Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh, hầu hết cổ phiếu liên tục tăng trần... Đây chính là thời điểm nhiều doanh nghiệp tranh thủ chốt lời khoản đầu tư cổ phiếu quỹ.
Công ty CP Chứng khoán VnDirect (HoSE: VND) báo cáo đã hoàn tất bán ra 6 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký bán trước đó, giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ 22/2 đến 17/3/2021.
Giá bán bình quân 28.793 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị thu về hơn 172 tỷ đồng. Sau giao dịch VND giảm lượng cổ phiếu quỹ sở hữu từ hơn 11,9 triệu cổ phiếu xuống còn hơn 5,9 triệu cổ phiếu.
Về lịch sử giao dịch cổ phiếu quỹ, đợt mua lại gần nhất từ 14/11 đến 12/12/2020 với số lượng hơn 7,9 triệu cổ phiếu. Thời điểm đó VND đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ nhưng chỉ mua được hơn 7,9 triệu cổ phiếu. Giá mua vào bình quân 19.186 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu tính giá bình quân mua vào so với giá bình quân bán ra, khoản 6 triệu cổ phiếu quỹ trong giao dịch của VND có giá mua chỉ bằng khoảng 66% giá bán. Theo đó, nhà tạo lập thị trường này đã có một khoản sinh lời không nhỏ từ cổ phiếu quỹ.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (HoSE: TCH) cũng vừa công bố hoàn tất bán toàn bộ hơn 9,7 triệu cổ phiếu quỹ với giá bình quân 23.042 đồng/cổ phiếu, số tiền thu về 224 tỷ đồng.
Đây là số cổ phiếu quỹ công ty mua từ năm 2018. Theo báo cáo tài chính năm 2020, giá trị số cổ phiếu quỹ này khoảng 220 tỷ đồng, tức giá bình quân 22.628 đồng/cổ phiếu.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2021, TCH cho biết công ty bán cổ phiếu để tăng dòng tiền và tăng con số lợi nhuận chưa phân phối tại công ty mẹ, qua đó tăng nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông lên 20%, gấp đôi so với kế hoạch ban đầu. Giá mua và giá bán của Tài chính Hoàng Huy không có biên độ chênh cao song doanh nghiệp vẫn ở điểm thu lời nhất định.
Bên cạnh những doanh nghiệp đã hoàn tất việc bán cổ phiếu quỹ, thu về hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, hàng loạt doanh nghiệp hiện cũng đã bắt đầu đăng ký bán ra hàng triệu đơn vị cổ phiếu quỹ như một động thái sợ "nhỡ chuyến tàu" chứng khoán đang tăng tốc.
Công ty CP Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) đã thông qua phương án bán toàn bộ 2.875.210 cổ phiếu quỹ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian thực hiện trong quý 2/2021 sau khi hoàn tất thủ tục.
Giá bán theo quy định nhưng không thấp hơn 45.000 đồng/cổ phiếu. Tạm tính, nếu bán hết số cổ phiếu quỹ này, DPR sẽ thu về tối thiểu gần 130 tỷ đồng.
BCTC năm 2020 đã kiểm toán ghi nhận số cổ phiếu quỹ này có giá trị gần 127 tỷ đồng. Lần gần đây nhất, từ tháng 10/2014 công ty mua thêm 2 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với giá mua vào bình quân 43.410 đồng/cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh quý I/2021, DPR đạt 201 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp đôi cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 88% lên gần 52 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 39 tỷ đồng.
Trong cao trào cổ phiếu thép, Công ty CP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng đã thông qua kế hoạch bán toàn bộ cổ phiếu quỹ với số lượng 10 triệu đơn vị. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thoả thuận, thời gian trong vòng 30 ngày sau khi nhận được sự chấp thuận của UBCKNN.
Số cổ phiếu quỹ này được công ty mua trong tháng 6/2020 với giá bình quân 7.600 đồng. Động thái bán toàn bộ cổ phiếu quỹ này được thực hiện trong bối cảnh cổ phiếu NKG đang liên tục lên đỉnh, tăng trưởng hơn 400% so với cách đây một năm. Tính theo thị giá hiện tại là 33.700 đồng/cổ phiếu, NKG sẽ thu về 337 tỷ đồng, doanh nghiệp lãi khoảng 261 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy một năm nắm giữ.
Theo Luật chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021, công ty đại chúng muốn mua lại cổ phiếu của chính mình phải tiến hành xin ý kiến cổ đông thông qua để giảm vốn điều lệ. Trong khi trước đây, doanh nghiệp muốn mua lại cổ phiếu của chính mình chỉ cần công khai thông tin mục đích mua, số lượng cổ phiếu được mua, nguồn vốn mua và thời gian thực hiện.
Với lượng cổ phiếu quỹ đã mua trước thời điểm Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực, doanh nghiệp được bán hoặc dùng làm cổ phiếu thưởng. Còn hiện tại, doanh nghiệp sẽ tiến hành hủy lượng cổ phiếu quỹ đã mua, đồng thời không được chào bán cổ phần tăng vốn trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc việc mua cổ phiếu quỹ.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định doanh nghiệp không được mua lại cổ phiếu của chính mình ("đầu tư bản thân") cho đến khi hoàn thành việc xử lý số cổ phiếu quỹ đã mua trước đó trừ trường hợp mua lại cổ phiếu theo yêu cầu của cổ đông; mua lại cổ phiếu của người lao động theo quy chế phát hành cổ phiếu cho người lao động của công ty; mua lại cổ phiếu lẻ theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu; công ty chứng khoán mua lại cổ phiếu của chính mình để sửa lỗi giao dịch hoặc mua lại cổ phiếu lô lẻ.
Điều này khiến doanh nghiệp cân nhắc kỹ trong việc sử dụng việc mua cổ phiếu quỹ như một công cụ để bình ổn giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong đợt dịch COVID-19 mới bùng phát vào đầu năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp đã tiến hành mua lại cổ phiếu tạo tâm lý ổn định cho nhà đầu tư và khi giá cổ phiếu tăng cao thì đăng ký bán để thu lời, dù khoản chênh lệch không được hạch toán vào lợi nhuận, nhưng vẫn giúp cải thiện dòng tiền, làm tăng thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nếu quy mô bán ngày càng gia tăng và tiếp diễn sẽ gây ra sự hao hụt đáng kể về dòng tiền ra khỏi sàn chứng khoán, đồng thời tác động đến thanh khoản cũng như tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, việc bán ra ồ ạt cổ phiếu quỹ cũng có thể là dấu hiệu cho thấy giá thị trường đang cao hơn trị giá nội tại của cổ phiếu doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm