Tài chính doanh nghiệp

Tổ chức phát hành trái phiếu chậm trả đang tích cực xử lý nợ

Lê Mỹ 10/05/2025 04:50

Số doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu đến hạn tiếp tục giảm, thậm chí không có trường hợp chậm trả gốc lãi mới nào trong tháng 4/2025. Tuy nhiên áp lực thanh toán vẫn còn phía trước.

Trong quý 1/2025, có 3 đợt chậm trả lãi trái phiếu mới từ 3 tổ chức phát hành (TCPH) lần đầu ghi nhận chậm trả, tổng giá trị là 4.854 tỷ đồng. Tỷ lệ chậm trả toàn thị trường vẫn ổn định ở mức 14,6% vào cuối tháng 3/2025 do chưa có sự biến động lớn.

tnl.jpg
CTCP Cho thuê Bất động sản và Đầu tư TNL (cùng hệ sinh thái TNG Holdings, nay là ROX) đã đàm phán gia hạn hàng loạt lô trái phiếu đến hạn thanh toán với các trái chủ, thoát "chậm trả" trong tháng 5. (Ảnh minh họa)

Các trái phiếu chậm trả từ Công ty Xi măng Long Thành và Tập đoàn R&H phản ánh tình hình tài chính khó khăn khi cả hai công ty liên tục báo lỗ trong giai đoạn 2022–2023 bởi những thách thức trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi — xi măng và bất động sản nghỉ dưỡng. Trái phiếu chậm trả còn lại, được phát hành bởi Công ty Xây dựng Tracodi, nằm trong số năm trái phiếu bị đình chỉ giao dịch liên quan đến hệ sinh thái BCG, dữ liệu VIS Rating với các công bố thông tin từ HNX ghi nhận.

Cũng theo dữ liệu thông tin, về tình hình xử lý chậm trả trong quý 1/2025, 17 tổ chức phát hành đã thanh toán một phần/hoặc toàn bộ dư nợ gốc chậm trả 8.081 tỷ đồng (+83% svck). Các đơn vị có giá trị thanh toán lớn nhất bao gồm Cty tập đoàn đầu tư Địa ốc No Va (đã thanh toán 5.135 tỷ đồng, số dư nợ trái phiếu sau thanh toán còn 13.962 tỷ đồng); CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận (thanh toán 899 tỷ đồng; số dư trái phiếu sau thanh toán 1.117 tỷ đồng) và Saigon Glory (thanh toán 802 tỷ đồng; số dư trái phiếu sau thanh toán 7.059 tỷ đồng).

Ngoài ra một số doanh nghiệp chậm trả xử lý nợ tích cực nhất trong quý 1, cũng tập trung chủ yếu ở bất động sản và năng lượng, với các tên tuổi còn dư nợ trái phiếu lớn như Hưng Thịnh Land (thanh toán 42 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu sau thanh toán hơn 9.700 tỷ đồng); Điện gió Trung Nam Đắk Lắk (thanh toán 200 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu sau thanh toán 9.054 tỷ đồng)...

Theo VIS Rating, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả tăng 2,7% từ cuối năm 2024 lên mức 28,2%. Tỷ lệ này cho thấy những nỗ lực xử lý nợ của các tổ chức phát hành ngày càng có kết quả cải thiện hơn.

Cập nhật trong tháng 4, HNX ghi nhận 85 giao dịch mua lại trước hạn với tổng giá trị 8,8 nghìn tỷ đồng trong khoảng thời gian từ 03/04 đến 28/04. Các giao dịch đáng chú ý bao gồm tổng giá trị 3 nghìn tỷ đồng từ TCB, MSB; Trường Lộc - Bình Thuận; Phong Điện Chơ Long, và TNR Holdings Việt Nam. Đặc biệt khối Bất động sản với trái phiếu chậm trả đã xử lý có Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn (số tiền thanh toán 600 tỷ đồng, dư nợ sau thanh toán 5.900 tỷ đồng); Đầu tư Nova (thanh toán 340 tỷ đồng, sư nợ sau trái phiếu sau thanh toán 13.626 tỷ đồng); Đầu tư Hải Phát (thanh toán 30 tỷ, dư nợ trái phiếu sau thanh toán 1.013 tỷ đồng); Hưng Thịnh Land (thanh toán 29 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu sau thanh toán 9.695 tỷ đồng); Đầu tư Hải Phát (thanh toán 20 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu sau thanh toán 18 tỷ đồng)...

