TP HCM sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp lớn của Đông Nam Á

NGỌC TÚ (tổng hợp) 05/05/2021 04:26

TP HCM đã và đang phấn đấu trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của Đông Nam Á bởi nhiều lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Vừa qua, TP HCM đã xây dựng và hình thành không gian hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Saigon Innovation Hub - SIHUB) với diện tích 2.000 m2. Không gian này đủ điều kiện hỗ trợ thành lập và hoạt động cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khoa học - công nghệ, đánh dấu sự tham gia của nhà nước trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua đó, TP kịp thời nắm bắt được những nhu cầu của cộng đồng, xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển. Với quyết tâm TP HCM đang đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ tại các trường đại học, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, góp phần xây dựng nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Từ vị thế dẫn đầu trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP HCM thúc đẩy hình thành các hệ sinh thái tại các tỉnh, thành trong khu vực cũng như liên kết vùng.

Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á... Bên cạnh đó, TP HCM hiện đã trở thành điểm sáng về khởi nghiệp với trên 438.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, chiếm 32% cả nước, đóng góp 54% quy mô nền kinh tế và 67% tổng vốn đầu tư toàn xã hội...

Theo báo cáo thống kê, hiện hơn 97% doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên nguồn lực còn yếu, việc đầu tư cho ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo rất hạn chế. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ, sức mạnh của hơn 438.000 doanh nghiệp chưa được phát huy hết, nhất là sự sáng tạo trong doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các trường đại học đầu tư phần lớn nguồn lực cho hoạt động đào tạo, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm cũng hạn chế; hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa gắn với thị trường. Thực tế này đòi hỏi TP HCM phải đẩy mạnh hơn hoạt động đổi mới sáng tạo, hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, để startup và doanh nghiệp thực sự phát triển bền vững, bản thân chủ doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc, cần có những kiến thức nhất định và cần tạo ra sự đa dạng, những giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp. Người chủ doanh nghiệp cần tri thức để xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, theo đuổi những giá trị đích thực khi bắt đầu khởi nghiệp. Đó là cần xác định rõ chiến lược, xác định mô hình kinh doanh; mô hình hoạt động phù hợp với định hướng và mô hình kinh doanh; xây dựng cơ cấu tổ chức, từng bước sắp xếp - xây dựng văn hóa làm việc và thực hiện.

TP HCM cần phát triển hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm và thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; truyền thông khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nguồn lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện nay có khoảng gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, trong đó có khoảng 20 quỹ nội. Việt Nam cũng ghi nhận sự xuất hiện của startup kỳ lân thứ hai, là Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPAY được định giá hơn 1 tỷ USD và khoảng 10 startup có định giá trên 100 triệu USD.

Trước đó, quyết định ban hành Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” của Chính phủ phê duyệt từ năm 2016 đã đề cập đến đề tài này với mục đích từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững và phát triển. Mới đây, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 188 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844 nói trên, theo đó, bổ sung mục tiêu xây dựng hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo hỗ trợ nghiên cứu phát triển, khởi nghiệp sáng tạo phải cạnh tranh được với khu vực và quốc tế. Trong đó, có 3 trung tâm cấp quốc gia đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Trong Quyết định 188 sửa đổi, Chính phủ cũng đưa ra tầm nhìn đến năm 2025 có ít nhất 5 hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có uy tín trên thế giới và đến năm 2030, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia phải xếp hạng 15 trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới nổi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Có thể bạn quan tâm

  • Tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp

    Tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp

    09:38, 01/05/2021

  • Ra mắt Quỹ đầu tư Touchstone Partners - nhân tố mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt

    Ra mắt Quỹ đầu tư Touchstone Partners - nhân tố mới trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt

    04:29, 23/04/2021

  • 28-30/5: Chương trình: Diễn đàn cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương

    28-30/5: Chương trình: Diễn đàn cấp cao về xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương

    17:59, 09/04/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP HCM sẽ trở thành trung tâm khởi nghiệp lớn của Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO