Trong lúc người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn thì việc không đạt chỉ tiêu thu ngân sách không có gì bất ngờ. Song, địa phương phải rà soát, xem xét đến các khía cạnh cán bộ làm việc tránh né.
>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với TPHCM
Đó là nội dung được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, nhấn mạnh tại hội nghị lần thứ 21 của Thành ủy TP.Thủ Đức (TP.HCM), ngày 18/12/2023.
Hơn 200 dự án đầu tư chưa được bàn giao hạ tầng
Đáng chú ý, báo cáo tại hội nghị về các nguyên nhân không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức, cho biết năm 2023, TP.Thủ Đức được giao dự toán thu ngân sách 18.000 tỉ đồng. Tính đến ngày 15/12/2023, địa phương chỉ thu được 11.009 tỉ đồng và ước tính đến hết năm thu 11.578 tỉ đồng, tương đương hơn 64%.
Về nguyên nhân không đạt, ông Tùng cho rằng, thu ngân sách trên địa bàn giảm do nguồn thu từ đất và hoạt động kinh doanh bất động sản giảm. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều quận, huyện khác tại TP.HCM. Đây là năm thứ 2 liên tiếp TP.Thủ Đức không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, năm 2022 chỉ đạt 93% dự toán.
Về đầu tư công, tính đến ngày 15/12/2023, TP.Thủ Đức giải ngân khoảng 2.140 tỉ đồng (đạt 83%), ước tính đến hết năm sẽ trên 95%. Nếu tính chung cả dự án sử dụng nguồn vốn của TP.HCM, Thủ Đức chỉ giải ngân được 83% tổng kế hoạch vốn vào cuối năm.
Báo cáo về nhữn tồn đọng trong việc sử dụng vốn ngân sách, ông Lưu Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.Thủ Đức, cho biết: hiện nay có hơn 200 dự án đầu tư chưa được bàn giao hạ tầng. Và mặc dù đường sá, hệ thống thoát nước xuống cấp nhưng địa phương “không thể sử dụng vốn ngân sách” để cải tạo, sửa chữa, duy tu hạ tầng. Trong đó, nổi cộm là dự án đường Nguyễn Hoàng, khu tái định cư Bình Khánh...
Do đó, ông Tấn đề xuất cơ chế tiếp nhận một phần đối với các dự án đầu tư từ hàng chục năm trước, hạ tầng không được bàn giao đang bị hoang hóa, xuống cấp, còn vướng mắc về pháp lý để tiếp tục đầu tư, duy tu, sửa chữa phục vụ người dân.
Liên quan đến những tồn tại trong việc không đạt chỉ tiêu thu ngân sách, nhấn mạnh và chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng: “trong lúc người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn thì việc không đạt chỉ tiêu thu ngân sách không có gì bất ngờ”. Song, để bám sát những vấn đề này thì các địa phương phải rà soát, xem xét đến các khía cạnh cán bộ làm việc lừng khừng, tránh né, dẫn đến các đối tượng chây ì, gian lận trong việc nộp thuế.
"Bản thân tôi không đòi hỏi phải thu cho đủ bằng bất cứ giá nào khi đang có những khó khăn như thế. Nhưng, vấn đề quan trọng ở đây là các địa phương phải sát thực tế, không phải vì khó khăn chung rồi bỏ sót", ông Nên nói.
Đối với quản lý nhà nước về đô thị và trật tự xây dựng, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị TP.Thủ Đức tiếp tục phối hợp chặt chẽ, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên, huy động nguồn lực xã hội từ các cơ chế mới để xây dựng đô thị xanh sạch đẹp, văn minh, hiện đại.
Vì vậy ông Nên cho rằng: “muốn giải quyết được phải tìm được chìa khóa, bản chất vấn đề, nếu chỉ chạy theo hiện trạng là không được. Mỗi đồng chí cần suy nghĩ vấn đề và nghĩ ra cách để gỡ vướng mắc, mục đích cuối cùng là có cách giải quyết đúng cái người dân, TP đang cần".
>>TP.HCM: Đầu tư gần 4.000 tỉ đồng làm nút giao 3 tầng tại TP.Thủ Đức
Sẽ xử lý cán bộ làm việc lừng khừng, né tránh…
Về công tác kiểm tra, giám sát, ông Nên nêu lại bài học sương máu ở TP.Thủ Đức trong việc thực thi nhiệm vụ chính là: “chậm phát hiện, chậm uốn nắn các vi phạm, đến khi phát hiện thì thành vi phạm lớn, buộc phải xử lý và dẫn đến mất cán bộ”. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát phải thực hiện thường xuyên, liên tục để phát hiện và uốn nắn kịp thời.
Song song đó, ông Nên cũng lưu ý việc chấn chỉnh cán bộ, đảng viên làm việc lừng khừng, tránh né, đùn đẩy; đồng thời xem trách nhiệm người đứng đầu về phương pháp, cách làm, giao việc cho cấp dưới.
"E ngại, tránh né, không dám nghĩ, dám làm đồng nghĩa với việc không hoàn thành trách nhiệm, kéo theo sự trì trệ của bộ máy. Vì vậy, không thể để những cán bộ như thế tồn tại trong hệ thống chính trị", ông Nên yêu cầu.
Trước đó, liên quan đến những tồn tại trong công tác cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm… Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về những lí do khiến TP.HCM phải ban hành chỉ thị xuất phát từ kết quả đánh giá PAR-Index 2022 của Bộ Nội vụ, thì chỉ số cải cách thủ tục hành chính của TP.HCM mặc dù tăng 19 bậc, đứng thứ 2 trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, người dân và doanh nghiệp phản ánh là vẫn còn gặp khó khăn, phiền hà, chậm trễ khi làm hồ sơ, dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp, quy trình phối hợp nội bộ giữa các cơ quan còn rườm rà.
Do đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu người đứng đầu sở ngành, UBND các quận, huyện trực tiếp chỉ đạo, thực hiện quyết liệt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm phối hợp trong tham mưu, xử lý công việc. Người đứng đầu phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, cũng như xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng yêu cầu các đơn vị cần kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Trong trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.
Có thể bạn quan tâm
15:42, 14/11/2023
11:11, 22/05/2023
20:15, 20/03/2023
20:00, 16/08/2022
16:30, 10/08/2022