Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài cuối)

Trương Khắc Trà 28/12/2018 06:15

Chín sự kiện nổi bật năm 2018 của kinh tế thế giới sẽ là rào cản hay là động lực cho năm 2019? Câu trả lời chính xác sẽ phải đợi.

Khép lại bức tranh kinh tế thế giới năm 2018 sẽ là Brexit, kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp lệnh cấm và việc Mỹ hối hả kiếm tìm bằng chứng để buộc tội Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại.

7. Brexit…khó đến từng chi tiết!

Dân chúng Anh muốn rời khỏi EU vì họ cảm thấy không có lợi lộc gì từ một tổ chức đã quá già cỗi. Nhưng EU - dường như không muốn điều này xảy ra. Đó là nguồn cơn dẫn đến mọi rắc rối cho đến nay.

Nếu nhìn Brexit dưới góc độ kinh tế mới thấy hết những ảnh hưởng sâu và rộng. Nếu EU không có Anh, các lợi thế về con số bị suy giảm ngay tức khắc.

Không tự nhiên khi muốn nói điều gì đó đầu tiên về một liên minh kinh tế nào đó người ta luôn đưa ra các thống kê về khối lượng GDP, dung lượng thị trường theo quy mô dân số, các giá trị “mềm” tạo thành bởi các thành viên uy tín…về điều này, Liên hiệp Anh luôn đảm bảo.

Brexit còn quá khó khăn

Brexit còn quá khó khăn

Brexit đang cho thấy một hiện tượng toàn cầu, đó là: chủ nghĩa dân túy đang nổi dậy chống lại các đảng phái chính trị chánh thống đang lãnh đạo, hoặc có “ghế” trong nội các.

Có thể bạn quan tâm

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 2)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 2)

    14:00, 27/12/2018

  • Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 1)

    Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài 1)

    06:45, 26/12/2018

Hiện tượng này đã xảy ra và thấy rất rõ ở Mỹ, Pháp, Đức…đương nhiên, có cả tầng lớp ủng hộ Brexit. Điều này minh chứng Brexit có ảnh hưởng sâu sắc như thế nào đến kinh tế thế giới.

Có nghĩa rằng, nếu Brexit trót lọt thì giới kinh doanh trên thế giới sẽ rất lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy - với tư cách là “bệ đỡ” cho nhiều đảng phái chính trị đang điều hành những nền kinh tế lớn.

Trực tiếp hơn - trong bối cảnh nhiều nền kinh tế ở Châu âu đang nợ công đầm đìa, thì Brexit có công năng như một “bệnh truyền nhiễm”. Cụ thể là ở Italy, do mâu thuẫn với EC về chỉ tiêu thâm hụt ngân sách năm 2019, nên Itexit đang được Rome cân nhắc, ý định tương tự đang xảy ra ở Áo.

Nước Pháp đang trong tình trạng “khẩn cấp kinh tế” - chưa biết điều này có liên quan gì đến EU hay không, nhưng không loại trừ khả năng, “nguyên nhân” được vin vào đây để có một Fraxit (!?).

Trực diện hơn, bất ổn chính trị gây ra từ việc Anh rời khỏi EU sẽ làm tổn thương các nền kinh tế ở châu Âu. Nước Anh đóng một vai trò trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

EU đang là một cột trụ của kinh tế thế giới. Giờ đây, việc quốc gia này rút khỏi EU sẽ làm suy yếu vị thế của một liên minh sở hữu thị trường chung lớn nhất thế giới. Tính chất, cường độ của sự ảnh hưởng là rộng lớn và sâu sắc!

8. Sự trở lại của "Gấu Nga"

Trong năm 2015 và 2016, nước Nga đã phải trải qua đợt suy thoái kéo dài nhất kể từ năm 1999. Giá dầu lao dốc hồi năm 2014 và những biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine đã tác động nghiêm trọng tăng trưởng nền kinh tế.

Bất chấp lệnh cấm trừng phạt từ EU và Mỹ, kinh tế Nga vẫn tăng trưởng 1,7% trong năm 2018. Lần đầu tiên từ năm 2011 Nga đạt được con số thặng dư ngân sách.

Kinh tế Nga khởi sắc

Kinh tế Nga khởi sắc

Từ năm 1991 đến nay, Nga luôn là đối trọng với Mỹ và phương Tây về quân sự, nhưng chưa bao giờ là đối thủ xứng tầm trong lĩnh vực kinh tế. Moscow ngày càng tỏ rõ muốn tăng cường hiện diện ở những điểm “nóng” khắp nơi trên thế giới.

Kinh tế Nga tăng trưởng cho phép đoán định cuộc cạnh tranh nảy lửa với các siêu cường hiện tại, cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều bất ngờ khiến các nước nhỏ không kịp trở tay.

Khu vực Châu á - Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ sôi động hơn với sự trở lại của nước Nga. Trong cuộc cạnh tranh chiến lược Trung - Mỹ ở khu vực này, thái độ của Moscow sẽ trở nên đáng quan tâm hơn.

Không biết ông Putin sẽ đóng vai một “quan sát viên” hay “quần hùng tranh bá”?

9. Giám đốc Tài chính của Huawei bị bắt

Năm 2018 rất nhiều đế chế kinh tế hùng mạnh có biến động, như: Facebook, Alibaba… nhưng không một sự cố nào khiến thế giới quan tâm như ở Huawei - một công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc. Vì diễn biến vụ việc có liên quan mật thiết đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Huawei từ lâu đã bị Washington cáo buộc đánh cắp sở hữu trí tuệ, nhiều quốc gia lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về những sản phẩm của tập đoàn này. Nhưng, Huawei dường như không có sự hiện diện nào ở Mỹ!?

Đó là lý do mà ông Trump muốn nhằm vào một lãnh đạo tài chính của tập đoàn này chứ không phải là một nhân vật nào khác ở lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Bởi vì Mỹ chỉ có cơ hội tìm ra manh mối vi phạm của Huawei khi bắt đầu bằng điều tra tài chính.

Mỹ xuống đòn với Huawei

Mỹ xuống đòn với Huawei

Đáng chú ý hơn, Canada là “cánh tay” đắc lực của Mỹ trong sự vụ này. Nó càng chứng tỏ khối Bắc Mỹ - sau khi hoàn thành USMCA đã cho thấy rõ thái độ cứng rắn với Bắc Kinh.

Nhưng cái mà người ta chờ đợi nhất là Mỹ sẽ tung ra bằng chứng gì để buộc tội Huawei, thông qua đó củng cố hồ sơ cáo buộc để kích hoạt gói thuế trị giá 200 tỷ USD nhằm vào hàng hóa của Trung Quốc sau khi hết 90 ngày ân hạn.

Nếu Huawei “hết đường chối cãi” thì năm 2019 sẽ còn chứng kiến một cuộc chiến thương mại khốc liệt hơn, kinh tế toàn cầu trở nên u ám như là một hệ lụy hẳn nhiên của căng thẳng thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Toàn cảnh kinh tế thế giới năm 2018 (Bài cuối)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO