Rất nhiều người dùng bị thao túng tâm lý, mất cảnh giác nên dễ dàng sập bẫy của các đối tượng lừa đảo. Nhiều ý kiến cho biết, chưa bao giờ tội phạm mạng lại ngang nhiên và hoành hành như hiện nay…
>>Lừa đảo gọi vốn đa cấp: Vì sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
Theo báo cáo mới của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023, số tiền người Việt bị lừa đảo đã lên đến con số gây choáng váng là hơn 16 tỉ USD, tương đương hơn 390.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn SMS vẫn là kênh phổ biến nhất để bọn lừa đảo ra tay. Bên cạnh đó, các nền tảng kỹ thuật số như mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin tức thì cũng đang trở thành kênh quan trọng. Facebook, WhatsApp, Messenger và Telegram được đặc biệt chỉ ra là các nền tảng liên quan đến mối đe dọa lừa đảo…
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, phong trào chuyển đổi số rầm rộ đưa nhiều hoạt động thường nhật "lên mây", mua sắm trực tuyến bùng nổ, cùng với sự phổ biến của thanh toán không tiền mặt... trong khi ý thức và kiến thức bảo mật của phần đông người dùng còn hạn chế, là nguyên nhân khiến tội phạm lừa đảo liên tục nhắm đến người dùng Việt Nam.
Về nội dung này, ông Adrian Hia, giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, thiết bị di động là "kho tàng" nơi chứa các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội mà chúng ta sử dụng. Trong khi đó, tội phạm mạng cũng đang ẩn nấp trên các nền tảng này, chờ đợi “con mồi” rơi vào bẫy.
Riêng về Việt Nam, ông Hia cho rằng: Trong những năm qua, chính quyền và các doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam đã có những nỗ lực và tiến bộ đáng kể trong việc tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn. Tuy nhiên, các mối đe dọa đối với an toàn thông tin và an ninh mạng vẫn tồn tại, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như người dùng cá nhân phải thường xuyên cảnh giác.
“Số liệu thống kê mới nhất của chúng tôi tại các quốc gia cho thấy tội phạm mạng vẫn đang tiếp tục sáng tạo những chiêu thức lừa đảo mới, nhắm đến người dùng cá nhân cũng như doanh nghiệp. Chính vì thế, chúng ta cần tiếp tục cố gắng bảo vệ tài sản và dữ liệu trực tuyến của mình", ông Adrian Hia chia sẻ.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu, người sáng lập dự án Chongluadao.vn, cho biết thực tế tình trạng lừa đảo tại Việt Nam vẫn gia tăng.
"Theo điều tra tìm hiểu của chúng tôi, phần đông những kẻ lừa đảo xuất hiện từ các nước lân cận Việt Nam. Khu vực châu Á đang được xem là rộ lên rất nhiều những tổ chức, cá nhân lừa đảo. Thậm chí hiện nay thế giới còn gọi đây là "ngành công nghiệp lừa đảo" và trở thành vấn đề lớn trên toàn cầu", chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu nói.
>>Bùng nổ lừa đảo dịp cuối năm: “Bẫy” giăng chằng chịt
Đồng quan điểm, ông Võ Đỗ Thắng, Trung tâm an ninh mạng Athena, nhận định, tình trạng lừa đảo gia tăng trên toàn cầu chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Ông Thắng cho rằng, kinh tế đi xuống cũng làm xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân tham gia các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Tại Việt Nam, nhóm đối tượng người 55 tuổi trở lên là đối tượng bị các nhóm lừa đảo nhắm đến nhiều nhất.
Lý giải về điều này, vị chuyên gia cho biết, nhóm người lớn tuổi này dễ bị thao túng tâm lý, dễ bị rơi vào các kịch bản lừa đảo giả mạo cơ quan công quyền, các tổ chức uy tín. Hơn nữa, người lớn tuổi cũng là đối tượng có nhiều tiền để dành hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Võ Đỗ Thắng nhóm công nhân ở các khu công nghiệp cũng là đối tượng dễ bị lừa. “Do kinh tế khó khăn, thu nhập bấp bênh, nhiều người bị mất việc nên cũng dễ rơi vào bẫy lừa đảo việc nhẹ lương cao hay cho vay nhanh chóng, dễ dàng qua các ứng dụng trên điện thoại. Từ đó lại bị mất tiền, rơi vào vòng xoáy con nợ với lãi cắt cổ… Vì vậy, cần phải thường xuyên thực hiện hoạt động tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho người dân. Bởi trong năm 2024, dự báo tình trạng lừa đảo vẫn có thể tiếp tục tăng”, vị chuyên gia nói.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp từ góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Lee và Cộng sự cho biết, hiện đang nổi lên một số hình thức lừa đảo mới: lừa đảo về tình cảm, bao gồm chuyện tình cảm lứa đôi và đánh vào lòng trắc ẩn. Nạn nhân bị lừa theo hình thức này thường mất số tiền rất lớn, từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỉ. Bên cạnh đó, một hình thức mới xuất hiện khác là dịch vụ lấy lại tiền lừa đảo. Một số cá nhân giả danh là văn phòng luật sư, cơ quan chức năng, an ninh mạng… để đứng ra nhận thông tin từ người đã bị lừa đảo.
Theo luật sư Nhung, nếu không cẩn thận thì nạn nhân lại tiếp tục rơi vào một bẫy lừa khác. Hay kịch bản lừa đảo cho vay tín dụng đen thông qua các app trên điện thoại di động với thủ tục đơn giản, có tiền nhanh chóng vẫn tiếp tục diễn ra.
Tiếp nữa là lừa đảo giả mạo các cơ quan chức năng như cơ quan thuế, bảo hiểm, xã hội… hay các sàn thương mại điện tử, các công ty có uy tín. Trong kịch bản liên quan đến sàn thương mại điện tử lớn, công ty uy tín thì thủ phạm sẽ dẫn dụ nạn nhân tham gia chốt đơn, đầu tư chứng khoán, tiền ảo để có lợi nhuận cao.
“Người dùng cá nhân cần thận trọng, nâng cao cảnh giác và bảo mật thông tin cá nhân khi tham gia các diễn đàn, mạng xã hội. Như các cơ quan quản lý cũng đã thông báo, khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào từ người lạ thì bản thân người nhận phải dừng lại để kiểm chứng, không nên thực hiện theo yêu cầu ngay lập tức. Có thể thực hiện kiểm chứng về thông tin hay một địa chỉ trang web bất kỳ. Sau đó khi thấy thông tin không tin cậy có thể báo về cơ quan an ninh mạng để lực lượng chức năng ngăn chặn và cảnh báo cho người dùng”, luật sư Nhung nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Lừa đảo gọi vốn đa cấp: Vì sao nhiều người vẫn “sập bẫy”?
00:30, 18/02/2024
Bùng nổ lừa đảo dịp cuối năm: “Bẫy” giăng chằng chịt
00:06, 07/02/2024
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo trực tuyến dịp Tết Nguyên đán 2024
03:00, 31/01/2024
Cẩn trọng trước “bẫy” lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế
03:30, 06/01/2024