Nhằm giải quyết tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, Trung tâm Chống ngập TP HCM vừa có kiến nghị UBND TP thực hiện dự án Xây dựng hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ crosswave.
Theo kiến nghị, Trung tâm Chống ngập TP tổ chức khảo sát hiện trường và cùng các đơn vị tư vấn xây dựng phương án xây dựng hồ điều tiết ngầm thực hiện tại 5 vị trí: Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Công viên Làng Hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), Công viên Trần Thiện Chánh (quận 10), dải phân cách đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), khuôn viên cây xanh Công an phường 25 và vỉa hè hẻm 48 đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Các hồ điều tiết này có quy mô từ 1.500 - 20.000 m3 cùng các trạm bơm và hệ thống thu gom có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 475 tỉ đồng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP HCM, cho biết kiến nghị trên dựa theo kết quả thí điểm hồ điều tiết ngầm trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức) được xây dựng hồi tháng 8/2017. Cũng theo ông Dũng, hồ điều tiết bằng công nghệ crosswave có ưu điểm là tỉ lệ chứa nước cao (95% dung tích hồ chứa), tiết kiệm thời gian thi công, chịu được tải trọng lớn (xe 25 tấn lưu thông bên trên). Thời gian xây dựng loại hồ này ngắn, chủ yếu thực hiện bằng thủ công, không gây khó khăn cho giao thông, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các module crosswave có thể tái sử dụng và lắp đặt ở vị trí khác trong trường hợp phải di dời.
Sau thời gian thí điểm hồ điều tiết ngầm trên đường Võ Văn Ngân, Trung tâm Chống ngập TP đã tổ chức cuộc họp và được các thành viên dự họp đánh giá cao hiệu quả giảm ngập khi có hồ điều tiết. Cụ thể, trước khi lắp hồ, khu vực này thường xuyên ngập khi có mưa với vũ lượng từ 30 mm, chiều sâu ngập từ 10 đến 15 cm. Sau khi lắp hồ, những cơn mưa có vũ lượng từ 60 mm mới xuất hiện ngập nhưng giảm về số lần, chiều sâu và diện tích.
Có thể bạn quan tâm
12:36, 04/01/2019
05:10, 19/12/2018
11:41, 14/09/2018
Đánh giá về việc TP xây hồ điều tiết ngầm chống ngập, các chuyên gia đô thị đánh giá đây là hướng tiếp cận phù hợp với điều kiện thực tế của TP khi đô thị này đang phát sinh các điểm ngập mới.
PGS-TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP HCM, cho rằng nhiều dự án sử dụng dữ liệu đầu vào cũ, trong khi lượng mưa và triều cường ngày càng tăng lên nên dẫn đến đường cống thoát nước quá tải chỉ sau ít năm sử dụng. Để khắc phục tình trạng này, buộc phải sử dụng đến các hồ điều tiết (ngầm hoặc hở) để làm nơi trữ nước tạm thời, đến khi hết mưa thì bơm từ từ ra kênh rạch, đổ ra sông.
Cũng theo PGS Phi, đây là cách mà các TP lớn trên thế giới đã làm từ lâu, do đó, TP HCM cần mạnh dạn đẩy mạnh mô hình này để chống ngập, nhất là cho mùa mưa 2019 đã cận kề.
Liên quan đến giải pháp chống ngập cho TP HCM, trước đó, TP HCM dự kiến sẽ chi hơn 7.600 tỷ đồng để thực hiện các dự án chống ngập theo Chương trình "Giảm ngập nước" năm 2019 của UBND TP.
Cụ thể, TP sẽ cho thực hiện đầu tư 218 dự án trong năm 2019. Trong đó, có 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 4.900 tỷ đồng; 47 dự án khởi công mới với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng; 94 dự án chuẩn bị đầu tư với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng.
Ngoài ra TP HCM cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện 7 dự án để giải quyết 9 điểm ngập do mưa. Đó là dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Mai Thị Lựu, quận 1; nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7); cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý (quận Tân Phú); cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (quận Tân Bình); cải tạo hệ thống thoát nước đường Trương Công Định (quận Tân Bình)…