Kinh tế

Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam duy trì 25%/năm

Nguyễn Việt 24/09/2024 00:20

Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc.

Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết tại cuộc tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chiều 23/9.

thuế 1
Tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử". Ảnh: Nhật Bắc

Theo bà Lại Việt Anh, thương mại điện (TMĐT) Việt Nam phát triển nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm.

Quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đạt 20,5 tỷ USD

“Cách đây 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Nhưng, đến năm 2023 theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này được dự báo đạt 10% vào năm 2025”, bà Lại Việt Anh nói.

TMĐT phát triển nhanh đã đóng góp tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn COVID-19. Đây là phương thức kinh doanh hiệu quả để phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối.

Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo bà Lại Việt Anh với tốc độ tăng trưởng nhanh của TMĐT sẽ phải đặt ra bài toán phát triển bền vững. Đó là, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường, cụ thể là việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.

bct.jpg
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Ảnh: Nhật Bắc

Trên môi trường điện tử, hoạt động quản lý của chúng ta phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử. Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, trong hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông để ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế.

“Chúng tôi đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT trên Cổng Thông tin quản lý về TMĐT (online.gov.vn), tại đó có dữ liệu về những doanh nghiệp sở hữu các website TMĐT bán hàng và các sàn giao dịch TMĐT đã thực hiện thủ tục thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương”, bà Lại Việt Anh cho biết.

Bộ Công Thương là cơ quan quản lý đối với chủ thể sở hữu các website và nền tảng TMĐT. Bộ đã tiến hành chia sẻ dữ liệu đó với cơ quan quản lý nhà nước về ngành công thương ở tất cả các địa phương, và hiện nay đang thực hiện việc kết nối, chia sẻ với Tổng cục Thuế.

“Chúng tôi đã chia sẻ dữ liệu của hơn 1.000 chủ thể sở hữu nền tảng TMĐT ở dạng website hay dạng ứng dụng, tiến tới chia sẻ dữ liệu của khoảng 50.000 những chủ thể sở hữu website TMĐT bán hàng. Chúng tôi hy vọng thông tin chia sẻ, kết nối, tiến tới đồng bộ hóa dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng hiệu quả công tác quản lý, giúp giảm thời gian cho doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục với nhiều cơ quan khác nhau”, bà Lại Việt Anh bày tỏ.

Đồng bộ các giải pháp quản lý TMĐT

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết thời gian qua Tổng cục Thuế đã và đang thực hiện các giải pháp đồng bộ, thống nhất sau.

btc.jpg
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Ảnh: Nhật Bắc

Thứ nhất, Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật.

Tổng cục Thuế đã phối hợp với các sàn trong nước, các nền tảng TMĐT nước ngoài tuyên truyền về nghĩa vụ thuế của các tổ chức, các nhân kinh doanh trên các nền tảng.

Thứ hai, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để hỗ trợ việc kê khai, nộp thuế ở mức 4.0, bảo đảm người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, cung cấp thông tin hoàn toàn theo hình thức điện tử.

Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện. Đây cũng là kênh thông tin để cho người nộp thuế thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Thứ ba, ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất trong ngành thuế và các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động TMĐT.

Đó là, đề xuất bổ sung quy định pháp luật theo hướng tăng cường trách nhiệm của tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, yêu cầu sàn giao dịch TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT.

Giải pháp này góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối kê khai thuế, đồng thời xét về tổng thể sẽ làm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho toàn xã hội do thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế thì chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch thương mại điện tử khai, nộp thuế thay.

Thứ tư, ngành Thuế sẽ tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn, như do sàn cung cấp, thông tin do các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành.

Trên cơ sở đó, chúng tôi thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Thứ năm, ngành Thuế sẽ xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, theo đó áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành, trong các tổ chức, các nhân kinh doanh thương mại điện tử; doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán…

Thứ bảy, ngành Thuế sẽ phối hợp với bộ ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ Công an cùng với cơ quan Thuế sẽ rà soát và đồng nhất Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu mã số thuế.

Bộ Công Thương sẽ cung cấp dữ liệu về sàn giao dịch TMĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chia sẻ dữ liệu về các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình. Ngân hàng Nhà nước sẽ thông tin về dòng tiền thanh toán, về tài khoản cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam duy trì 25%/năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO