Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong tháng 11 vừa qua là một trong khoảng thời gian có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các tháng trong năm 2023.
>>>Tăng trưởng tín dụng thực chất
Ngoại trừ tháng 3/2023, tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt tăng trưởng 1,37% so với tháng liền trước (nguyên nhân tháng trước rơi vào các ngày Tết nên một phần thời gian mà nhu cầu vốn và hoạt động giải ngân tạm dừng), thì tín dụng tháng 11 ghi nhận tăng trưởng tới 1,3%.
Theo đó, lũy kế đến ngày 30/11/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đạt 3.402 nghìn tỷ đồng. Với tín hiệu tích cực này, có thể thấy xu hướng tăng trưởng tín dụng tốt trong các tháng giáp Tết cổ truyền âm lịch rất cần được phát huy và duy trì, làm cơ sở để tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và kinh tế Thành phố nói riêng.
Nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng 11 tăng trưởng cao hơn các tháng trước trong năm gắn liền với 3 yếu tố chính sau:
Thứ nhất,tính chất mùa vụ với nhu cầu vốn tín dụng dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch thường tăng cao. Trong đó, nhu cầu vốn cho sản xuất, phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân tăng cao; nhu cầu tiêu dùng mua sắm, du lịch và dịch vụ tăng…, tất cả yếu tố này đều kích thích sản xuất và tiêu dùng, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Thực tế, chỉ tính riêng chương trình cho vay bình ổn thị trường trên địa bàn mùa vụ năm 2023, doanh số cho vay đạt trên 13.000 tỷ đồng, cho 24 doanh nghiệp. Trong đó, cho vay doanh nghiệp bình ổn thị trường đối với 13 doanh nghiệp; doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm 11 doanh nghiệp. Với lãi suất cho vay thấp, khoảng từ 4% đến 6%/năm, đã góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá thành, giữ ổn định gía bán các mặt hàng thiết yếu, từ đó hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng dịp cuối năm và phát huy ý nghĩa của chương trình.
>>>Lãi suất tiết kiệm về mức "khó có thể thấp hơn"
Thứ hai, cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy tác dụng. Với lãi suất thấp như hiện nay, không chỉ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp người dân mà còn kích thích nhu cầu vay vốn, nếu tiếp cận ở góc độ quan hệ cung cầu vốn tín dụng và góc độ thị trường. Bên cạnh đó việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh và phân bổ hạn mức tín dụng phù hợp và khoa học, cũng có tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện khai thác tốt tính chất mùa vụ cuối năm, bởi sự phù hợp, đúng và trúng thời điểm của giải pháp này.
Thứ ba, các chương trình hành động cụ thể của ngành ngân hàng nói chung và ngành ngân hàng thành phố nói riêng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tiếp tục được tổ chức triển khai thực hiện tốt, thực chất và đi vào chiều sâu. Đặc biệt chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã trở thành chương trình, nhiệm vụ chung, của UBND các quận huyện, trở thành nội dung chính trong nội hàm hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư của một số sở ngành và UBND các quận, huyện. Đây là điểm nổi bật, là dấu ấn về sự năng động, linh hoạt và tư duy quản lý, cũng như thực hiện tốt cải cách hành chính…, làm cơ sở nền tảng để phát huy hiệu quả chương trình nhiều ý nghĩa trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.
Năm 2023 sắp kết thúc, với những con số ấn tượng về số lượng: 32 hội nghị kết nối, số tiền giải ngân gói hỗ trợ bằng 120% quy mô gói tín dụng ưu đãi được các TCTD đăng ký tham gia chương trình từ đầu năm và đặc biệt số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã lên tới 162 nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ từ chương trình, cụ thể là hỗ trợ về vốn, lãi suất, cơ cấu lại nợ, thụ hưởng các gói tín dụng ưu đãi của Chính phủ, của NHNN và UBNDTP…, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định và tăng trưởng, qua đó không chỉ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà còn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn.
Có thể nói, trên đây là các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua và trong tháng 11/2023. Nếu dịp cuối năm và Tết cổ truyền âm lịch mang tính chất mùa vụ và là yếu tố ngắn hạn, thì các yếu tố về cơ chế chính sách và tổ chức triển khai thực hiện; các chương trình hành động và giải pháp thực hiện có tính cơ sở nền tảng và lâu dài, và phải làm thường xuyên, trách nhiệm gắn với đổi mới sáng tạo, sẽ góp phần quan trọng trong việc duy trì xu hướng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới: ổn định và bền vững, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Trên toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng tháng 11/2023 theo dữ liệu NHNN công bố, đã giải ngân ước khoảng 200.000 tỷ đồng. Lũy kế tổng dư nợ toàn hệ thống đạt 13,1 triệu tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm