TP.HCM kết nối phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL

THÙY LINH 20/05/2022 12:51

Với chủ đề “Hợp tác và Hành động”, Diễn đàn kết nối du lịch giữa TP. HCM và 13 tỉnh ĐBSCL lần thứ hai năm 2022 vừa diễn ra tại Đồng Tháp vào sáng ngày 20/5.

>> Đặc sắc Chương trình khai mạc Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ I

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp luôn kỳ vọng vào sự liên kết giữa các địa phương và đi cùng nhau để phát triển

Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp luôn kỳ vọng vào sự liên kết giữa các địa phương và đi cùng nhau để phát triển.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định, diễn đàn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển du lịch địa phương. Trong bối cảnh ngành du lịch cả nước đang nỗ lực phục hồi và đạt được một số kết quả khá ấn tượng trong thời gian gần đây, tỉnh Đồng Tháp đăng cai tổ chức diễn đàn này một lần nữa khẳng định quyết tâm của các địa phương trong nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương của Chính phủ đã đề ra.

Đồng Tháp mong muốn thông qua hoạt động lần này, tỉnh sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư, liên kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước, nhất là TP. HCM và các địa phương vùng ĐBSCL. Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết, hợp tác phát triển du lịch liên vùng ngày càng bền chặt, hiệu quả...

Để ngành du lịch bứt phá và trở thành nền kinh tế trọng yếu, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất hình thành 3 trục phát triển giữa ĐBSCL, TP. HCM và các tỉnh miền Đông. Đồng thời giữa TP. HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần đẩy mạnh kết nối và hợp tác sâu rộng hơn nữa để cùng nhau đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chuyên gia du lịch góp ý giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp

Chuyên gia góp ý giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL.

Tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch thẳng thắn chỉ ra một số “điểm nghẽn” khiến ngành du lịch các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa tạo được đột phá lớn. Cụ thể là hạ tầng giao thông của các tỉnh khu vực ĐBSCL chưa được đầu tư đồng bộ, thông suốt, thuận tiện cho khách du lịch. Bên cạnh đó, việc khai thác sản phẩm du lịch tương đồng, trùng lắp giữa các tỉnh...

Do đó, các chuyên gia đề nghị, để du lịch  ĐBSCL phát triển bền vững, các tỉnh  cần phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo và sáng tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mang nét đặt trưng của từng địa phương. Đồng thời, các tỉnh cần xem phát triển du lịch là một chiến lược lâu dài để có những đầu tư đúng mức, xây dựng các chính sách khuyến khích chủ thể đầu tư phát triển du lịch để ngành công nghiệp không khói trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển khu vực nông thôn...

Theo ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP. HCM, du lịch nông nghiệp là một trong những sản phẩm được ưu tiên phát triển tại nhiều nước trên thế giới. Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch mới mà còn thúc đẩy phát triển nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tự nhiên, môi trường, kỹ năng bảo tồn đa dạng sinh học; thúc đẩy sự phát triển nông thôn thông qua việc nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, vệ sinh môi trường, tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao dân trí. 

Du lịch ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay với lợi thế đặc trưng cây lúa, con cá, trái cây và gắn với hệ sinh thái nông nghiệp

Du lịch ĐBSCL trong giai đoạn hiện nay với lợi thế đặc trưng cây lúa, con cá, trái cây và gắn với hệ sinh thái nông nghiệp.

Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp ĐBSCL và TP.HCM trong bối cảnh mới, các địa phương cần tập trung nâng cấp và phát triển hạ tầng giao thông rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương; chú trọng đầu tư các trạm dừng chân đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nhằm tạo động lực để doanh nghiệp hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng kết hợp quảng bá sản phẩm và đặc sản nông nghiệp của địa phương.

Chính sách kích cầu đầu tư, trong đó có hỗ trợ lãi vay cho các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển du lịch sinh thái, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo chất lượng và nguồn cung ổn định là rất cần thiêt.

Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch nông nghiệp đa dạng, độc đáo, chất lượng cao với các nhóm sản phẩm trọng tâm gồm du lịch giáo dục dành cho học sinh, thanh thiếu niên theo hướng du lịch kết hợp tìm hiểu nông nghiệp và sự đa dạng sinh vật, bảo vệ môi trường; du lịch phục hồi sức khỏe với các sản phẩm nghỉ dưỡng trong lòng thiên nhiên kết hợp với thưởng thức ẩm thực và văn hóa địa phương; du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và các ngành nghề truyền thống của người dân địa phương.

