Trái phiếu doanh nghiệp: “Lỗ hổng" trong giám sát mục đích sử dụng vốn

GIA NGUYỄN 12/04/2022 04:10

Dù các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) liên tục được điều chỉnh, thế nhưng, theo các chuyên gia, vẫn còn “lỗ hổng” trong hành lang pháp lý…

>> Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định để điều chỉnh thị trường TPDN, bao gồm: Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; tiếp đến là Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 09/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP; và hiện nay là Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Các Nghị định đã nêu đều đề cập đến một nguyên tắc: “Việc sử dụng vốn huy động từ phát hành TPDN phải đảm bảo đúng mục đích theo phương án phát hành” (Điều 5).

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Còn “lỗ hổng” trong hành lang pháp lý - Ảnh minh họa

Theo quy định, hồ sơ phát hành trái phiếu luôn yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải trình bày mục đích phát hành trái phiếu để làm gì - Ảnh minh họa

Cụ thể, hồ sơ phát hành trái phiếu luôn yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải trình bày mục đích phát hành trái phiếu để làm gì. Trong đó, Điều 5 và Điều 13 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp chỉ được phép phát hành trái phiếu cho 3 mục đích: để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư; để tăng quy mô vốn hoạt động; cơ cấu lại nguồn vốn của chính doanh nghiệp.

Yêu cầu là như vậy, thế nhưng, theo quy trình phát hành trái phiếu quy định tại Điều 11, và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành quy định tại Điều 13, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, quy trình này đều không thông qua cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, mà tự doanh nghiệp lập hồ sơ theo quy định và phê duyệt.

>> Từ vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư cần thận trọng hơn với trái phiếu doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, đây là một “lỗ hổng” pháp lý cần sớm được hoàn thiện, bởi theo các quy định này, việc phê duyệt phương án phát hành, bán cho đối tác nào, và sử dụng tiền huy động được hoàn toàn thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp. Tự doanh nghiệp làm đầy đủ hồ sơ theo quy định, sử dụng tiền đúng với mục đích đăng ký trong hồ sơ.

Đáng nói, trong cả 3 Nghị định đã được ban hành, thì việc kiểm tra hồ sơ, giám sát mục đích sử dụng vốn hoàn toàn không có cơ quan quản lý Nhà nước nào can thiệp, quản lý và giám sát, tất cả đều dựa trên tinh thần tự giám sát tại doanh nghiệp. Và đây được cho là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng, tiền sau khi huy động thành công từ các đợt phát hành trái phiếp không được sử dụng đúng mục đích theo quy định như trưởng hợp xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua.

Chưa kể, những công ty con, Công ty TNHH khó có cơ chế giám sát hoạt động này mà hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò, tác động của công ty mẹ.

vdaebgsfb

Tuy nhiên, trên thực tế quản lý, vẫn còn "lỗ hổng" và vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh là trường hợp điển hình - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, Điều 14 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, hay Điều 13 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP cũng đều đề cập đến việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu xây dựng phương án phát hành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận và làm căn cứ để công bố thông tin. Nhưng cấp có thẩm quyền lại chính là doanh nghiệp, không phải là cơ quan quản lý Nhà nước theo khoản 2 Điều 14 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Tương tự, khoản 1 Điều 14 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, quy định một loạt các tài liệu, hồ sơ, tiêu chí… cần có trong phương án phát hành để trình cơ quan có thẩm quyền là… “doanh nghiệp”.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, nếu là chuyện của doanh nghiệp có thể để doanh nghiệp quyết định, thế nhưng, nếu là quản lý phải có cơ quan quản lý Nhà nước, mà đại diện theo Luật Chứng khoán là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).

Trong khi, tại Điều 38 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của Sở Giao dịch chứng khoán và Điều 39 quy định trách nhiệm của UBCKNN vẫn chưa thể hiện rõ được chức năng giám sát. Đặc biệt, Nghị định cũng không đề cập đến cơ quan có thẩm quyền nào có thể kiểm tra giám sát, phát hiện việc sử dụng tiền đúng mục đích như phương án doanh nghiệp đã nêu hay không.

Thực tế, câu chuyện xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh có thể được cho là hồi chuông cảnh tỉnh về những “lỗ hổng” trong hành lang pháp lý, bởi trong hồ sơ công bố thông tin phát hành lô trái phiếu WTPCH2125003 trị giá 3.230 tỷ đồng do Công ty CP Cung điện Mùa Đông phát hành ngày 16/12/2021, không đề cập đến mục đích sử dụng vốn, trong khi 2 lô phát hành riêng lẻ trước đó có đề cập đến mục đích sử dụng vốn. Nhưng số vốn hoàn toàn sử dụng sai mục đích như kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chỉ rõ.

Thống kê cho thấy, tính đến cuối năm 2021, quy mô thị trường TPDN được phát hành bởi các công ty phi tài chính đã lên đến 780.000 tỷ đồng, chiếm 68,9% tổng lượng trái phiếu lưu hành được phát hành thông qua các Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Và cũng chỉ trong 2 năm 2020 và 2021, các công ty bất động sản đã phát hành lên đến 362.000 tỷ đồng trái phiếu với hơn 30% không có tài sản đảm bảo, nếu có tài sản đảm bảo chủ yếu là cổ phiếu và tài sản hình thành trong tương lai. Ước tính phân kỳ trả nợ 14,5% trong năm 2022, 28,9% năm 2023, 22,8% năm 2024.

Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia khuyến nghị, các cơ quan liên quan cần sớm rà soát lại các “lỗ hổng” về hành lang pháp lý, tránh các trường hợp tương tự như đã xảy ra tại Tân Hoàng Minh.

Có thể bạn quan tâm

  • Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu

    Từ vụ Tân Hoàng Minh: Cần đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu

    04:10, 08/04/2022

  • 11 dự án “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh - Bài 2: D’. Le Roi Soleil và lùm xùm lừa dối khách hàng

    11 dự án “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh - Bài 2: D’. Le Roi Soleil và lùm xùm lừa dối khách hàng

    03:40, 08/04/2022

  • Hé lộ nhân vật

    Hé lộ nhân vật "ngồi ghế nóng" tại Tân Hoàng Minh

    00:10, 08/04/2022

  • Quyền lợi trái chủ nhìn từ câu chuyện hủy phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh

    Quyền lợi trái chủ nhìn từ câu chuyện hủy phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh

    14:45, 07/04/2022

  • 11 dự án “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh - Bài 1: Căn hộ

    11 dự án “tai tiếng” của Tân Hoàng Minh - Bài 1: Căn hộ "đế vương" 10 năm còn “lỗi hẹn”

    11:00, 07/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trái phiếu doanh nghiệp: “Lỗ hổng" trong giám sát mục đích sử dụng vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO