Tốc độ và chất lượng tăng trưởng

Đại Dương 19/10/2018 11:30

Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tính chất rất quan trọng. Bởi nó diễn ra trước kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 22/10 chỉ một tuần.

Chính vì vậy, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến năm 2019 của Chính phủ… được xem xét khá kỹ.

p/Thay vì quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước, GDP các quý trong năm 2018 đã diễn biến ngược lại.p/(Biểu đồ: Tăng trưởng GDP theo quý giai đoạn 2012-2018, Đvt: %)

Thay vì quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước, GDP các quý trong năm 2018 đã diễn biến ngược lại. (Biểu đồ: Tăng trưởng GDP theo quý giai đoạn 2012-2018, Đvt: %)

Báo cáo thẩm tra của Quốc hội dù có những đánh giá khá gắt, nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng tình rằng: báo cáo thẩm tra đã “đánh giá xác thực tình hình, ghi nhận nỗ lực của các cấp ngành”.

Tồn tại cũ còn đó

Tuy vậy, đúng như Phó Thủ tướng nói, các cuộc họp của thường trực Chính phủ “Nói thật là 10 cuộc họp thì 7 cuộc xử lý việc cũ, 3 cuộc làm những cái mới”. Và đương nhiên, hệ quả là cuộc sống luôn biến đổi, tình hình kinh tế xã hội thế giới cũng không bất biến. Nên những tồn tại cũ chưa giải quyết xong, thì các tồn tại mới lại xuất hiện.

Bởi vậy, những yếu tố tác động đến kinh tế - xã hội là luôn luôn biến đổi, khó dự đoán và tiên lượng. Đơn giản như vấn đề thu chi ngân sách. Báo cáo thẩm tra của Quốc hội cho rằng: thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ. Nhưng phía Chính phủ thì lại cho rằng: năm 2016 tích luỹ đầu tư khoảng 10.000 tỷ, 2017 là 69.000 tỷ và dự kiến năm 2018 là 63.500 tỷ đồng. Còn với năm 2019, số dự toán tích lũy đầu tư khoảng 67.300 tỷ đồng.

Đương nhiên, nếu so với con số hàng triệu tỷ thu được và hàng trăm nghìn tỷ chi thường xuyên thì cũng có những vấn đề cần phải suy nghĩ. Tuy vậy, phải thấy được rằng: nếu những con số của Chính phủ là chính xác, thì chi thường xuyên lên tới 70% hồi đầu nhiệm kỳ đã bị kéo xuống còn khoảng 64% cũng là một “thành tựu lớn”.

Đương nhiên, sự “chưa gần nhau” hay chưa “thống nhất cao” này giữa Quốc hội và Chính phủ là điều có thể hiểu được. Cũng chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: cần phải làm rõ chất lượng tăng trưởng khác con số tăng trưởng bền vững ở chỗ nào; nếu tăng trưởng thì tăng ở đâu?

Bởi rõ ràng: các rủi ro về kinh tế cả trong và ngoài nước, nhất là trước diễn biến tình hình giá dầu thế giới đang gia tăng, có thể tác động đến xuất khẩu hàng hoá, đến chỉ số lạm phát, tỷ giá... Rồi các rào cản về thủ tục hành chính và công tác chỉ đạo điều hành, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã được cải thiện nhưng mức độ thực thi ở các ngành, các cấp thì chưa đều, thậm chí có nơi còn hình thức...

“Người ta vẫn kêu có dự án 3 năm vẫn chưa làm được, doanh nghiệp tư nhân có dự án 10 năm người ta theo đuổi nhưng vẫn chưa làm được”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề này và đề cập tới tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong bộ máy công quyền khiến người dân và doanh nghiệp chưa yên tâm.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%

    11:00, 15/10/2018

  • 5 tồn tại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

    05:03, 11/10/2018

  • Không chủ quan về tăng trưởng kinh tế

    11:00, 10/10/2018

  • WB: Tăng trưởng GDP 2018 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,8%

    11:46, 04/10/2018

Vẫn lo thiếu bền vững

Còn nhớ hồi tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc họp về việc tái cơ cấu những ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng, yếu tố quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế đã nhấn mạnh: “Đổi mới mô hình tăng trưởng là quá trình liên tục, phù hợp với xu hướng của thời đại trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão”.

Cũng chính vì vậy, dù kết quả tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua đã làm cho tăng trưởng kinh tế đạt kết quả ấn tượng, quy mô nền kinh tế mở rộng, đạt trên 5 triệu tỷ đồng, trần nợ công đã từ 64%GDP giảm còn 61%GDP, nhưng lo lắng chắc cũng không thừa.

Bởi rõ ràng, dù tăng trưởng vẫn đạt những chỉ số cao bất thường và tốc độ đã có gia tăng, nhưng những vấn đề về việc làm và các mục tiêu quốc gia về tái cơ cấu vẫn đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách. Những ngành có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch… chắc chắn vẫn chưa chiếm tỷ lệ cao trong tái cơ cấu và đóng góp vào GDP như thực tế đã chỉ ra.

Những băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội về chất lượng tăng trưởng, chính vì vậy, là một nguyên cớ để Chính phủ xem xét lại kỹ hơn các vấn đề về kinh tế - xã hội, nhất là về môi trường kinh doanh. Lời giải cho những băn khoăn này nằm ở đâu? Cải thiện môi trường kinh doanh hay thắt chặt kỷ luật hành chính, ngân sách? Hay ở cả hai?

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội:Thách thức mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp

Mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018. Nhóm mục tiêu về cơ cấu lại DNNN, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được kế hoạch đến năm 2020 nếu không có giải pháp đẩy nhanh.

Đến tháng 7/2018, các bộ, ngành, địa phương mới thực hiện thoái vốn tại 30/316 doanh nghiệp theo kế hoạch đề ra của năm 2017 và 2018. Kế hoạch sử dụng vốn từ thoái vốn tại DNNN chưa cụ thể, chưa tập trung vào các công trình quan trọng quốc gia để tạo động lực và sức lan tỏa cho nền kinh tế.

ông Hồ Đức Phớc ,Tổng Kiểm toán Nhà nước: Nguy cơ hụt thu ngân sách

Hai thành phố "đầu tàu kinh tế" của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ hụt ngân sách nhà nước hai năm liên tiếp vì năm 2017 đạt 80,5% và năm 2018 đạt 88,8% dự toán giao. Bên cạnh đó, 22/57 địa phương cũng không đạt dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Các nguồn thu không đạt như dự toán được công bố là từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (giảm 2,9%), từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 15,1%), và từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (giảm 2,2%.)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tốc độ và chất lượng tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO