Trong năm 2021, TP.HCM đặt mục tiêu thu hút 5,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng trong TOP 5 của cả nước.
Đây là 1 trong 8 mục tiêu được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM (KHĐT) trình lãnh đạo TP.HCM phê duyệt cho năm 2021. Theo đó, ngoài mục tiêu thu hút 5,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các mục tiêu khác còn lại bao gồm: lập mới hơn 40.000 doanh nghiệp; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc TOP 5 cả nước; tỷ lệ hài lòng của người dân đạt trên 91%; giải quyết, xử lý tất cả các phản ánh của người dân; 98% hồ sơ được xử lý đúng hạn; toàn bộ văn bản, tài liệu, trao đổi công việc giữa các cơ quan hành chính xử lý bằng điện tử; 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống điện tử trong công việc.
Năm 2020, TP. HCM dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với gần 4,4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này hiện giảm 47,5% so với năm 2019. Nếu hoàn thành mục tiêu trên, TP.HCM sẽ tăng thêm 1 tỷ USD vốn đầu tư FDI.
Theo Sở KHĐT, trong 2 tháng đầu năm 2021, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, TP.HCM thu hút được 337,76 triệu USD, giảm 29,71% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 3 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 115,04 triệu USD (giảm 98,39% số dự án cấp mới và tăng 38,1% vốn đầu tư so với cùng kỳ).
Đồng thời, có 22 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 53,28 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn). TP.HCM cũng chấp thuận cho 168 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 169,45 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của Thành phố năm 2020 chỉ đạt 1,39%. Năm 2021, TP.HCM bắt đầu thực hiện các đề án để cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố lần thứ XI với chủ đề “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Do đó, Thành phố phải có những biện pháp quyết liệt, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để huy động nguồn lực tốt hơn.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chỉ ra điểm ngẽn lớn nhất của vấn đề này chính là thủ tục đăng ký đầu tư, kinh doanh. Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng, cải thiện môi trường đầu tư là một mệnh lệnh và vai trò của Sở KHĐT Thành phố có ý nghĩa quyết định.
“Trong 5 năm qua, Thành phố chưa có thêm khu công nghiệp mới nào, khi nhà đầu tư muốn thì họ đầu tư vào đâu? Sở Kế hoạch và Đầu tư cần rà soát lại toàn bộ khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn và làm rõ còn bao nhiêu khu vực, dự án có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Sở cần có giải pháp cụ thể nhằm dẫn dắt kinh tế Thành phố chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, hạn chế thấp nhất các ngành sử dụng nhiều lao động”. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Liên quan đến việc cho phép mở cửa trở lại tất cả các loại hình kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, cần phải chờ thêm một thời gian xem xét tính an toàn rồi mới tính tiếp, đặc biệt là những hoạt động trong phòng kín. Quan điểm của ban lãnh đạo TP hiện tại là các hoạt động trong không gian kín chưa được mở cửa. Những cơ sở đã được cho mở lại hiện tại thuộc các lĩnh vực không thuộc nhóm trên và có ít khả năng lây nhiễm dịch bệnh hơn. Thành phố cần theo dõi tình hình diễn biến dịch COVID-19 chung cả nước, các tỉnh, thành lân cận và diễn biến dịch tại Thành phố trước khi quyết định mở cửa lại các hoạt động, dịch vụ còn lại.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, thẩm mỹ viện, karaoke, vũ trường, quán nhậu, quán bar, pub, beer club, massage, xông hơi, các điểm kinh doanh trò chơi điện tử; các trung tâm tiệc cưới; phòng trà, sân khấu - kịch, rạp chiếu phim, các cơ sở kinh doanh thể thao, yoga, phòng tập gym, bida và dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo và các hoạt động từ 20 người trở lên ở các cơ sở tôn giáo, thờ tự.
Đến ngày 25/2, UBND TP.HCM có công văn chỉ đạo từ ngày 1/3 cho phép hoạt động trở lại một số dịch vụ không thiết yếu, trừ các lĩnh vực như vũ trường, quán bar, Karaoke, Pub, Beer club, các cơ sở hoạt động thể thao trong không gian kín.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: 2 tháng đầu năm có 3.800 doanh nghiệp hoạt động trở lại
15:10, 02/03/2021
Công an TP.HCM tìm nạn nhân của nhiều dự án ma
04:00, 02/03/2021
TP.HCM: Sẽ miễn phí 11 nhóm xe khi qua Trạm BOT xa lộ Hà Nội
13:25, 25/02/2021
TP.HCM nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19
14:00, 20/02/2021
TP.HCM: Bấm nút khởi động thi công lắp đặt cáp điện cho tuyến metro số 1
11:54, 19/02/2021