Trăn trở về giá vé máy bay

AN NHIÊN 03/03/2024 11:32

Từ ngày 01/03/2024, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

>>Tăng trần giá vé máy bay: Doanh nghiệp du lịch sẽ ảnh hưởng ra sao?

Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/ chiều).

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Theo các hãng hàng không, việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là điều kiện để bù đắp chi phí, điều chỉnh dải giá vé nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành lại lo giá tour tăng ảnh hưởng tới ngành du lịch.

Theo các hãng hàng không, việc tăng trần giá vé máy bay nội địa là điều kiện để bù đắp chi phí, điều chỉnh dải giá vé nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành lại lo giá tour tăng ảnh hưởng tới ngành du lịch.

Lý giải về việc tăng giá trần vé máy bay, theo Cục Hàng không Việt Nam, mức tăng này chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19. Thực tế, các hãng đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa trong khung giá quy định, phù hợp nhu cầu của hành khách và thị trường từng giai đoạn.

Chẳng hạn, trong giai đoạn cao điểm, các hãng sẽ tăng tỉ lệ bán vé, còn ở những giai đoạn thấp điểm hoặc với các chuyến bay lệch đầu thì giá vé sẽ hạ. Mặt khác, khi áp dụng chính sách giá linh hoạt, đa dạng đã mang lại cơ hội cho người dân tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với mức giá phù hợp, trong khi hãng có cơ hội lấp đầy chỗ trống, nhất là với giai đoạn thấp điểm, chuyến bay đêm; qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không nội địa phát triển với sự cạnh tranh khá sôi động về chính sách vận chuyển của các hãng.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, phải sau 10 năm, đây là lần đầu tiên ngành hàng không điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay nội địa. Với thời gian này, đã có nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không thay đổi, đặc biệt là giá nhiên liệu, các yếu tố về tỷ giá - ngành hàng không sử dụng đồng USD phần lớn trong cơ cấu chi phí, do đó việc điều chỉnh giá trần vé máy bay là hợp lý cho các đơn vị khai thác hàng không.

“Khi giá vé máy bay được điều chỉnh cũng đồng nghĩa sẽ tạo thêm điều kiện cho các hãng hàng không có thể bù đắp chi phí trong nhiều năm qua, đồng thời cũng là cơ hội để các hãng hàng không tiếp tục điều chỉnh dải giá vé của mình trên hệ thống các đường bay nội địa để hành khách có thêm nhiều lựa chọn hơn”, ông Lê Hoàng Hà cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, năm 2023, giá vé máy bay cao đã khiến giá tour du lịch trong nước tăng, làm giảm sự lựa chọn của du khách đối với du lịch nội địa. Sau khi so sánh giá tour nội địa với các điểm du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore..., nhiều người quyết định đi du lịch nước ngoài.

>>Giá vé máy bay Tết vẫn “sốt xình xịch”

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty du lịch TST Tourist cho biết, việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3/2024 sẽ có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước. Do đó giá tour cũng bắt buộc phải điều chỉnh song song.

Năm 2024, ngành lữ hành bên cạnh yếu tố tích cực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hàng không bao gồm việc bảo dưỡng động cơ, giảm đường bay, tăng giá do đó khách hàng chính là người dùng sau cùng sẽ có quyết định trong việc lựa chọn hình thức du lịch phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, qua đánh giá thì mức giá điều chỉnh tăng có thể chấp nhận được.

Dự báo đối với du lịch trong nước hình thức du lịch trong cự ly gần và du lịch tự túc sẽ tăng cao. Nếu lấy thị trường khách TP.HCM làm trọng tâm thì Vũng Tàu, Hồ Tràm, Phan Thiết, Phan Rang, thậm chí Nha Trang sẽ là lựa chọn của du khách, trong đó vận chuyển bằng ôtô sẽ tăng do ưu thế rút ngắn thời gian của đường cao tốc. Cao điểm hè có khoảng thời gian kéo dài, vì vậy sẽ có sự phân bổ đều, sẽ không có tình trạng "cháy" dịch vụ.

Đồng quan điểm, ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty Kiwi Travel cho biết, du lịch nội địa vốn đã kém cạnh tranh so với du lịch nước ngoài, nay dự báo sẽ càng khó khăn hơn khi giá vé máy bay tăng thêm. Cụ thể, các tour nội địa bằng hàng không sẽ gặp khó vì chi phí đi theo ngành hàng không sẽ tăng. Thực tế, dù chưa vào cao điểm hè nhưng giá vé máy bay đã tăng cao. 

"Chưa kể, khi giá vé máy bay nội địa tăng cao thì hành khách cũng sẽ chuyển sang mua tour nước ngoài do giá vé máy bay đi nước ngoài không tăng, thậm chí còn rẻ hơn so với giá vé nội địa. Ví dụ như chặng từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội giá vé khứ hồi khoảng 3,5 - 6 triệu đồng/người trong khi giá vé bay đi tour đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Singapore tầm 3 - 4 triệu đồng/người", ông Phạm Quý Huy cho biết thêm.

Trước lo ngại của nhiều hành khách cho rằng giá vé máy bay sẽ tăng khi giá trần tăng, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết, đối với mỗi đường bay, đều có nhiều hơn 1 hãng hàng không tham gia cung ứng và cạnh tranh nên không thể xảy ra khả năng các hãng hàng không sẽ tăng mạnh, tăng đột biến giá vé. 

“Việc quyết định giá phải đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn so với các phương tiện vận chuyển khác và phải tùy thuộc vào sức mua và tình hình thị trường, không có việc độc quyền mua hay độc quyền bán. Hiện nay, giá vé máy bay nội địa đang được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai dải giá với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường… Thông thường, số lượng vé được bán với mức giá cao nhất (xấp xỉ giá trần) của các hãng chiếm tỷ trọng nhỏ”, vị chuyên gia này thông tin.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trần giá vé máy bay: Doanh nghiệp du lịch sẽ ảnh hưởng ra sao?

    03:00, 01/03/2024

  • Tăng trần giá vé máy bay, doanh nghiệp hàng không có "dễ thở"?

    14:23, 29/02/2024

  • Giá vé máy bay Tết vẫn “sốt xình xịch”

    02:05, 01/02/2024

  • Cục Hàng không lý giải việc giá vé máy bay tăng cao

    07:00, 14/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trăn trở về giá vé máy bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO