TAND TP Đà Nẵng vừa có thông báo cho biết vụ khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa đồng thời thông báo Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.
Theo thông tin mà Diễn đàn Doanh nghiệp có được, vào ngày 2/1/2020, TAND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 01/2020/TB-TA thông báo nộp tiền tạm ứng án phí gửi đến Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên.
Theo thông báo này thì sau khi xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, xét thấy khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Đà Nẵng và người khởi kiện trong trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định của pháp luật nên TAND TP Đà Nẵng thông báo DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nói trên phải đến Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng để nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và nộp cho TAND TP Đà Nẵng biên lai thu tiền tạm ứng án phí sơ thẩm.
Liên quan đến Thông báo nói trên, đại diện Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cho biết đơn vị đã nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm theo yêu cầu của TAND TP Đà Nẵng.
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã nộp đơn lên TAND TP Đà Nẵng kiện Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng do DNTN xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên thấy các quyết định của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng như các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan là chưa đúng pháp lý.
Cụ thể, về mặt hình thức thì việc UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định số 4527/QĐ-CCXP ngày 7/10/2019 về việc “Cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” nhằm đảm bảo thi hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận Ngũ Hành Sơn và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng là không đúng với lý do dù các quyết định kể trên đã hết hạn, chủ đầu tư không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng UBND quận Ngũ Hành Sơn và Thanh tra Sở Xây dựng vẫn không tiến hành cưỡng chế, áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 29/12/2019
04:30, 21/12/2019
06:30, 17/12/2019
Hơn nữa, một hành vi vi phạm hành chính chỉ được xử lý một lần theo thủ tục hành chính, đối với việc xây dựng sai giấy phép của chủ đầu tư đã bị xử lý theo quyết định 126/QĐ-XPVPHC ngày 26/9/2016. Gần 3 năm sau, Thanh tra Sở Xây dựng lại ra quyết định hủy bỏ quyết định 126 là không đúng quy định pháp luật do hết thời hiệu.
Cùng với đó, theo đại diện DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên thì cần phải nhìn nhận một thực tế là việc xây dựng căn hộ, việc chuyển đổi công năng của chủ đầu tư đối với dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà được diễn ra công khai, chính quyền địa phương từ các Sở ban ngành, Thành phố đều biết nhưng không ngăn cản, xử phạt mà để chủ đầu tư tiến hành với mục đích là phục vụ tốt APEC 2017. “Sau đó, có sự không thống nhất giữa nội bộ chính quyền thì mọi việc đều đổ dồn vào chủ đầu tư. Nếu không có sự phê duyệt về chủ trương từ Trung ương đến địa phương thì liệu chủ đầu tư có thể thực hiện tốt công trình căn hộ và đưa vào sử dụng trong năm 2017 hay không?”, vị này đặt câu hỏi.
Đặc biệt, theo vị này thì dù việc chuyển đổi công năng của dự án đã được các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương chấp thuận bằng chủ trương nhưng khi chủ đầu tư tiến hành xin giấy phép xây dựng điều chỉnh thì gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại từ chính quyền trong khi đó trước đây chính quyền đã đồng ý, không có ý kiến phản đối khi chủ đầu tư tiến hành xây dựng, chuyển đổi công năng. “Khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng chính quyền đã tiến hành xử phạt hành chính bằng tiền và đó lại tiếp tục bắt chủ đầu tư tiến hành lập thủ tục giấy phép chuyển đổi công năng thì khó khăn càng gấp bội phần, chủ đầu tư không thể thực hiện được.
Cũng theo đại diện DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên thì đối với các tầng được liệt kê trong quyết định cưỡng chế thì không nhất thiết phải tháo dỡ trong điều kiện toàn bộ khối nhà chung cư đang có người dân sinh sống là vô cùng nguy hiểm. Hơn nữa, chủ đầu tư không xây dựng hơn cao độ cho phép, không xây lấn chiếm ra phần đất được cấp giấy chứng nhận nên vị này đề xuất áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền như Quyết định 126/QĐ-XPVPHC.
Với những lý do đó, DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nộp đơn khởi kiện và yêu cầu TAND TP Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ các Quyết định hành chính liên quan đến việc xử lý vi phạm tại dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà.
Cùng với việc khởi kiện, DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cũng đã gửi đơn lên TAND TP Đà Nẵng yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tạm dừng hành vi hành chính đối với UBND quận Ngũ Hành Sơn theo thông báo số 611/TB-UBND ngày 09/12/2019.
“Trường hợp này thuộc trường hợp khẩn cấp là ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Doanh nghiệp cam kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với yêu cầu nêu trên, nếu có thiệt hại xảy ra sẽ chịu theo quy định của pháp luật”, đại diện DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên khẳng định.
“Chúng tôi nhận thấy những nội dung trong thông báo số 611/TB-UBND là không hợp tình, hợp lý bởi theo Quyết định 4527/QĐ-CCXP và 5449/QĐ-SĐCCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên có nghĩa vụ thực hiện trong thời hạn 365 ngày. Đồng thời có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính. Hiện nay, chúng tôi đã tiến hành khởi kiện nên UBND quận Ngũ Hành Sơn không được phép buộc chúng tôi thực hiện các nội dung theo thông báo số 611/TB-UBND”, đại diện DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.
Cũng theo vị này thì nếu thực hiện các nội dung theo thông báo số 611/TB-UBND thì sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng và không thể khắc phục.