Với trí tuệ nhân tạo (AI), các bác sỹ có thể điều chỉnh các hoạt động chẩn đoán và điều trị sao cho phù hợp với từng bệnh nhân thay vì dùng một phương pháp cho nhiều người như trước đây.
Mới đây, tại Hội nghị Quản lý Bệnh viện châu Á 2019 được tổ chức tại Hà Nội các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu thế không thể cưỡng lại và cũng là tương lai của ngành y tế 4.0.
Việc ứng dụng AI vào ngành y tế có thể có nhiều cấp độ, góp phần mang đến dịch vụ y tế toàn diện và cá nhân hóa với hiệu quả cao hơn. Cụ thể, các thiết bị tích hợp công nghệ AI có khả năng chụp ảnh tự động, tăng độ chính xác và tiết kiệm thời gian trong mọi công đoạn.
Theo đó, về nội dung ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế mới đây, Giáo sư, Tiến sỹ y khoa Mathias Goyen, Giám đốc chuyên môn của GE Healthcare Châu Âu đã có những chia sẻ về những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh, mở ra một tương lai mới của ngành y tế.
Giáo sư Mathias Goyen cho biết có một sự thật là 99.5% dữ liệu di truyền là giống nhau. Hai người khác nhau có bề ngoài khác nhau nhưng lại có cùng 99.5% dữ liệu di truyền. Tuy phần ADN khác nhau chỉ chiếm 0.5%, một phần nhỏ đó chứa 15 triệu cặp bazo. Điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa các cá thể cũng như sự đa dạng về loại bệnh ứng với từng cơ thể, khiến cho cùng một viên thuốc hay phương pháp điều trị, có người có thể khỏi bệnh nhưng người khác thì không.
Hiện tại, y học đã chuyển hướng sang tiếp cận dựa trên sự chính xác, tức là cá nhân hóa cách chẩn đoán để tìm ra hướng điều trị phù hợp với từng cá thể vào đúng thời điểm. Chúng tôi đã và đang tìm hiểu mối tương quan giữa các tổ hợp ADN trong bệnh nhân ung thư để đảm bảo rằng phương pháp điều trị sẽ phù hợp và mang lại hiệu quả cho bệnh nhân đó và hạn chế tác dụng phụ.
Ngày nay, các thiết bị y tế mang lại rất nhiều dữ liệu ý nghĩa nếu có thể sàng lọc và phân tích bằng AI. Nếu nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy trí tuệ nhân tạo có mặt ở mọi nơi. Ví dụ, khi tìm kiếm thông tin trên internet, bạn đã tham gia vào thuật toán. Bạn nhấn vào một kết quả tìm kiếm, máy chủ đã ghi nhận dữ liệu và ghi nhớ hành vi và sau đó đưa ra kết quả phù hợp hơn với nhu cầu tìm kiếm. Như vậy nghĩa là, ngoài việc cho kết quả, máy móc cũng học theo những hành vi của bạn.
Theo đó, Giáo sư Mathias Goyen khẳng định AI có thể được áp dụng vào y tế ở 3 cấp độ: cá nhân, khoa phòng và bệnh viện.
Đầu tiên ở là AI trong cấp cá nhân. Với ứng dụng trong cấp cá nhân, AI được tích hợp vào các thiết bị y tế như máy chụp CT, máy chụp cộng hưởng từ hay máy siêu âm và được sử dụng trong toàn bộ quá trình trước – trong – sau khi quét.
Ví dụ với chụp cộng hưởng từ, trước khi quét, kỹ thuật viên cần phải xác định vị trí và cách thức chụp – hoàn toàn trực tiếp bằng tay.
Hay như trong quá trình quét, máy quét với trí tuệ nhân tạo sẽ phát huy khả năng phân biệt động mạch và tĩnh mạch dựa trên dữ liệu đã có sẵn về cách di chuyển của các mạch máu. Điều này cho phép cả những người không có nhiều kinh nghiệm như hộ lý, y tá cũng làm siêu âm được thay cho bác sỹ. Nhờ thuật toán này, mọi người có thể dễ dàng phân biệt các mạch máu.
"Là một chuyên gia chẩn đoán hình ảnh, tôi hiểu rất rõ sự khó khăn khi không có thiết bị hỗ trợ để phân biệt động mạch, tĩnh mạch. Giờ đây, nhờ có các thiết bị thông minh, công việc này trở nên dễ dàng hơn", vị GS này cho biết.
Khi đã có được hình ảnh, AI được dùng để hỗ trợ đọc dữ liệu và chẩn đoán bệnh. Có một hiện tượng mà bác sĩ nào cũng rất sợ, đó chính là tràn dịch màng phổi. Nếu tràn dịch màng phổi được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại, khi phát hiện quá muộn thì tràn dịch màng phổi có thể dẫn đến tử vong.
Hãy tưởng tượng tình huống sau: 3 giờ sáng trong phòng chăm sóc chuyên sâu, các bác sĩ đang chụp X-quang phổi. Theo một nghiên cứu, cần 8 tiếng để hình chụp X-quang phổi được các chuyên gia đọc vì những bác sĩ trực vào ca đêm thường bận với những công việc khác như xem kết quả chụp CT não hoặc xử lý những ca gấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có nhiều phim X-quang phổi không có ai đọc. Giả sử có một bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi và không có bác sĩ nào đọc hình ảnh kịp thời, rõ ràng bệnh nhân này gặp nguy.
Được biết, hiện nay GE Healthcare đã chế tạo ra một thiết bị X-quang xách tay di động có tích hợp trí tuệ nhân tạo. Thiết bị này có khả năng cảnh báo các kĩ thuật viên khi nghi ngờ có trường hợp bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi. Sau khi chụp X-quang, hệ thống sẽ so sánh với hàng ngàn tấm phim khác từ bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi. Sau đó, thuật toán đưa ra cảnh báo với độ chính xác lên đến 95%. Một khi kỹ thuật viên nhận được thông báo, người này có thể gọi cho các bác sĩ đang trực để họ kịp thời đọc phim và phản ứng nếu cần thiết.
Thứ hai là AI trong cấp khoa phòng. Ở cấp này, trí tuệ nhân tạo được sử dụng để tinh giản các thủ tục trong khoa chẩn đoán hình ảnh. GE Healthcare đã kết hợp cùng một chuyên gia chẩn đoán hình ảnh tại Đức sở hữu 10 trung tâm y tế tư nhân. Ở Đức, thời gian đợi chụp cộng hưởng từ là 6 tuần, một quãng thời gian khá dài. Chúng tôi đã nghiên cứu và tìm ra giải pháp giảm thời gian đợi cho bệnh nhân. Cụ thể, chúng tôi dùng AI để sắp xếp lại các khâu của quy trình chụp cộng hưởng từ để tăng hiệu quả công việc, đồng thời giữ nguyên chất lượng hình ảnh. Chúng tôi đã giảm được thời gian đợi xuống 16%.
Thêm vào đó, chúng tôi cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để tăng năng suất trong quá trình làm việc nội bộ và giảm thời gian xử lý bệnh án. Phương pháp mới này đã giảm thời gian chờ của bệnh nhân và bác sĩ có thể xử lý được nhiều trường hợp hơn. Một hiệu quả phụ khác chính là tăng về doanh thu cho các cơ sở khám chữa bệnh. Càng nhiều bệnh nhân được khám thì số tiền thu về cũng tăng lên.
Và thứ ba là ứng dụng AI trong cấp bệnh viện. Cụ thể, thông thường, hai khoa đông nhất trong một bệnh viện chính là khoa cấp cứu và khoa chăm sóc chuyên sâu.
Được biết, hiện nay trên thế giới hiện có 11 trung tâm chỉ huy, chủ yếu tập trung tại Mỹ. Cơ sở đầu tiên được mở ra ở Anh và gần đây nhất cơ một cơ sở khác được thành lập tại Hàn Quốc. Giáo sư Mathias Goyen chia sẻ về việc một bệnh viện ở Toronto, Canada, qua việc sử dụng trung tâm chỉ huy đã có thể tăng lượng bệnh nhân thăm khám mỗi ngày lên 8%. Ngoài ra, một kết quả rất đáng ngưỡng mộ là họ đã tạo thêm 23 giường bệnh ảo. Giường bệnh này không có thật mà chỉ là thành quả từ việc quản lý hiệu quả lượng bệnh nhân trong bệnh viện. Điều này có được là nhờ vào việc có đầy đủ thông tin từ trung tâm chỉ huy, họ không cần chạy đến kiểm tra từng phòng mà vẫn biết được chính xác đâu là nơi cần chuyển bệnh nhân đến.
Có thể bạn quan tâm
03:03, 23/02/2019
04:15, 04/06/2019
06:04, 29/08/2019
06:35, 24/07/2019
Một câu hỏi thường gặp là: trong tương lai, liệu trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế các chuyên viên chẩn đoán hình ảnh và khiến họ thất nghiệp. Giáo sư Mathias Goyen cho rằng chắc chắn rằng trí tuệ nhân tạo là một công cụ hữu hiệu để xử lý những công việc nhàm chán mà không ai muốn làm. Trí tuệ nhân tạo tiết kiệm thời gian cho chuyên viên y tế để họ có thể tập trung vào công việc khác thú vị hơn.
Ví dụ như khi gặp một ca ung thư trực tràng và có đến 30 vị trí di căn thì một bác sĩ sẽ phải mất đến 1 giờ đồng hồ để chụp hình từng vị trí. Nhờ AI quét hình ảnh một cách thông minh, các chuyên viên có thể dành thời gian làm những việc khác cần sự can thiệp của con người hơn.
Giáo sư Mathias GoyenTôi cho biết: "Tôi tin rằng, trong tương lai, các chuyên viên chẩn đoán hình ảnh vẫn là cần thiết cho nhiều công việc. Từ phía bệnh nhân, có lẽ không có ai hài lòng nếu nhận được kết quả chẩn đoán từ máy móc mà không phải con người."
Mặt khác, những chuyên viên không áp dụng trí tuệ nhân tạo sẽ dần bị thay thế bởi những người biết cách sử dụng tính năng này. Trí tuệ nhân tạo là một công cụ hữu dụng trong việc chẩn đoán các bệnh một cách nhanh chóng và chính xác, nó tiếp xúc với chúng ta hàng ngày, hàng giờ. Ngoài ra, công nghệ này còn tiết kiệm thời gian cho các nhân viên y tế, để họ có thêm thời gian tiếp xúc với bệnh nhân từ đó gia tăng sự tương tác và tạo sự tin tưởng và hài lòng cho bệnh nhân với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Cuối cùng, Giáo sư Mathias Goyen khẳng định, chúng ta không nên sợ trí tuệ nhân tạo. Nó đã và đang hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Điều cần làm là làm sao có thể khai thác nó một cách hiệu quả nhất.