Đó là thông tin được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM thông tin tại buổi họp báo định kỳ thông tin về tình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM chiều ngày 11/11.
Tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải cho biết, ngày 11/11, UBND TP.HCM đã bàn hành Kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ hy sinh và đồng bào tử vong trong đại dịch. Chương trình tưởng niệm sẽ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành uỷ TP.HCM tổ chức. Đơn vị thực hiện là Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Thời gian làm Lễ tưởng niệm vào lúc 19 giờ ngày 19/11/2021 tại Hội trường Thống Nhất (số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, TP.HCM) và tại các điểm cầu của 21 quận huyện, TP Thủ Đức. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng HTV.
Cụ thể, vào lúc 19 giờ sẽ phát một số hình ảnh, phóng sự về TP.HCM qua “cuộc chiến sinh tử” với đại dịch COVID-19; 19 giờ 15 phút sẽ là phát biểu của lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc lãnh đạo TP.HCM.
Nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ chiến sĩ hy sinh do đại dịch COVID-19 diễn ra vào lúc 19 giờ 30.
Liên quan tới 25 ổ dịch mới trên địa bàn huyện Hóc Môn thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định, đây là kết quả tất yếu khi Thành phố chấp nhận nới lỏng giãn cách xã hội, thích ứng an toàn dịch bệnh trong tình hình mới. Do đó, Sở Y tế Thành phố và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã điều động lực lượng y bác sĩ của các bệnh viện được giao phụ trách xuống hỗ trợ các trung tâm y tế, trạm y tế địa phương để kịp thời cấp phát các gói thuốc điều trị đến người bệnh.
Giải thích thêm về số ca tử vong có chiều hướng tăng trong mấy ngày qua, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, theo thống kê trong ngày 10/11, TP.HCM ghi nhận 38 ca tử vong, trong đó 34 trường hợp có bệnh nền. Số ca tử vong từ 18 - 50 tuổi là 2 trường hợp; 15 trường hợp tử vong từ 51 - 65 tuổi (39,5%); số ca tử vong trên 65 tuổi là 21 trường hợp (55%).
Phân tích thêm về các trường hợp tử vong, bác sĩ Châu cho biết có 20 trường hợp tử vong mà chưa tiêm vắc xin, trong đó có 12 trường hợp trên 65 tuổi, có bệnh nền, thậm chí có trường hợp nằm một chỗ nhiều năm nay. Có 2 trường hợp tử vong đã tiêm 1 mũi vắc xin; 10 trường hợp tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, cả 10 trường hợp này đều trên 50 tuổi và có bệnh nền.
Ông Châu nhận định, nhóm nguy cơ cao tử vong do COVID-19 hiện nay là nhóm những người có bệnh nền, cao tuổi và đặc biệt là những người bệnh nền nằm một chỗ lâu ngày, chưa tiêm vắc xin.
"Sở Y tế TP.HCM đã khuyến cáo các quận huyện tiếp tục tìm những người già, những người lớn tuổi, những người nằm một chỗ chưa được tiêm vắc xin thì phải xem xét tiêm sớm hoặc có những biện pháp bảo vệ. Đối với những người trẻ trong gia đình, những người tiếp xúc nhiều phải cẩn thận, tránh việc mang COVID-19 về cho người thân, nhất là những người lớn tuổi", ông Châu khuyến cáo.
Đề cập tới y tế cơ sở, ông Châu đánh giá các trung tâm y tế và trạm y tế các phường, xã đóng vai trò rất quan trọng trong tất cả các chương trình sức khỏe cộng đồng.
Lâu nay khi chưa có dịch, các đơn vị này đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng cho người dân. Tuy nhiên khi đại dịch COVID-19 xảy ra, số ca F0 tăng lên rất nhiều đã bộc lộ những hạn chế trong hệ thống y tế cơ sở do không đáp ứng kịp với số lượng mắc bệnh tăng cao.
Hiện TP.HCM có 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên căn cứ theo những quy định của Thông tư liên tịch số 08/2007 của liên Bộ Y tế, Bộ Nội vụ thì biên chế hiện nay của trạm y tế tại TP.HCM rất thấp.
"Ví dụ các trạm y tế được phân bổ từ 5 biên chế trở xuống có tới 52 trạm; trạm y tế được phân bổ từ 6-8 biên chế có 173 trạm; trạm được phân bổ từ 9-10 biên chế là 64 trạm. Trong khi đó thực tế TP.HCM khác với các địa phương khác, thực tế mỗi trạm y tế cần ít nhất khoảng 10 người với quy mô trung bình mỗi phường, xã trên địa bàn Thành phố khoảng 30.000 người", ông Châu cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở y tế TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, trong đó chế độ đãi ngộ, chính sách và các trạm y tế không có sức hút đối với nhân lực. Đặc biệt tại TP.HCM hệ thống y tế tư nhân phát triển rất mạnh, do đó đây là những nơi mà lâu nay người dân tìm đến thay vì các trạm y tế.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Châu cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM đã được UBND TP.HCM giao xây dựng đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở trong giai đoạn mới.
"Trong kế hoạch này sẽ có rất nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp trước mắt như tạm thời cử các bác sĩ, nhân viên y tế từ các bệnh viện quận, huyện, các cơ sở điều trị trên địa bàn Thành phố về tăng cường thêm cho các trạm y tế cơ sở để quản lý F0. Trong vài tháng tới, hy vọng sẽ có thể điều chuyển các bác sĩ mới ra trường từ Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch về tăng cường cho các trạm y tế cơ sở. Về giải pháp lâu dài, sẽ đề xuất với HĐND TP, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP để thay đổi một loạt chính sách nhằm thu hút thêm nhân lực về phục vụ cho các trạm y tế cơ sở", ông Châu thông tin thêm.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Số lượng nhà đất chưa được cấp sổ hồng còn nhiều
15:00, 11/11/2021
TP.HCM: Những ai phải xét nghiệm RT-PCR định kỳ hàng tháng?
00:48, 09/11/2021
Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM
17:23, 08/11/2021
TP.HCM: Vì sao F0 tại huyện Hóc Môn tăng cao?
11:23, 08/11/2021
TP.HCM sẽ đón khách du lịch quốc tế từ tháng 12?
03:30, 05/11/2021
TP.HCM phát động cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo 2021
14:00, 04/11/2021