Trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững

ĐỨC HẠNH thực hiện 04/09/2023 00:30

Tuân thủ thực hiện trách nhiệm xã hội là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng môi trường làm việc lành mạnh trong doanh nghiệp. Đây là tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững.

>>Trách nhiệm xã hội là nhân tố để doanh nghiệp phát triển bền vững

d

Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam.

Trao đổi với DOANH NHÂN, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết: công nghiệp điện tử hiện là ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu trong các ngành chế biến chế tạo, đóng góp rất lớn vào việc cân bằng ngoại hối và cán cân thương mại của nước ta. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp lớp 1 cho các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

- Thực hiện trách nhiệm xã hội là một trong những yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp xuất khẩu. Các doanh nghiệp điện tử đã và đang thực hiện yêu cầu này như thế nào, thưa bà?

Năm 2023, kinh tế toàn cầu dự báo suy thoái cục bộ và ngắn hạn, ảnh hưởng phần nào đến sản xuất, đơn hàng của doanh nghiệp, song cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn. Hãng Amkor chuyên sản xuất chip vừa gia tăng đầu tư vào Việt Nam, trong khi một số doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng của một “ông lớn” công nghệ khác cũng đang tìm hiểu vị trí đặt nhà máy tại Việt Nam. Gắn liền với xu hướng chuyển dịch đầu tư, các doanh nghiệp điện tử phát triển nhanh về kinh tế số, chuyển đổi xanh, tài chính xanh hướng đến phát triển bền vững.

Bên cạnh những yêu cầu trên, các đối tác nước ngoài ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những yêu cầu liên quan đến xã hội, môi trường, nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng cũng như lựa chọn nhà cung cấp. Cộng hoà Liên bang Đức - một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã áp dụng Luật về nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Các nước thành viên Liên minh châu Âu đang thảo luận và thông qua dự thảo Chỉ thị về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp, dự kiến áp dụng từ năm 2026.

Với các doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm về trách nhiệm thẩm định về quyền con người và môi trường trong kinh doanh còn khá mới mẻ. Về cơ bản, những quy định này có tính tương đồng với quy định RBH đã được doanh nghiệp Việt Nam đã và đang thực hiện trong những năm qua. Có thể thấy, thuật ngữ trên có thể sử dụng thay thế cho các thuật ngữ khác như tuân thủ hay trách nhiệm xã hội. Chỉ có điều khác nhưng rất quan trọng, một số quy định sẽ được chuyển từ tự nguyện thực hiện sang bắt buộc thực hiện nên quy định chặt chẽ, cụ thể, có chế tài cao hơn, đòi hỏi sự chủ động nhiều hơn của doanh nghiệp trong tiếp cận và thực thi.

 Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao vai trò của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - Văn phòng Giới sử dụng Lao động, Tổ chức Hợp tác quốc tế GIZ (CHLB Đức) tổ chức.

Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững và nâng cao vai trò của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - Văn phòng Giới sử dụng Lao động, Tổ chức Hợp tác quốc tế GIZ (CHLB Đức) tổ chức.

- Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam - nhà cung cấp lớp 1 tham gia chuỗi có quy mô vừa và nhỏ. Những quy định trên có phải là những thách thức mới cho doanh nghiệp trong hội nhập?

Các quy định về thẩm định chuỗi cung ứng bao hàm nhiều nội dung liên quan đến quản trị, môi trường và nguồn nhân lực mà doanh nghiệp phải tuân thủ thực hiện, hướng đến mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như ngăn ngừa những hành vi xâm phạm. Quy định này được ban hành và có hiệu lực từ đầu năm nay cũng đáp ứng đòi hỏi tiêu dùng ngày càng cao của người dân Đức và châu Âu trong việc sử dụng sản phẩm bền vững, sử dụng năng lượng sạch, không tác động đến môi trường cũng như không vi phạm quyền của người lao động… Đặc biệt, các quy định về thẩm định chuỗi cung ứng áp dụng cho toàn bộ chuỗi cung ứng theo lộ trình thực hiện nên trong thời gian gần tới đây, những vi phạm nào của nhà cung cấp, doanh nghiệp Đức đều có trách nhiệm liên đới.

Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Đức phần nhiều là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chưa có đầy đủ thông tin về đạo Luật này. Do đó, có không ít doanh nghiệp trong chuỗi còn mơ hồ, dễ vi phạm như đăng tuyển dụng ưu tiên lao động nam/nữ, ưu tiên độ tuổi, giữ văn bằng chứng chỉ gốc của người lao động… đều có thể bị phạt. Đây là những thách thức mà doanh nghiệp cần chú ý.

- Ở khía cạnh khác, theo bà, việc tuân thủ trách nhiệm trên chính là cơ hội để doanh nghiệp hoàn thiện hơn, thích nghi nhanh hơn vào chuỗi cung ứng?

Cùng với các thách thức luôn là cơ hội. Chúng tôi cho rằng, việc tuân thủ những quy định trong Luật về nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng là dịp để doanh nghiệp tự hoàn thiện theo hướng kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và quản trị trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng. Không chỉ vậy, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động cũng góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành trong hiện tại và tương lai. Đây chính là những lợi thế cạnh tranh lâu dài, thúc đẩy doanh nghiệp chủ động và tự giác thực hiện, chứ không phải là thực hiện một cách miễn cưỡng để chỉ tồn tại trong chuỗi cung ứng.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã phối hợp với VCCI, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ thành lập bàn hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm để trợ giúp doanh nghiệp. Đồng thời, đang Việt hoá, đơn giản hoá quy định tra soát sang tiếng Việt để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng thay cho những ngôn từ luật khó hiểu. Chúng tôi đang tổ chức các hội nghị phổ biến quy định pháp lý mới liên quan đến trách nhiệm tuân thủ của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng; cập nhật đánh giá tình hình phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam, những lưu ý cần thiết cho doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội

    Kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội

    10:00, 11/05/2023

  • Doanh nhân trẻ Đỗ Vinh Quang: Trách nhiệm cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội

    Doanh nhân trẻ Đỗ Vinh Quang: Trách nhiệm cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội

    13:40, 13/10/2022

  • Trách nhiệm xã hội nằm trong ý thức mỗi chúng ta

    Trách nhiệm xã hội nằm trong ý thức mỗi chúng ta

    02:36, 21/09/2022

  • FPT và chuyện trách nhiệm xã hội

    FPT và chuyện trách nhiệm xã hội

    03:28, 20/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trách nhiệm xã hội để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO