Ông Lê Công Thành, Chủ tịch SMCC cho rằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại lợi thế cho doanh nghiệp nhưng nhìn nhận bối cảnh tích cực hay khó khăn lại nằm ở cách nhìn.
Đặt balo xuống bàn làm việc, anh Tuấn rút ra chiếc điện thoại và tranh thủ ngồi lướt Facebook trước khi đến giờ làm việc. Điều kỳ lạ là trang tin của anh đầy rẫy quảng cáo vest xen lẫn với bài đăng của bạn bè chỉ sau một đêm anh tìm kiếm từ khóa này. Chỉ cần vuốt màn hình qua vài bài đăng, quảng cáo lại hiện lên với rất nhiều thương hiệu và mẫu mã khác nhau.
“Không chỉ có newsfeed (bảng tin) mà ngay cả phần tin nhắn của anh cũng tràn ngập quảng cáo. Một ngày có vài thương hiệu và fanpage nhắn tin đến dù anh chưa hề thích hay theo dõi. Thậm chí có mấy bên còn nhắn tin liên tục về các chế độ giảm giá đợt Black Friday làm anh thấy khá phiền”.
“Chưa hết, anh còn nhận được cuộc gọi bán hàng vì họ biết anh đang có nhu cầu mua vest”, anh Tuấn chia sẻ, giọng nói vẫn chưa hết sự ngạc nhiên.
Không chỉ anh Tuấn mà rất nhiều người khác cũng có trải nghiệm tương tự khi sử dụng Facebook. Dựa vào những từ khóa tìm kiếm, những hoạt động hàng ngày của người sử dụng, Facebook có thể tự động đưa đến những mẩu tin quảng cáo đúng chủ đề, đúng đối tượng.
Theo ông Lê Công Thành, Chủ tịch SMCC (Social Media Command Center) – startup về phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội, hệ thống quảng cáo của Facebook chính là một trong những ví dụ rõ nhất về trí tuệ nhân tạo.
“Một ví dụ khác về AI là việc Google đưa ra những kết quả tìm kiếm rất hợp ý và cần biết rằng không hề có bất kỳ ai đứng sau trả lời câu hỏi cho mình”.
Chia sẻ với TheLEADER bên lề chương trình Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) 2018, vị Chủ tịch trẻ kể một câu chuyện khá thú vị.
“Một bà cụ tại Anh khi lên Google thì chào hỏi giống như với người thật, ví dụ như xin chào Google, hãy cho tôi biết ngày sinh nhật nữ hoàng và sau đó cảm ơn. Bà tưởng rằng có người ngồi đằng sau trả lời những câu hỏi nhưng thực tế không phải. Đằng sau đó là trí tuệ nhân tạo”.
“Yếu tố nhân tạo ở đây chính là do máy tính làm còn trí tuệ là một thứ được tạo ra gần ngang với trình độ con người”, ông Thành giải thích.
“Trí tuệ nhân tạo cũng giống như chiếc nồi cơm điện, không cần hiểu biết cấu tạo của nồi cơm như thế nào mà chỉ cần biết mua về, đổ gạo vào là có được cơm ngon. Ngay cả khi biết cấu tạo rồi cũng chưa chắc làm tốt và có thể bán được”.
“Ở một khía cạnh khác, trí tuệ nhân tạo cũng giống như một thứ vũ khí, giúp phát triển ra những công ty thế hệ mới. Điều này giống như khi thực dân Pháp sang Việt Nam, họ được thừa hưởng cách mạng công nghiệp lần thứ hai, sở hữu súng ống, tàu thuyền. Nếu họ cũng chỉ sử dụng giáo mác gậy gộc như người Việt thì họ chắc chắn sẽ không chiếm được vì số người quá ít”.
“AI cũng tương tự như vậy và những nhóm nhỏ có thể thắng được các công ty rất lớn nhờ vào khẩu súng này trong tay”, người đứng đầu SCMM nhấn mạnh.
Nhận định về vị thế sản phẩm của Việt Nam liên quan đến trí tuệ nhân tạo, ông Thành cho rằng, Việt Nam đang đi sau thế giới rất nhiều bởi một số yếu tố chính.
Thứ nhất là nhân lực. “Những người làm về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam còn ít và chủ yếu là những người được đi du học về, mới tiếp cận công nghệ này một thời gian chưa đủ dài”.
Thứ hai, Việt Nam chưa có hạ tầng tính toán siêu lớn. “Những hạ tầng này giống như những thứ đang được mua về để đào Bitcoin nhưng chúng còn mạnh hơn thế. Một hạ tầng để làm trí tuệ nhân tạo theo phương pháp hiện tại có chi phí cỡ khoảng 1 triệu USD trở lên và Việt Nam chưa sở hữu nhiều hệ thống như vậy”.
Thứ ba, điều quan trọng nhất là dữ liệu – những thông tin được số hóa. “Đa phần các ứng dụng đang được sử dụng đến từ nước ngoài và gần như toàn bộ dữ liệu hoạt động hàng ngày được các công ty nước ngoài lưu trữ trên máy chủ”.
“Nguồn chứa dữ liệu lớn nhất ở Việt Nam hiện đang nằm trong tay các công ty viễn thông và những tờ báo điện tử, nhưng số dữ liệu này vẫn nhỏ so với tổng dữ liệu mà người Việt Nam sinh ra mỗi ngày”.
Vị thủ lĩnh của SCMM khẳng định: “Chúng ta chính là những người đẻ ra dữ liệu, đẻ ra thông tin bởi những hoạt động hàng ngày chính là thông tin. Chỉ khi có dữ liệu mới ứng dụng được bài toán về trí tuệ nhân tạo cao cấp”.
Lê Công Thành là cái tên không còn xa lạ với giới khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin
Mặc dù vấp phải không ít khó khăn trong phát triển trí tuệ nhân tạo như thiếu dữ liệu, thiếu hạ tầng tính toán, nhân lực chưa giỏi, “Việt Nam có những lợi thế mà nước ngoài rất thèm muốn. Đấy chính là sự dễ dãi về dữ liệu”, ông Thành nhấn mạnh.
“Người Việt Nam không quan tâm đến dữ liệu cá nhân, vấn đề bảo mật dữ liệu nên rất dễ kiếm được dữ liệu của xã hội Việt Nam và rõ ràng, đây là một cơ hội. Cái hay nhất là cả xã hội đang rất coi trọng lĩnh vực này nên những người học và làm có sự tán đồng rất cao, nhiều cơ hội việc làm”.
Theo nhận định của vị Chủ tịch SMCC, AI có thể xóa bỏ rất nhiều công việc hiện tại nhưng đổi lại sẽ tạo ra số lượng công việc cao gấp khoảng 10 lần. “Mọi người đang làm nhiều công việc mà 20 năm trước không hề có, hoặc đa phần các công việc không còn giống công việc ấy cách đây 20 năm”.
“Chúng ta không cần lo ngại AI sẽ lấy đi công việc của nhiều người mà điều quan trọng là từng người trong xã hội có thích nghi hay không. Nghề của mình bị đe dọa sẽ thích nghi để làm việc khác và để làm được như thế, câu chuyện sẽ phải liên quan đến giáo dục”.
“Một người phải được giáo dục như thế nào thì bản thân người đó mới đủ khả năng thích nghi. Có thể thế hệ hiện tại sẽ là những người bị chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi AI nhưng thế hệ tương lai thì không”, ông Thành nhận định.
SMCC quét và phân tích 45 triệu thông tin mỗi ngày
SMCC - Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội là hệ thống lắng nghe, thu thập, phân tích và thống kê thông tin trên mạng xã hội cùng các nguồn tin tức lớn.
Đây là sản phẩm được InfoRe phát triển từ năm 2012 và giành Giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2016 lĩnh vực sản phẩm công nghệ thông tin triển vọng.
Hệ thống SMCC tổng hợp toàn bộ những thông tin được xuất bản hàng ngày và dùng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu tự động, đồng thời xếp hạng, đoán biết được ngữ nghĩa cũng như chất lượng của nguồn tin để cung cấp cho mọi người công cụ đánh giá thông tin được tốt hơn.
Qua đó SMCC có thể phục vụ cho nhiều bài toán của các doanh nghiệp, của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan sản xuất thông tin, báo chí và truyền thông.