Làn sóng công nhân khu công nghiệp (KCN) TP Hồ Chí Minh về quê tránh dịch không chỉ gây ra những bất ổn xã hội mà còn có nguy cơ thiếu lao động, ngăn cản việc phục hồi kinh tế.
Đây là lúc để ban quản lý các khu công nghiệp triển khai các chính sách về nhân lực để thu hút công nhân quay trở lại.
Nguy cơ “vỡ trận” chuỗi sản xuất
Đây là hiện thực không cần bàn cãi khi công nhân là lực lượng chính, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chuỗi cung ứng, sản xuất của Việt Nam. Với hơn 40 khu công nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2020, dù dịch bệnh COVID-19 căng thẳng nhưng cũng không thể làm giảm sức hút của thành phố này khi đứng đầu cả nước về thu hút dự án FDI mới với 3,4 tỉ USD.
Với quy mô sản xuất này, thành phố Hồ Chí Minh cần hàng triệu công nhân để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, con số khổng lồ này đã bị lung lay khi rất nhiều công nhân quyết định về quê sau nhiều tháng Sài Gòn phong tỏa. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, số lượng lớn công nhân lao động di chuyển về quê cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết toàn thành phố có hơn 470.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 3,2 triệu công nhân. Tuy nhiên, khi dịch xảy ra, chỉ có 700 doanh nghiệp còn hoạt động, số còn lại cùng với 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc.
Theo nhiều doanh nghiệp, sau khi thành phố dỡ bỏ các lệnh phong tỏa chính là thời điểm doanh nghiệp mình lao vào sản xuất, cần làm hết sức để giữ đơn hàng. Do đó, việc thiếu công nhân sẽ tạo nên áp lực lớn cho những công ty sản xuất sau dịch.
Đưa công nhân trở lại - Nhiệm vụ cấp thiết
Đây chính là mong muốn của nhiều doanh nghiệp và ban quản lý các khu công nghiệp cũng không thể đứng ngoài cuộc vì đây là giai đoạn căng thẳng. Công tác quản lý nhân lực trong khu công nghiệp là vấn đề chưa được chú trọng trước đây mà thường để các doanh nghiệp tự chủ. Do đó, đây chính là lúc các khu công nghiệp buộc phải phát huy vai trò của mình trong công tác quản lý nhân lực.
Để có thể thu hút công nhân trở lại, ban quản lý các khu công nghiệp và doanh nghiệp nên phối hợp với cơ quan hữu quan đến thông báo cho công nhân trở lại thông qua tin nhắn, thư từ,...Nhu cầu việc làm là rất lớn nên có thể nhiều công nhân vẫn trở lại làm việc tại Sài Gòn nếu không có hướng đi khác.
Bên cạnh đó, ban quản lý các khu công nghiệp có thể liên hệ với những công nhân đang cư trú tại Sài Gòn thông qua danh sách của doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu có thể, các ban quản lý khu công nghiệp nên cân nhắc các chính sách về nhà ở, hỗ trợ công nhân ở lại ký túc xá hoặc nhà ở giá rẻ xung quanh khu công nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên xem xét khả năng tuyển mới vì đây là cách nhanh nhất để tìm kiếm nguồn nhân lực tại Sài Gòn và đang có nhu cầu tìm việc. Với phương án này, ban quản lý có thể hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các trung tâm giới thiệu việc làm, các trường nghề,...và trực tiếp đứng ra tuyển dụng theo tiêu chí của công ty. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể dành thời gian cho sản xuất và tối ưu chi phí tuyển dụng.
Khi tham gia vào khâu quản lý nhân lực, ban quản lý khu công nghiệp cần chuyên nghiệp hóa từng khâu để quản lý thông tin, chất lượng của công nhân. Nếu có thể triển khai thành công, bài toán thiếu nhân lực đã có được đáp số phù hợp.
Hiện tại, một số ban quản lý khu công nghiệp trên cả nước đã nhận thức được vai trò quan trọng của quản lý nhân lực. Vì vậy, các ban quản lý KCN tại TP.Hồ Chí Minh nên áp dụng sớm để hỗ trợ thành phố phục hồi kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Công nhân về quê tránh dịch: Cơ hội bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương?
08:08, 20/07/2021
Đề xuất nhiều chính sách phát triển nhà ở cho công nhân
15:33, 16/10/2021
QUỐC HỘI VỚI DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP: Công nhân cần được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine
00:05, 08/10/2021
Xây nhà ở xã hội 5 sao cho công nhân: Tại sao không?
05:30, 06/10/2021