UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định về Kế hoạch Tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo.
>>>Đề xuất bố trí ngân sách Trung ương thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu di dời hàng ngàn căn nhà trên và ven kênh, rạch cũng như cải tạo, sửa chữa và xây mới hàng trăm chung cư, đồng thời xây dựng phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.
Đối với nhà trên và ven kênh, rạch, UBND TP.HCM đặt mục tiêu sẽ hoành thành bồi thường, di dời 6.500 căn, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 19.280 tỷ đồng. Thành phố tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, cải thiện môi trường, vừa di dời nhà trên và ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị.
Đối với những dự án sử dụng vốn ngân sách được chia làm 3 nhóm, cụ thể: Nhóm 1 sẽ di dời 3.220 căn với tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỷ đồng; Nhóm 2 gồm 14 dự án đã triển khai xong các bước chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2016 – 2020. Tổng vốn đầu tư dự kiến 5.543 tỷ đồng, di dời 3.250 căn; Nhóm 3 gồm 30 dự án đang thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến 10.362 tỷ đồng, quy mô 7.282 căn.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, TP.HCM tập trung hoàn tất các thủ tục chuẩn bị để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện 6 dự án với quy mô 6.630 căn, trong đó trọng tâm là dự án bờ Nam kênh Đôi với quy mô 5.055 căn.
Ngoài việc thực hiện di dời và cải tạo nhà ở trên và ven kênh, rạch, TP.HCM cũng có kế hoạch tập trung hoàn tất việc đầu tư xây dựng mới 6 chung cư cấp D đã thực hiện di dời, tháo dỡ trong giai đoạn 2016 – 2020. Hoàn tất việc di dời, tháo dỡ đối với 8 chung cư cấp D chưa thực hiện di dời hoặc di dời dở dang trong giai đoạn 2016 - 2020.
Bên cạnh đó, Thành phố sẽ cải tạo, sửa chữa 246 chung cư cấp B, C (66 chung cư cấp C và 180 chung cư cấp B) còn lại của giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Ngoài ra, UBND TP.HCM sẽ tiếp tục chỉnh trang đô thị thông qua đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đầu tư xây dựng đồng bộ tuyến đường, hẻm gồm nâng cấp hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, thoát nước mưa và nước thải, đèn chiếu sáng công cộng cho hẻm, trụ cứu hỏa, phòng cháy chữa cháy, thu gom rác thải. Thành phố cũng sẽ nâng cấp các khu dân cư lụp xụp, các khu dân cư thu nhập thấp theo các dự án nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cải thiện vệ sinh môi trường.
>>>TP HCM: Chấp thuận đề xuất dự án đường trên cao theo hình thức PPP
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đưa Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị là 1 trong 7 chương trình đột phá, trọng điểm của TP.HCM. Mục tiêu của lãnh đạo Thành phố đặt ra khi đó là đến năm 2020 sẽ hoàn tất việc di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân tại 20.000 căn nhà đang tồn tại trên và ven kênh, rạch.
Để giải quyết mục tiêu trên, Thành phố dự kiến thực hiện 65 dự án với tổng kinh phí ước tính hơn 44.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách là 22.000 tỷ đồng, vốn xã hội hóa bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) khoảng 19.000 tỷ đồng. Số vốn còn lại từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên đến hết năm 2020, Thành phố mới di dời được gần 2.400 căn, đạt tỷ lệ 12,4%.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, mặc dù Thành phố đã có nhiều văn bản ủy quyền cho các quận, huyện chủ động thực hiện công tác di dời nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phần lớn các căn nhà có diện tích mặt đất rất nhỏ, phần còn lại cơi nới, lấn chiếm trên mặt nước.
Ngoài ra, việc di dời bằng vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ. Đặc biệt hình thức hợp tác công - tư hiện vẫn còn trục trặc, trong khi hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) hiện đã bị tạm dừng. Điều này khiến việc kêu gọi đầu tư khó khăn dù Thành phố đã nỗ lực rất lớn.
Tại Hội thảo Khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025" tổ chức hồi giữa tháng 10 vừa qua, TS. Dư Phước Tân – Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 5 năm từ 2015 – 2020, Thành phố mới chỉ di dời được khoảng 2.400 căn nhà trên và ven kệnh, rạch, trong tổng số hơn 20.000 căn, đạt tỷ lệ 12,4%.
Về nguyên nhân, TS. Dư Phước Tân cho rằng, do ngân sách của Thành phố hiện nay rất eo hẹp, nên việc bố trí ngân sách cho việc thực hiện di dời gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc thực hiện còn chậm so với kế hoạch đặt ra. Theo TS. Tân, trong giai đoạn từ năm 1993 - 1995, ngân sách của Thành phố còn dồi dào, do tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương để lại cho Thành phố là 33%.
“Tuy nhiên, những năm sau đó, tỷ lệ này giảm xuống còn 28%, 23% và 18% như hiện nay. Do đó, vấn đề giải quyết nhà ở trên và ven kênh, rạch của Thành phố phải thực hiện theo phương án xã hội hóa. Nhưng, khi thực hiện xã hội hóa thì lại gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là vấn đề sử dụng đất 2 bên để khai thác bù cho chi phí tái định cư”, TS. Dư Phước Tân cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất bố trí ngân sách Trung ương thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP.HCM
01:00, 25/11/2021
TP.HCM: 6 chiến lược lớn kiểm soát dịch COVID-19
00:09, 25/11/2021
TP.HCM tăng cường kiểm soát di biến động dân cư
10:36, 24/11/2021
TP.HCM: Nhiều thay đổi trong hướng dẫn chăm sóc F0 cách ly tại nhà
01:16, 24/11/2021
TP.HCM: Vì sao số ca tử vong có chiều hướng tăng?
11:36, 23/11/2021