Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, diễn biến của đồng tiền ảo Bitcoin và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sau 1 thập kỷ là những sự kiện đầu tiên
Kinh tế thế giới có một năm đầy biến động, hai mảng màu tối - sáng đan xen vào nhau, và nó phản ánh đúng cục diện quan hệ giữa các siêu cường, cũng như nỗ lực bứt lên từ các nước nhỏ hơn.
1. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Trước hết, cần phải thấy rằng, đây là cuộc chiến mà Washington đã định liệu từ lâu, ít nhất là lúc tỷ phú Donald Trump trở thành ông chủ Nhà trắng - bằng khẩu hiệu nổi tiếng “nước Mỹ trên hết”.
Nơi đầu tiên ông Trump muốn nhằm vào là Trung Quốc, với tư cách là đối thủ - mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của nước Mỹ. “Thâm hụt thương mại”, “vi phạm sở hữu trí tuệ” là hai nguyên cớ làm bùng phát thương chiến.
Đúng 0h ngày 6/7/2018 “phát đạn” đầu tiên tuôn khỏi nòng khi Mỹ áp thêm 25% thuế vào 818 mặt hàng của Trung Quốc tổng trị giá 50 tỷ USD. Để đáp trả, Trung Quốc kích hoạt gói thuế tương đương với 34 tỷ USD hàng từ Mỹ.
Sau đó, hàng trăm tỷ USD hàng hóa được hai bên đưa vào tầm ngắm, song song với sự cứng rắn là những cuộc gặp gỡ trên bàn đàm phán, nhưng tất cả không có kết quả gì.
Căng thẳng tột mức, Trump tiếp tục lên kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và đặt ra một vài điều kiện mang tính chất “nếu - thì”.
Có thể bạn quan tâm
06:20, 19/12/2018
06:35, 17/12/2018
01:40, 29/10/2017
15:58, 17/10/2017
02:55, 24/11/2018
11:01, 29/11/2018
Rất trùng hợp, Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina là cơ hội để Trump -Tập một công đôi việc, họ đã gặp nhau và ân hạn 90 ngày “ngừng bắn” được đưa ra - nếu như Trung Quốc không giải quyết yêu cầu của Mỹ về các vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Người ta bắt đầu ước lượng các thiệt hại bằng tiền do cuộc chiến này, nhưng chưa có chứng minh nào thuyết phục bằng một sự kiện mà không nhiều người chú ý. Con tàu Peak Pagasus chở 90 ngàn tấn đậu tương xuất phát từ cảng Sealt của Mỹ đã mở hết tốc độ mong cập bến Trung Quốc trước giờ gói thuế đáp trả có hiệu lực.
Nhưng, mọi thứ đổ vỡ khi nó bị chậm mất 5h07p, lô hàng hóa trị giá 150 triệu CNY phải đổ xuống biển! Thế mới thấy thương chiến là cuộc chơi hiểm hóc khốc liệt của giới nhà giàu, nơi không có chổ cho sai lầm.
Cả thế giới dõi theo cuộc chiến này, có những cơ hội mở ra, có những hy vọng bị dập tắt. Sự kiện này hẳn sẽ đi vào lịch sử thương mại, ngoại giao và là ví dụ điển hình về xung đột giữa các nước lớn.
2. Cơn túng quẫn mang tên Bitcoin
Satoshi Nakamoto là cái tên rất Nhật Bản, bỗng dưng nổi tiếng và cũng rất bí ẩn được cho có liên quan đến một loại tiền mã hóa có tên là Bitcoin - một đồng tiền được gọi là ảo vì không thể nhìn thấy, không cần lưu trữ trong ngân hàng, hoàn toàn lưu thông trên không gian mạng, có thể xô đổ tất cả những thành trì tưởng như vững chắc về lý luận tài chính, tiền tệ.
Bitcoin tạo ra cơn “sốt” giá từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu âu và cả Việt Nam. Từ con số 0, sau đó đạt 30.000 USD/1 Bitcoin, cuối năm 2017 đồng tiền này rớt giá thê thảm, có ngày mất 40% giá trị.
Năm 2018 là khoảng thời gian đen tối với những nhà đầu cơ, đầu tư đồng tiền ảo Bitcoin khi giá mỗi đồng tiền này chỉ còn hơn 3000 USD. Bitcoin hiện đã “bốc hơi” hơn 80% giá trị kể từ mức đỉnh cao mọi thời đại thiết lập cách đây 1 năm.
So với mức đỉnh hồi tháng 1 năm nay, tổng vốn hóa của thị trường tiền ảo toàn cầu đã sụt mất 730 tỷ USD - một lượng tiền không hề nhỏ!
Sau gần 10 năm tồn tại và nổi đình nổi đám 2 năm gần đây, Bitcoin đã sản sinh ra hàng trăm tỷ phú đô la chỉ sau một thời gian rất ngắn, nhưng cũng kéo không ít người lâm vào con đường phá sản.
Sở dĩ nhiều chính phủ trên thế giới quan tâm đến tiền ảo là vì tác động ghê gớm của nó đến hệ thống tài chính. Hơn thế, nó được ví như một loại tiền thông minh: Không cần đến giao dịch viên, không cần ngân hàng, không cần bất cứ cơ sở hạ tầng nào của ngành tài chính ngoài thiết bị thông minh kết nối mạng…
Nhưng lỗ hổng chết người của đồng tiền này - nếu như nó được chấp nhận là công cụ thanh toán đến mức phổ biến, đó là tin tặc. Tin tặc có thể khiến hệ thống tài chính toàn cầu trở về con số 0 hoặc gia tăng một cách ảo khủng khiếp mà không cần đến những tác động chuyên ngành như lạm phát, suy thoái kinh tế.
Có khoảng 20 nước bắt đầu công nhận Bitcoin, nhưng cũng có số lượng quốc gia tương tự đang chú trọng việc quản lý chặt chẽ nó. Hiện nay có 850 loại tiền mật mã, giá trị vốn hóa hiện đang khoảng 200 tỷ USD và được dự báo có thể lên đến 500 tỷ USD.
Những biến động của thị trường bất động sản, tài chính, chứng khoán…đều chịu ảnh hưởng không nhỏ của Bitcoin. Nói như kinh tế gia Cấn Văn Lực: “Chưa hiểu hết về loại hình tiền ảo này mà chấp nhận nó thì không khác gì rước hổ về nhà khi chưa thuần hóa được, chúng ta có thể bị cắn lại bất cứ lúc nào…”
3. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất 10 năm qua
Nền kinh tế Trung Quốc trở nên rất quan trọng với thế giới sau đúng 40 năm cải cách - sự kiện vừa được nước này kỷ niệm cách đây mấy hôm. Đến nay kinh tế Trung Quốc có quy mô thứ 2 toàn cầu tính theo GDP, đứng vị trí số 1 tính theo sức mua của đồng tiền.
Nhưng, vài năm trở lại đây có xu hướng tăng trưởng chậm lại, con số mới nhất cho thấy: GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tốc độ chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đà tăng trưởng được dự báo còn xuống dốc những năm tiếp theo.
Nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc, hậu quả sẽ thế nào với kinh tế toàn cầu? Hãy tham khảo một vài con số:
Quy mô GDP của Trung Quốc chiếm 11% GDP toàn cầu và 10% các giao dịch thương mại của thế giới. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ 12% tổng lượng sử dụng dầu khí toàn thế giới và khoảng từ 40 đến 70% đối với các mặt hàng thiết yếu khác.
Trung Quốc có hệ thống tài chính khổng lồ cùng lượng cung tiền tệ chiếm tới 20% của thế giới, vượt qua cả Mỹ. Cũng là nơi cung cấp 850 triệu lao động để phục vụ đa số các siêu tập đoàn kinh tế trên thế giới - với biệt danh “công xưởng thế giới”.
Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhất thế giới kể từ năm 2013, tổng kim ngạch vượt Mỹ 40%, lớn hơn cả khối EU cộng lại. Và là nơi nhập khẩu đứng thứ 3 thế giới.
Từ các quốc gia phát triển cho đến những nền kinh tế nhỏ, phụ thuộc vào xuất khẩu cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự co lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Quá trình đi xuống của kinh tế Trung Quốc liên tục từ năm 2015 đến nay, và chạm đáy trong năm 2018, đúng vào lúc tròn 40 năm nước này thực hiện chính sách mới.
Còn tiếp…