Toyota Việt Nam đặt ra mục tiêu hàng đầu là đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam
>>"Bắt tay" cải thiện vị thế ngành công nghiệp hỗ trợ
Ngày 4/7/2023, Công ty Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã ký kết Biên bản ghi nhớ Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Lễ ký kết đánh dấu năm thứ tư Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) thực hiện Dự án này, nhằm nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ô tô. Điều này thể hiện nỗ lực của Toyota Việt Nam trong việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hỗ trợ các nhà cung cấp Việt, cam kết đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung.
Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô bao gồm các hoạt động chính: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota. Tham gia đào tạo theo một số chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam. Thực hiện chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô theo chiều sâu bằng cách cử chuyên gia tới làm việc cụ thể và định kỳ tại doanh nghiệp, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cải tiến.
Đặc biệt, trong năm nay, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp sẽ triển khai mở rộng chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp thuần Việt. Theo đó, các nhà cung cấp đã được hỗ trợ trước đó sẽ đóng vai trò là doanh nghiệp nòng cốt, hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của Toyota để tiếp tục triển khai nhân rộng những kiến thức đã được Toyota đào tạo để lan tỏa sự hỗ trợ tích cực tới các doanh nghiệp mới, qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Sau ba năm triển khai, Dự án đã đạt nhiều kết quả đáng kể như tổ chức được các khóa đào tạo về nâng cao hiệu quả công việc cho hơn 60 nhà cung cấp mới; Tổ chức các chuyến đi đến nhà cung cấp của Toyota và các buổi tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong việc phát triển nhà cung cấp; Hỗ trợ thành công 2 nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn 5S mức 3 và từng bước hỗ trợ họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thông qua các hoạt động hợp tác với Bộ Công Thương,
Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá “Các chương trình hợp tác này đã và đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và sự hưởng ứng, học tập kinh nghiệm từ các doanh nghiệp quốc tế khác.” Thứ trưởng cũng khẳng định việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác thông qua biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng và hành động thiết thực nhất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Tiền Quốc Hào, Phó Giám đốc điều hành Toyota khu vực châu Á, cũng đánh giá cao những kết quả đạt được của Dự án này và khẳng định Toyota Việt Nam đã đặt ra mục tiêu hàng đầu là đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Đứng cuối “đồ thị nụ cười”, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần thêm lực đẩy
04:30, 05/04/2023
Đào tạo nhân lực công nghiệp hỗ trợ
23:20, 24/03/2023
Cải thiện chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
20:47, 29/01/2023
"Khơi thông" ngành công nghiệp hỗ trợ
03:00, 26/11/2022
Nhiều “điểm nghẽn” phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Đà Nẵng
01:00, 07/11/2022