TP.HCM sẽ khởi động nhiều công trình giao thông trọng điểm trong năm 2022

ĐÌNH ĐẠI 18/01/2022 18:20

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) năm 2021, phát động ra quân thực hiện năm ATGT 2022 mới đây.

>>>TP.HCM đề xuất đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường Vành đai 3

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, TP.HCM tiếp tục ưu tiên nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Năm 2022, sẽ khép Vành đai 2, chuẩn bị pháp lý khởi động đầu tư Vành đai 3, chuẩn bị triển khai Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài… Đi liền với đó là tổ chức lại giao thông công cộng, cụ thể là khẩn trương hoàn thành cơ bản tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, khởi công Metro 2; giải quyết các điểm ùn tắc giao thông ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại Hội nghị.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, khối lượng công việc rất lớn, rất cần sự tham gia từ xã hội. Đồng thời nhấn mạnh đến cơ chế chính sách huy động sự tham gia của xã hội trong phát triển các tuyến xe buýt, bãi đậu xe, đường trên cao…

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM lưu ý, các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng không nên chờ TP.HCM mà dựa trên quy hoạch, cần năng động động tìm kiếm giải pháp, huy động nguồn lực xã hội tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.  

Nhấn mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ hướng đến xây dựng giao thông thông minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo, phải tập trung hoàn thiện và phát huy vai trò Trung tâm điều hành giao thông thông minh TP.HCM.

Một việc rất quan trọng trong đảm bảo ATGT được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi lưu ý là ngành giao thông và các ngành liên quan cần tham gia cập nhật, điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư như thế nào đảm bảo giao thông đi kèm tương ứng để phục vụ cho sự phát triển của TP.HCM.

Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, ngành giao thông đóng vai trò rất lớn trong quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế của TP.HCM trong năm qua. Đối với đô thị lớn có mật độ giao thông rất cao như TP.HCM, việc thành công kéo giảm tai nạn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong nhiệm kỳ 5 năm 2015 - 2019 cũng như trong năm 2021 là nỗ lực rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong quá trình phòng, chống dịch, ngành giao thông đã rất nhanh nhạy, linh động, tổ chức nhiều giải pháp hiệu quả đảm bảo lưu thông hàng hóa, lưu thông phương tiện, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

>>>Đưa đường sắt cao tốc Cần Thơ-TP HCM vào chính sách đặc thù của Cần Thơ

Theo ông Mãi, việc giảm sâu cả ba mặt tai nạn giao thông trong năm 2021 cần được đánh giá cụ thể. Về nguyên nhân, vừa có nguyên nhân khách quan là do dịch, vừa có nguyên nhân chủ quan nhờ ý thức người tham gia giao thông và nỗ lực của lực lượng chức năng.

TP.HCM sẽ khép kím đường vành đai 2 trong năm 2022.

TP.HCM sẽ khép kím đường vành đai 2 trong năm 2022.

"Nhân việc phục hồi sau giãn cách, ngành giao thông cần phân tích, mổ xẻ từng nguyên để phát huy những điểm tích cực, đồng thời rút kinh nghiệm chỉ rõ những bất cập để tổ chức lại việc điều tiết, đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố thông minh", Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Đề cập một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi lưu ý đến mục tiêu giảm từ 5-10% trên cả 3 mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT). Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cùng với phấn đấu giảm về số lượng thì phải chú ý cải thiện về chất lượng. Ví dụ, số vụ TNGT nghiêm trọng, số vụ đua xe có tổ chức phải được rà soát, nắm tình hình, phòng ngừa để ngăn chặn, giảm số vụ xảy ra. Tương tự, cũng cần xác định các “điểm đen” về TNGT, nhận diện rõ các yếu tố tiềm ẩn và có giải pháp chuyển hóa để giảm xảy ra TNGT, nhất là TNGT nghiêm trọng.

Bên cạnh giao thông đường bộ, người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng nhắc các ngành các cấp, các quận, huyện và TP Thủ Đức tùy theo tính chất địa bàn, cần bổ sung các giải pháp đảm bảo ATGT đường thủy, hàng hải. Cần tính toán tới việc phát triển hạ tầng giao thông đường thủy nhằm phát huy lợi thế của TP.HCM, chia sẻ áp lực với giao thông đường bộ và làm tiền đề để phát triển một số ngành dịch vụ khác như du lịch.

Theo tổng kết của Ban An toàn giao thông TP.HCM, Trong năm 2021, tình hình tai nạn giao thông được kéo giảm trên cả ba mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương. Cụ thể, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 1.784 vụ tai nạn giao thông, làm chết 477 người, 1.042 người bị thương. So với cùng kỳ 2020, giảm 1.146 vụ (-39,1%); giảm 70 người chết (-12,8%) và giảm 993 người bị thương (-8,8%). Đây là mức giảm sâu nhất trong lịch sử thành phố.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM: Khu phố nhộn nhịp vào Xuân

    TP.HCM: Khu phố nhộn nhịp vào Xuân

    05:00, 18/01/2022

  • TP.HCM dừng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến từ ngày 19/1

    TP.HCM dừng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến từ ngày 19/1

    12:27, 15/01/2022

  • Căn hộ vừa túi tiền sẽ bùng nổ ở các đô thị vệ tinh TP.HCM?

    Căn hộ vừa túi tiền sẽ bùng nổ ở các đô thị vệ tinh TP.HCM?

    03:00, 13/01/2022

  • TP.HCM đề xuất đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường Vành đai 3

    TP.HCM đề xuất đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường Vành đai 3

    10:43, 11/01/2022

  • TP.HCM: 900 tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo

    TP.HCM: 900 tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo

    11:42, 09/01/2022

  • TP.HCM tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

    TP.HCM tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh

    20:36, 08/01/2022

  • TP.HCM: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số thần tốc

    TP.HCM: Không để ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi số thần tốc

    13:01, 08/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP.HCM sẽ khởi động nhiều công trình giao thông trọng điểm trong năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO