TP.HCM: Số F0 đang tăng và thực tế nhiều hơn số liệu đã thống kê

ĐÌNH ĐẠI 14/11/2021 01:05

Phát biểu tại cuộc họp giao ban về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận số lượng F0 trên địa bàn đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê.

>>>Vì sao đã tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 vẫn có khả năng tử vong?

F0 tăng do không còn thực hiện giãn cách

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, tình hình F0 hiện nay của Thành phố tương tự thời kỳ đầu thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM (ngày 19/6), khá giống tình trạng của Singapore giai đoạn tháng 7, tháng 8 cũng như xu hướng diễn biến của dịch bệnh của thế giới hiện nay. Nhiều nước dù có nền tảng y tế, độ bao phủ vắc xin cao nhưng khi mở cửa, nới lỏng giãn cách thì dịch bệnh lại bùng phát.

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận nếu để tình trạng F0 gia tăng, tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới là không ổn và đề nghị mỗi địa bàn phải triển khai biện pháp kéo giảm ở mức chấp nhận được - Ảnh: TTBC.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận nếu để tình trạng F0 gia tăng, tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới là không ổn và đề nghị mỗi địa bàn phải triển khai biện pháp kéo giảm ở mức chấp nhận được - Ảnh: TTBC.

Nguyên nhân chính dẫn đến số lượng F0 gia tăng được xác định là Thành phố không còn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội như trước. Việc tăng tiếp xúc trực tiếp trong cộng đồng đã dẫn đến việc lây nhiễm khó kiểm soát. Thống kê cho thấy, nguồn lây chủ yếu từ nguồn người lao động dịch chuyển về các khu công nghiệp, doanh nghiệp, lao động tự do hoạt động tại các chợ tự phát.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM đề nghị Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá; các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm. Đồng thời, ông cho rằng, bối cảnh dịch bệnh phức tạp nêu trên đặt ra 2 vấn đề phải suy nghĩ: thứ nhất là số lượng F0 có thể tăng đến mức độ nào và thứ hai là tỷ lệ tử vong có thể chấp nhận là bao nhiêu?

“So với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 10, hiện TP.HCM có tỷ lệ phủ vắc xin cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng, chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền Thành phố không được vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng. TP.HCM xác định mục bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; phục hồi đời sống, sinh hoạt của cộng đồng. Trong đó, việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân được đặt lên trên hết”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

>>>Phân bổ 10.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương cho phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng đề nghị tất cả quy định, Nghị quyết, Chỉ thị, chủ trương, chính sách từ cấp trên phải được cụ thể thành các văn bản. Trong đó, nêu rõ quy định, tiêu chí, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá nhân, đơn vị. Các cơ sở kinh doanh cần có bộ tiêu chí kiểm soát quy định rõ ràng chủ cửa hàng phải làm gì, khách đến cửa hàng kiểm soát ra sao, chính quyền giám sát thế nào, khi vi phạm sẽ xử lý những gì,… Từ đó, mỗi người biết được nhiệm vụ của bản thân để làm đúng và chấp hành.

Ông Nguyễn Văn Nên cũng đồng thời đặt ra yêu cầu hướng dẫn F0 tại nhà cần được thực hiện rõ ràng, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bản thân nhiễm bệnh. Các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ. Khi ngành y tế phải bàn giao lại trường học cho các cơ sở giáo dục dẫn đến việc thu dung khó khăn, địa phương cần tính toán phục hồi lại các bệnh viện dã chiến bởi số F0 là lao động tự do, sinh sống tại khu nhà trọ không có điều kiện cách ly tại nhà vẫn còn nhiều.

Đề xuất hàng quán được kinh doanh thức uống có cồn

Cũng tại Hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM thông tin về thí điểm sử dụng thức uống có cồn tại các quán ăn ở TP Thủ Đức và quận 7.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, toàn Thành phố có 75.000 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ăn uống, nhưng hiện mới chỉ khoảng 60% cơ sở mở cửa. Riêng việc thí điểm kinh doanh thức uống có cồn tại TP Thủ Đức và Q.7 được triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. Đồng thời, 2 đơn vị cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

TP.HCM đề xuất cho phép dịch vụ kinh doanh ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn được hoạt động trở lại trên toàn địa bàn Thành phố.

Sở Công thương TP.HCM đề xuất cho phép dịch vụ kinh doanh ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn được hoạt động trở lại trên toàn địa bàn Thành phố.

Xét các yếu tố về bao phủ vắc xin, sức khỏe tinh thần, Sở Công thương lấy ý kiến của một số chuyên gia, từ đó nhận thấy, việc ngồi cùng bạn bè cũng là cách thức giải tỏa căng thẳng, tác động tiêu cực từ dịch bệnh.

Do vậy, Sở Công thương kiến nghị UBND Thành phố cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn Thành phố được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát.

Ông Vũ đề xuất UBND TP.HCM xem xét 2 phương án kinh doanh đồ uống có cồn. Phương án 1 là cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố được phục vụ thức uống có cồn trong điều kiện có kiểm soát cụ thể. Điều kiện là các cơ sở phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh ăn uống. Trong đó, khách hàng phải tiêm đủ liều vắc xin; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày, mật độ phục vụ bàn ăn cách nhau 2m.

Ưu điểm của phương án này là đảm bảo tính thực thi thống nhất trên toàn thành phố, còn nhược điểm của phương án này là chưa linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Phương án 2 là căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch COVID-19 ở từng địa bàn, UBND TP.HCM giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức được giao xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh sử dụng đồ uống có cồn trên địa bàn. Ưu điểm của phương án này là linh hoạt, khai thác hoạt động kinh doanh ăn uống phù hợp với tình hình dịch bệnh, còn nhược điểm là tính thực thi có thể không nghiêm giữa các địa phương.

Đồng tình với Sở Công thương, giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng với nguyên tắc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", đồng thời ý thức của người dân và doanh nghiệp cũng tăng cao, TP có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động ăn uống kèm theo hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở

    TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở

    06:00, 12/11/2021

  • TP.HCM tưởng niệm đồng bào tử vong, chiến sĩ hy sinh vì COVID-19 vào tối 19/11

    TP.HCM tưởng niệm đồng bào tử vong, chiến sĩ hy sinh vì COVID-19 vào tối 19/11

    21:50, 11/11/2021

  • TP.HCM: Những ai phải xét nghiệm RT-PCR định kỳ hàng tháng?

    TP.HCM: Những ai phải xét nghiệm RT-PCR định kỳ hàng tháng?

    00:48, 09/11/2021

  • Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM

    Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM

    17:23, 08/11/2021

  • TP.HCM: Vì sao F0 tại huyện Hóc Môn tăng cao?

    TP.HCM: Vì sao F0 tại huyện Hóc Môn tăng cao?

    11:23, 08/11/2021

  • TP.HCM sẽ đón khách du lịch quốc tế từ tháng 12?

    TP.HCM sẽ đón khách du lịch quốc tế từ tháng 12?

    03:30, 05/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TP.HCM: Số F0 đang tăng và thực tế nhiều hơn số liệu đã thống kê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO