộ chính sách đối ngoại của Pháp… nhằm tạo ra thế giới ngày mai bao gồm nhiều cực chứ không chỉ một”. Ngày nay, sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối với một châu Âu thống nhất và có quyền tự chủ chiến lược là minh chứng gần nhất cho vấn đề này.
Thế nhưng, thuyết phục các chính trị gia tại Washington từ bỏ tham vọng tìm lại vị trí lãnh đạo thế giới là điều không hề dễ dàng. Kể từ năm 1991 tới nay, các tài liệu chiến lược về an ninh hay kinh tế của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ca ngợi và nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì vị thế bá chủ của Hoa Kỳ, ngay cả khi họ thừa nhận sự trỗi dậy của các cực khác. Lập luận của Mỹ là nền hòa bình ổn định của thế giới sẽ được duy trì dưới sự lãnh đạo của Mỹ.
Nhưng cả lý thuyết và thực tế đều cho thấy điều ngược lại. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cổ điển như Hans Morgenthau tin rằng các hệ thống đa cực khó xảy ra chiến tranh hơn vì các quốc gia có thể tổ chức lại để ngăn chặn một quốc gia có nguy cơ thúc đẩy xung đột. Hay một hệ thống lưỡng cực cũng có thể giúp giảm nguy cơ tính toán sai lầm khi hai cường quốc chủ đạo có khả năng kiềm chế lẫn nhau.
Thực tế cũng cho thấy kết quả tương tự. Bất chấp các nỗ lực ngăn chặn của Mỹ, Nga và Trung Quốc vẫn mở rộng ảnh hưởng của mình theo nhiều cách khác nhau. Việc khiến Nga thất bại về mặt quân sự tại Ukraine, hay kìm hãm Trung Quốc bằng các chính sách bao vây công nghệ của Washington cũng tỏ ra không đủ hiệu quả.
Bài học kinh nghiệm ở Trung Đông là một ví dụ cho thấy tính đơn cực không phải là điều tốt cho nước Mỹ. Trong giai đoạn được coi là độc tôn, Mỹ chứng kiến cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9, hai cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan, một cuộc khủng hoảng tài chính gây ra tác động toàn cầu và sự xuất hiện của một Trung Quốc ngày càng tham vọng - được hỗ trợ từ chính các quyết sách của Hoa Kỳ trong quá khứ.
>>Ứng xử với cạnh tranh địa chính trị Mỹ- Trung
Sự gia tăng tính đa cực có thể tái tạo một thế giới, trong đó một số cường quốc có những ưu thế và sức mạnh tương đồng nhau. Điều đó sẽ khiến các quốc gia này phải để mắt đến nhau một cách thận trọng, như Trung Quốc và Nga trong chiến tranh Lạnh.
Kịch bản đó có thể đem lại cho Mỹ một sự linh hoạt đáng kể trong điều chỉnh liên kết của mình với các nước để đạt các mục đích chiến lược. Điển hình như cách Mỹ liên minh với Nga trong thế chiến II, hay việc nối lại với Trung Quốc trong thời chiến tranh Lạnh.
Mỹ vẫn là một tiếng nói hàng đầu trong các vấn đề quốc tế, nhưng quốc gia này chỉ có thể được lắng nghe nếu các cường quốc hiện tại ở châu Âu và châu Á cảm thấy được Washington coi trọng. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong một thế giới phẳng đa liên kết như ngày nay.
Nhà nghiên cứu quốc tế Stephen Walt từng viết: “Đối với các cường quốc tầm trung ở Châu Âu và Châu Á, Hoa Kỳ là đồng minh hoàn hảo. Nhưng cần hành động cẩn trọng để không gây ra mối đe dọa đáng kể nào cho các đồng minh”.
Hay ở một góc độ khác, việc chấp nhận một thế giới đa cực có thể giúp nước Mỹ giảm bớt các gánh nặng tài chính, khi các cường quốc khác đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề an ninh của họ.
Dù có thể thua trong cuộc chiến Ukraine, Nga vẫn sẽ không mất đi vị thế là một cường quốc có ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị vốn có: quy mô, vũ khí hạt nhân và dầu mỏ. Với Trung Quốc, Nhật Bản hay Ấn Độ cũng tương tự. Do đó, các nhà quan sát cho rằng, chỉ khi giới chính trị Mỹ sẵn sàng cho một tương lai đa cực, họ mới có thể lãnh đạo thế giới một cách đích thực, thay vì lệ thuộc vào những tối hậu thư...
Có thể bạn quan tâm