Sau khi DĐDN đăng bài “Vì sao suốt 2 năm TP HCM không kêu gọi được đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại”, một doanh nghiệp xung phong được đầu tư nhà máy xử lý rác cho TP theo hình thức PPP.
Trao đổi với DĐDN liên quan tới thông tin “TP HCM suốt 2 năm không thể kêu gọi được nhà máy xử lý rác hiện đại”, đại diện Công ty Huy Ngọc Hưng, cho biết, đơn vị này sẵn sàng đầu tư một nhà máy xử lý rác hiện đại cho TP HCM, với tổng giá trị khoảng hơn 60 triệu USD và có thể đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, xuất phát từ những chia sẻ của địa phương trong vấn đề hạn hẹp nguồn ngân sách, bên cạnh đó là “những bức xúc của xã hội liên quan tới công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt”, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại (có thể phát điện, giảm thiểu tro sỉ sau khi xử lý, phân loại rác tối ưu...), với công suất hơn 1000 tấn/ngày/đêm, nếu UBND TP HCM đồng ý.
Theo doanh nghiệp này, trên thực tế, để xử lý triệt để rác thải của Việt Nam là rất khó và khá nan giải. Bởi, nếu chỉ tính riêng vấn đề thu gom rác thải từ đầu nguồn như: Từ các hộ gia đình, nhà máy… công đoạn phân loại rác đã khá phức tạp và tốn kém, nhưng đổi lại vẫn không thể xử lý triệt để được vấn đề này. Thực tế, hầu hết các nhà máy xử lý chất thải rắn tại Việt Nam, đều không có bất cứ một công nghệ nào phân loại được rác thải rắn sinh hoạt, đa số vẫn là thủ công (con người), và các nhà máy chỉ dừng lại ở việt đốt và chôn lấp. Trong khi, diện tích đất để cấp cho các nhà máy này lại quá lớn, bên cạnh đó là những mùi hôi thối, tình trạng quá tải bãi chôn lấp kéo theo nhiều hệ lụy mà dư luận đã phàn ánh trong thời gian qua.
"Vì vậy, trong điều kiện rác thải phức tạp như ở nước ta thì việc lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt là điều quan trọng. Tuy nhiên, không phải là cứ hiện đại, cứ tiên tiến, nhiều tiền là tốt, mà quan trọng nhất là “phải phù hợp với tình hình tực tế về rác thải của Việt Nam”- đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Có thể bạn quan tâm
12:15, 21/07/2019
00:03, 17/07/2019
01:18, 09/07/2019
00:05, 09/07/2019
05:09, 05/07/2019
Như DĐDN đã thông tin trước đó, sáng 19/7, tại cuộc họp về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đề cập việc cải tiến công nghệ xử lý rác để giảm ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong tỏ ra lo lắng và sốt ruột khi thành phố mất 2 năm kêu gọi đầu tư nhưng chưa có nhà máy xử lý rác hiện đại.
Dẫn chứng về vấn đề xử lý rác thải, Chủ tịch TP cho biết, thành phố Cần Thơ có nhà máy rác công nghệ đốt phát điện do nhà đầu tư Hong Kong thực hiện. Theo ông Phong "người ta đâu nói nhiều mà thực tế đã làm được rồi. Trước những vẫn đề nêu trên, ông Phong yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường làm việc với các nhà máy xử lý rác tại thành phố buộc sử dụng công nghệ mới, giảm ô nhiễm, nếu không đình chỉ hoạt động. "Cư dân Phú Mỹ Hưng tiếp tục phản ánh về mùi hôi ở Đa Phước, các cán bộ lão thành cũng phản ánh mùi hôi ở các bãi rác huyện Củ Chi, do đó, phải quyết liệt giải quyết vấn đề này" - ông nói.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, hiện 3 nhà máy xử lý rác cho thành phố với tổng công suất hơn 8.000 tấn mỗi ngày. Trong đó, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Đa Phước) xử lý 5.000 tấn bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh; nhà máy Tâm Sinh Nghĩa và VietStar (huyện Củ Chi) xử lý hơn 3.000 tấn bằng cách đốt (không phát điện) và làm phân combot (tỷ lệ tro sỉ loại ra còn tương đối lớn).