Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ II): Cần cái “bắt tay”

Lê Cường 30/06/2018 11:16

Nhiều vị khách đến Yên Đức, Đông Triều (Quảng Ninh) xem cách làm du lịch cộng đồng tại đây và nói rằng họ hy vọng một ngày nào đó, làng quê họ cũng trở thành điểm đến của du khách phương xa.

Ông Đoàn Văn Dũng, tổng giám đốc cty CP Du thuyền Đông Dương là người rất tâm huyết với du lịch cộng đồng. Ông chính là tác giả của dự án du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng tại làng chài Vông Viêng và làng quê Yên Đức.

p/ông VanMark đang tham gia vào trải nghiệm bắt cá cùng người dân tại làng Yên Đức.

ông VanMark đang tham gia vào trải nghiệm bắt cá cùng người dân tại làng Yên Đức.

Từ trải nghiệm thực tế ông khẳng định du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích cho người dân nơi được chọn, bên cạnh những lợi ích cho địa phương, cho doanh nghiệp nhưng nếu không có cái bắt tay đầy quyết tâm của chính quyền, doanh nghiệp và người dân thì dự án dù có hay ho đến mấy cũng sẽ thất bại.

Nó thậm chí sẽ “phá sản từ vòng gửi xe”. Vì sao? Bởi du lịch cộng đồng rất cần cái cốt cách, cái bản sắc đất và người, cái đặc thù mang tính nguyên thủy về cảnh sắc, không gian. Nhưng nếu như chính quyền lại khoái với các dự án san đồi, lấp biển, phân lô bán nền, người dân lại hào hứng với việc nhượng địa khi giá đất lên cao thì những vườn cau, đường hoa, giếng cổ, nhà xưa sẽ bị xóa sổ, thay vào đó là những sắt thép, bê tông lừng lững của thời hiện đại, cái cần giữ sẽ mất, du lịch cộng đồng sẽ không có “đất” để bám vào mà triển khai.

Do nhiều lý do, trong đó có tâm lý muốn “đánh nhanh thắng nhanh”, chưa nhiều doanh nghiệp du lịch tham gia vào lĩnh vực du lịch cộng đồng. “Phải yêu xứ sở và nhiều đam mê mới quyết định đầu tư. Nhưng nếu không có sự ủng hộ, hợp tác của chính quyền và người dân thì doanh nghiệp không dại gì mạo hiểm đầu tư trong tình thế rủi nhiều hơn may” - ông Đoàn Văn Dũng chia sẻ.

Ông Dũng hy vọng ở những nơi có tiềm năng du lịch cộng đồng, chính quyền và người dân biết mình đang có cái vốn cần giữ, không bị “ngả lòng” trước sức cám dỗ của những dự án thuần túy kinh doanh đất đai kiếm lợi nhuận trước mắt.

Trên bình diện rộng, theo Tiến sĩ – Kiến trúc sư Dương Đình Hiển, Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, rất cần cái nhìn nhạy bén, một tư duy, quy hoạch mang tầm chiến lược về loại hình du lịch cộng đồng để những người làm du lịch yên tâm đầu tư, xây dựng những ý tưởng, thực hiện những kế hoạch cho sự phát triển hiệu quả của loại hình du lịch này.

“Trước khi nghĩ đến những cuộc san rừng, bạt núi, lấp biển, trước khi nghĩ đến những kế hoạch “vĩ đại” của tập đoàn lớn, những dự án nghìn tỷ mang tầm “đẳng cấp”, “quốc tế”, đừng quên rằng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở cái vốn đất và người tích góp bao đời cũng đang vô cùng cần thiết cho mục tiêu phát triển bền vững” - ông Dương nhìn nhận.

Bởi theo ông Dương, nếu không, rất có thể công cuộc phá dỡ, san gạt kia sẽ ăn mòn dần những làng quê; làm biến dạng những xóm thôn, những nét văn hóa bản địa vốn có sức hút mạnh mẽ cho phát triển du lịch sẽ bị gặm nhấm, sẽ bị vứt bỏ. Lúc đó có giật mình tỉnh ngộ thì e rằng đã quá muộn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trăn trở du lịch cộng đồng (Kỳ II): Cần cái “bắt tay”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO