Với quyết định hủy bỏ việc áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ của cơ quan Hải quan Mỹ (CBP), liệu Vua tôm Minh Phú có cửa trở lại thời hoàng kim?
Theo đó, CBP đã huỷ bỏ quyết định đã ban hành ngày 13/10/2020 về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UpCOM: MPC) vào thị trường Mỹ.
Quyết định mới nhất này cho phép MPC tiếp tục được xuất khẩu tôm đông lạnh vào Mỹ mà không phải chịu thêm thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ hay bất kỳ loại thuế chống phá giá nào khác. Tập đoàn thủy sản này cũng được hoàn lại các khoản thuế chống phá giá đã phải tạm nộp (tiền ký quỹ) trước đó.
Trước đó, ngày 13/10/2020, CBP đã dựa theo Đạo luật Thực thi và Bảo hộ (EAPA) công bố kết luận rằng sản phẩm tôm đông lạnh do MPC xuất khẩu vào thị trường Mỹ là đối tượng chịu thuế theo lệnh thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ. Bởi lẽ, MPC đã không cung cấp được đầy đủ bằng chứng như yêu cầu của CBP để chứng minh công ty không sử dụng tôm có nguồn gốc từ Ấn Độ nhằm xuất khẩu sang Mỹ. Với kết luận này, sản phẩm tôm của MPC xuất khẩu sang Mỹ phải chịu lệnh thuế chống bán phá giá như tôm Ấn Độ (khoảng 10%).
Ngay sau đó, doanh nghiệp đã khiếu nại hành chính lên cơ quan cấp cao của CBP, yêu cầu xem xét lại vì kết luận trên đã bỏ qua bằng chứng quan trọng nhất là MPC đã có hệ thống truy xuất riêng hiệu quả (dù không theo đúng cách thức mà EAPA yêu cầu) và không sử dụng tôm nguyên liệu Ấn Độ cho hàng xuất vào Hoa kỳ.
Trên cơ sở khiếu nại của Minh Phú, cơ quan cấp cao phụ trách về luật pháp và phán quyết của CBP đã phân tích kỹ lưỡng các bằng chứng và hồ sơ truy xuất nguồn gốc từ tôm nguyên liệu, qua các công đoạn sản xuất và xuất khẩu vào Mỹ mà Minh Phú đã cung cấp trong suốt vụ điều tra EAPA từ tháng 10/2019.
Từ đó, CBP kết luận doanh nghiệp này không vi phạm các quy định của EAPA và quyết định hủy bỏ việc áp thuế chống phá giá áp dụng cho tôm Ấn Độ đối với những sản phảm xuất khẩu từ MPC.
Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc MPC cho biết, doanh nghiệp này tin tưởng vào số liệu và hệ thống nên đã nộp đơn khiếu nại hành chính. Công ty cũng chủ động tìm và báo cáo các sơ sót, ví dụ có 13 kg tôm Ấn Độ lọt vào một container hàng xuất khẩu đi Mỹ.
"Để đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều tra, toàn thể lãnh đạo, các cán bộ, nhân viên của MPC, cùng với đội ngũ luật sư đã phải làm việc căng thẳng với cường độ cao trong suốt hơn một năm để cung cấp cho CBP số lượng thông tin và hồ sơ khổng lồ", ông Quang cho biết.
Cũng theo Lãnh đạo MPC, ngay từ tháng 7/2019, trước khi Vụ điều tra EAPA được khởi xướng, mặc dù công ty vẫn chưa đủ nguyên liệu để cung ứng theo đơn đặt hàng, nhưng ban lãnh đạo MPC đã quyết định ngừng nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Thay vào đó, MPC quyết định mở rộng vùng nuôi trong nước, tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại để đổi mới con giống, công nghệ nuôi.
Tính đến cuối năm 2020, MPC đã tự nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm mô hình nuôi tôm công nghệ cao 2-N-4, đưa vào vận hành tại 2 vùng nuôi với tổng diện tích 900 ha. Công ty này cũng có mạng lưới liên kết và cung ứng tôm rộng khắp miền Tây, với như 100.000 ha nuôi tôm công nghiệp, 25.000 ha nuôi tôm sinh thái rừng ngập mặn, và hơn 10.000 ha diện tích nuôi tôm-lúa.
Về kết quả kinh doanh, năm 2020, doanh thu thuần công ty mẹ đạt 9.340 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 547 tỷ đồng, giảm 15,7% so với năm 2019. Riêng quý 4/2020 doanh thu thuần đạt 2.722 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 203 tỷ đồng tăng 108% so với quý 4/2019.
Tính đến 31/12/2020, tổng tài sản Công ty mẹ MPC gần 7.455 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 36%, đạt 625 tỷ đồng; trong khi các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 15,6% xuống còn gần 965 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 20% lên 1.096 tỷ đồng; hàng tồn kho ở mức 1.109 tỷ đồng. Nợ phải trả của Công ty mẹ hơn 1.977 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm và chiếm 26,5% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 85%, lên gần 1.727 tỷ đồng.
Được biết năm 2020 MPC đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu hợp nhất đạt 709 triệu USD (tăng 10%), sản lượng sản xuất hợp nhất đạt 63.000 tấn tôm thành phẩm (tăng 6%) và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.368 tỷ đồng tăng cao gấp gần 3 lần so với thực hiện 2019.
Đáng chú ý, về cơ cấu doanh thu, Mỹ là thị trường chiếm tỷ lệ tới 40% tổng doanh số xuất khẩu. Trước khi được phía Mỹ dỡ bỏ rào cản thuế, MPC đã từng được khuyến nghị phải chủ động tính bài linh hoạt dịch chuyển bớt tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường mới. Song thực tế việc dịch chuyển đó cần thời gian và chi phí làm thị trường rất lớn, cũng như sẽ không có, hoặc gần như không có thị trường nào có sức tiêu dùng lớn, hiệu quả như Mỹ - trừ thị trường Trung Quốc với lợi thế dân số.
Trên thị trường chứng khoán, ngay sau khi nhận thông tin tích cực này, cổ phiếu MPC đã có phiên tăng điểm ấn tượng, ngay trong ngày đầu tiên thị trường mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo đó, cổ phiếu MPC chốt phiên giao dịch ngày 17/2 đạt 31.900đ/cổ phiếu, tăng 3.900đ/cp, tương đương với 13,93% so với phiên giao dịch ngày 5/2. Thanh khoản phiên giao dịch này cũng tăng cao với 379,430 đơn vị cổ phiếu được giao dịch, đây là thanh khoản cao nhất trong vòng 4 tháng qua của MPC.
Giới phân tích chứng khoán nhận định, cổ phiếu MPC đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá và với thông tin tích cực này, cổ phiếu MPC có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong trung hạn. Bên cạnh đó, MPC cũng như các doanh nghiệp thủy sản nói chung cũng còn được hưởng lợi thế từ các Hiệp định FTA có hiệu lực, chủ chốt là EVFTA với khu vực châu Âu.
Dù vậy vẫn còn rất sớm để nói rằng MPC có thể trở lại thời hoàng kim. Sự trồi sụt của doanh nghiệp những năm tháng qua, việc "ngoi lên" tại UPCoM sau khi rời HoSE và việc xây lại chuỗi nuôi trồng - sản xuất - chế biến và cung ứng bền vững của MPC, vẫn cần thời gian và khả năng ứng phó trước những biến động khó lường của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các hàng rào thuế quan khác...
Có thể bạn quan tâm