Như vậy, một số doanh nghiệp bất động sản thuộc hệ sinh thái lớn vẫn còn dư nợ trái phiếu sau thanh toán khá lớn. Đây cũng sẽ là những đơn vị chịu áp lực thanh toán trái phiếu đến hạn trong thời gian tới đây.

SI Ratings
(Tổng quan Quý 1/2025 - S&I Ratings)

Đánh giá gần nhất về khả năng trả nợ trong tổng 17 trái phiếu đáo hạn trong tháng 5/2025, VIS Ratings cho biết có 7 trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp có hồ sơ tín dụng yếu, trong đó 3 trái phiếu đã từng chậm trả lãi coupon.

Dự kiến có 56 lô trái phiếu sẽ đến hạn thanh toán trong tháng 5 (không bao gồm các lô đã được gia hạn ngày đáo hạn), với tổng giá trị khoảng 9.291 tỷ đồng. Nhóm ngành Bất động sản chiếm khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng giá trị trái phiếu đáo hạn, đến từ các tổ chức phát hành như Bất động sản Phú Long (1,4 nghìn tỷ đồng) và Sunshine Housing (1,1 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, một số doanh nghiệp có giá trị trái phiếu đáo hạn lớn trong tháng này, có 2.000 tỷ đồng của Vinfast, 715 tỷ đồng của Chứng khoán Rồng Việt.... Trong khi đó, 60 lô trái phiếu của CTCP Cho thuê Bất động sản và Đầu tư TNL (tổng giá trị đáo hạn là 2,8 nghìn tỷ đồng), vốn có lịch đáo hạn gốc trong tháng 5, ghi nhận đã được gia hạn ngày đáo hạn thông qua thỏa thuận với các trái chủ. "Vũ khí" đàm phán - gia hạn theo Nghị định 08/2023 vẫn đang là giải pháp nhằm khắc phục tình trạng nợ trái phiếu chậm trả khả quan cho các TCPH, qua giãn được thời gian, giảm áp lực thanh toán cận kề, lùi kỳ thanh toán nợ về tương lai.

Nhìn nhận chung cả 3 quý còn lại của năm, dữ liệu chung ghi nhận ngành Bất động sản chiếm một nửa lượng đáo hạn, với tổng giá trị ước tính là 103,9 nghìn tỷ. “Riêng trong quý 3, khối lượng đáo hạn của nhóm này lên tới 57,5 nghìn tỷ đồng. chúng tôi quan sát thấy các doanh nghiệp BĐS cũng liên tục đẩy mạnh nợ vay với tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu cuối năm 2024 lên mức cao nhất kể từ năm 2018. Có thể thấy rằng áp lực tài chính lên các doanh nghiệp BĐS sẽ tiếp tục cao trong thời gian tới, điều này khiến chúng tôi kỳ vọng giá trị phát hành trái phiếu cũng sẽ tăng mạnh trong 3 quý cuối năm”, theo S&I Ratings.

Các chuyên gia S&I Ratings cũng lưu ý, Chính phủ đang đề xuất ‘siết‘ điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp tại luật Doanh nghiệp, cụ thể yêu cầu tỷ lệ Nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, quy định này loại trừ tổ chức phát hành ở một số loại hình đặc thù như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thực hiện dự án bất động sản, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán,… để tránh chồng chéo với các luật chuyên ngành. Công ty xếp hạng tín nhiệm này cho rằng các quy định pháp lý chặt chẽ hơn được ban hành sẽ giúp kiểm soát và đưa thị trường trái phiếu vào khuôn khổ, tăng tính minh bạch và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tổ chức phát hành trái phiếu chậm trả đang tích cực xử lý nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO