Trước tình trạng hàng hóa xuất khẩu liên tục dính vào những vụ lừa đảo thời gian vừa qua, các chuyên gia khuyến cáo, để tránh rủi ro, cần kiểm tra kỹ thông tin đối tác…
>> Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Đã giành lại quyền sở hữu 9 container hàng
Sau vụ việc hàng loạt doanh nghiệp ngành điều bị lừa ở thị trường Ý, Bộ Công Thương cũng như Thương vụ Việt Nam tại các thị trường đã liên tục đưa ra cảnh báo về những hiện tượng lừa đảo núp bóng dưới nhiều hình thức. Thế nhưng, với tâm lý chủ quan, bất cẩn mà không ít doanh nghiệp vẫn tiếp tục rơi vào vòng xoáy của những vụ lừa quốc tế.
Tháng 3 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Ma Rốc cảnh báo khẩn, doanh nghiệp tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng nhập khẩu lừa đảo có tên trực tiếp giao dịch là Khalid, tên Công ty KN Universe Plastic. Đây là tên mới của Công ty Fisherlab Sarl, có tiền sử lừa đảo đã được cảnh báo từ nhiều năm trước.
Thủ đoạn của đối tượng này được một doanh nghiệp Việt Nam cho biết, đối tượng thông báo có người nhà bị COVID-19 để “câu giờ” thanh toán, sau đó, cấu kết với các đối tượng liên quan thông quan lô hàng nhưng không thanh toán.
Vụ việc hàng loạt doanh nghiệp ngành điều kêu cứu vì nghi bị lừa ở thị trường Ý, với lượng hàng lên đến 35 container bị mất quyền kiểm soát vẫn còn gây xôn xao dư luận, thì mới đây, một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tại TP. Hồ Chí Minh đã có công văn “cầu cứu” đến các cơ quan ngoại giao Việt Nam về việc đối tác ở Sri Lanka là Công ty Northern Star Trading Colombo PVT lừa đảo chiếm đoạt 2 lô hàng với giá trị tài sản lên đến gần 113.000 USD.
Cụ thể, theo hợp đồng ban đầu, điều kiện giao hàng là CIF Colombo (giao hàng tại cảng Colombo), điều kiện thanh toán là D/P 100% (nhờ thu qua ngân hàng, trả ngay khi xuất trình bộ chứng từ). Sau khi giao hàng và hoàn thành bộ chứng từ của lô hàng đầu tiên, bên mua lấy lý do phí thanh toán D/P qua ngân hàng cao, nên yêu cầu đổi sang phương thức thanh toán T/T.
Đối tác lấy lý do lô hàng phải được Hải quan Colombo kiểm hóa và xin giấy phép nhập khẩu, yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam gửi trước 1/3 vận đơn gốc để thực hiện các thủ tục trên và cam kết sau khi xin được giấy phép sẽ thanh toán đầy đủ tiền hàng để doanh nghiệp Việt Nam gửi toàn bộ các chứng từ gốc còn lại. Tuy nhiên, sau khi doanh nghiệp Việt Nam gửi 1/3 vận đơn gốc của cả 2 lô hàng thì đối tác đã nhận hàng và biến mất.
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Cần sớm đệ đơn khởi kiện
Theo thống kê của các cơ quan chức năng Việt Nam, nạn lừa đảo trong thương mại quốc tế trước đây thường xảy ra ở khu vực châu Phi phổ biến như: Nigeria, Algeria, Ma Rốc, Cameron… nhưng vài năm gần đây, tình trạng lừa đảo đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như: Hà Lan, Na Uy, Mỹ, Canada, UAE,...
“Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường đang bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tình trạng lừa đảo trong giao dịch thương mại quốc tế càng có xu hướng tăng lên”, báo cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Thực tế cho thấy, những vụ lừa đảo từ các đối tác nhập khẩu đã được cảnh báo rất nhiều, nếu như trước năm 2020, những đối tác “ảo” lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ châu Phi thì vài năm trở lại đây đã xảy ra phổ biến hơn ở những thị trường tiềm năng như châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông…
Các chuyên gia cho rằng, chính sự cả tin, dễ dãi, chủ quan trong phương thức thanh toán khiến cho các doanh nghiệp Việt là bên bán cuối cùng chịu cảnh “tiền mất tật mang” khi giao hàng nhưng bên mua không trả tiền.
Do đó, qua những vụ việc lừa đảo vừa qua, bài học cần rút ra cho các doanh nghiệp Việt trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa là không thể tiếp tục dễ dãi mà phải cần thẩm định kỹ các thông tin về phía đối tác ngoại, nhất là các đối tác mới giao dịch lần đầu. Ngoài ra, cần có sự chuyên nghiệp về mặt pháp lý trong thoả thuận hợp đồng xuất khẩu và chọn cho mình phương thức giao dịch thanh toán ít rủi ro hơn dù có thể tốn chi phí nhiều hơn.
TS Cấn Văn Lực - Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV khuyến cáo, cần phải tìm hiểu kỹ để biết rõ về đối tác bằng nhiều cách khác nhau, trong đó, có thể thông qua các cơ quan ngoại giao. Đối với khách hàng mới, thực hiện các hợp đồng nhỏ trước khi tiến hành các giao dịch lớn.
“Ngoài ra, doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng các phương thức thanh toán có độ an toàn cao như L/C mà không nên sử dụng phương thức thanh toán có độ rủi ro cao như D/P”, TS Cấn Văn Lực cho hay.
Để giảm thiểu bớt rủi ro trong giao dịch, các chuyên gia cũng khuyến cáo, bài học đầu tiên, các doanh nghiệp của chúng ta phải hết sức quan tâm đến việc xác minh khách hàng, kể cả trong những trường hợp đã có một vài lần ký hợp đồng và thực hiện rồi thì vẫn phải tiếp tục duy trì quá trình xác minh đó. Việc xác minh có thể thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có thể thông qua các Cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại các nước cũng như thông qua các dịch vụ tư vấn, tùy từng các thị trường.
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng nên dành quyền chủ động trong việc soạn thảo hợp đồng để nắm vững và hiểu rõ được các quy định, trách nhiệm, nghĩa vụ trong hợp đồng nhằm giảm thiểu những rủi ro trong giao dịch với bạn hàng nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Đã giành lại quyền sở hữu 9 container hàng
14:36, 05/04/2022
Vụ xuất khẩu điều nghi bị lừa: Lộ diện người môi giới và doanh nghiệp mua điều tại Ý?
15:00, 29/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Cần sớm đệ đơn khởi kiện
11:30, 25/03/2022
Vụ nguy cơ xuất khẩu điều bị lừa: Giải pháp hạn chế tối đa lừa đảo
03:32, 24/03/2022
Vụ xuất khẩu điều nghi bị lừa: Doanh nghiệp đã tái xuất 8 container sang Hà Lan?
13:00, 23/03/2022