Song song đó, phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tính cạnh tranh và xây dựng thương hiệu cho từng địa phương cũng như thương hiệu chung của cả vùng.

Du lich ĐồngTháp

Chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị mới thông qua trải nghiệm du lịch.

Đánh giá cao chủ đề của diễn đàn, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, với lợi thế đặc trưng cây lúa, con cá, trái cây của vùng ĐBSCL gắn với hệ sinh thái nông nghiệp, và sự kết nối dẫn dắt của TP.HCM, chúng tôi tin tưởng rằng du lịch ĐBSCL sẽ tìm được lời giải, hướng đi phát huy du lịch vùng.

Những năm gần đây kể từ khi có chương trình hợp tác giữa TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL đã mở ra rất nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển du lịch vùng ĐBSCL nói chung và du lịch nông nghiệp ĐBSCL nói riêng. 3 khía cạnh nổi trội của nông nghiệp gồm: lúa, trái cây, con cá, chính là những sản phẩm đặc trưng của vùng và câu chuyện liên kết giữa 13 tỉnh nên cần tập trung vào nhóm này. Khi làm rõ được chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị mới thông qua trải nghiệm du lịch và thông qua sự hiện diện của khách du lịch trong tất cả các khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

“Chúng ta thấy rằng trong chế biến ngành nông nghiệp đang có rất nhiều đổi mới và những sáng kiến về phát triển du lịch nông nghiệp cũng với các hoạt động chế biến, tiêu thụ, tiêu dùng nhưng đặc trưng nhất là ẩm thực du lịch. Văn hóa ẩm thực, hoạt động du lịch ẩm thực và tại diễn đàn Đồng Tháp năm 2022. Chúng ta chứng kiến việc công bố kỷ lục 200 món ăn từ sen. Đây là minh chứng tiêu biểu điển hình phát huy giá trị của nông nghiệp”, ông Siêu nhận định.

Theo ông Phan Đình Huê - Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL, Chủ tịch Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt cho rằng, xu hướng du lịch hậu COVID-19 được dự báo trước đây và nay đang trở thành hiện thực, đó là khách nội địa tập trung đi du lịch trong nước với các điểm đến nhiều yếu tố thiên nhiên, là cơ hội lớn cho du lịch nông nghiệp ĐBSCL. Bên cạnh đó, việc phát triển loại hình du lịch này, cũng là tạo ra sản phẩm mới có tính sáng tạo cho các doanh nghiệp du lịch TP.HCM.

Do đó việc liên kết giữa TP. HCM là nơi có năng lực về chuyên môn, vốn và thị trường, với vùng ĐBSCL giàu tài nguyên thiên nhiên, là việc làm cần được thúc đẩy trong thời gian tới. Để việc liên kết này trở thành hiện thực, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai và thuế cho các nhà đầu tư. Trong đó quan trọng nhất là cho phép xây dựng các cơ sở lưu trú nhỏ, thân thiện với môi trường ở các trang trại nông nghiệp để đón khách du lịch, cần được tính đến, ông Huê đóng góp.

Bên cạnh các điểm nghẽn du lịch, các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp nêu một số giải pháp để phát triển du lịch nông nghiệp, đó là cải thiện về giao thông nhằm rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc tốt khách hàng, quan tâm đến vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển du lịch, chú trọng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng từng địa phương và quảng bá sản phẩm tốt hơn nữa, cập nhật thường xuyên thông tin về điểm đến du lịch lên môi trường mạng ...

Có thể bạn quan tâm

  • Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp

    Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp

    20:26, 20/05/2022

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Cân bằng cán cân trực tuyến

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Cân bằng cán cân trực tuyến

    11:00, 20/05/2022

  • “Đòn bẩy” du lịch nông nghiệp Đà Nẵng

    “Đòn bẩy” du lịch nông nghiệp Đà Nẵng

    06:06, 20/05/2022

  • CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Con đường tất yếu

    CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH DU LỊCH: Con đường tất yếu

    04:00, 20/05/2022

  • Động lực mới cho ngành du lịch

    Động lực mới cho ngành du lịch

    22:45, 19/05/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP.HCM kết nối phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO